Quốc hội nghe tổng hợp ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992
(Baonghean.vn) - Ngày 22/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ 2, nghe tổng hợp ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp.
Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Bên cạnh đó, Quốc hội còn nghe Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Báo cáo về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và tiến hành thảo luận tại hội trường.
Ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII |
Đoàn đại biểu QH tỉnh Nghệ An tham dự kỳ họp |
Ngày 2/1/2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Ngày 19/5/2013, Ban biên tập đã có Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (từ 2/1/2013 đến 30/4/2013) gửi các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Từ ngày 1/5/2013 đến 30/9/2013, đã có 685 thư, văn bản góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) có nhiều thay đổi về nội dung và có điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước. Để thực hiện một số quy định mới của Hiến pháp và những nội dung được thay đổi, điều chỉnh trong Hiến pháp, cần có những quy định vừa bảo đảm chuyển tiếp, vừa bảo đảm tính ổn định, liên tục của bộ máy nhà nước; đồng thời, phải có một thời gian nhất định để rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp. Cùng với đó là quy định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) cũng phù hợp với thực tiễn sửa đổi và thi hành các Hiến pháp trước đây như, các Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992 được thông qua, Quốc hội đều ban hành Nghị quyết quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp nhằm đảm bảo sự ổn định, liên tục của bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật trong giai đoạn chuyển tiếp thi hành giữa Hiến pháp mới và Hiến pháp hiện hành.
Để đảm bảo vị trí, vai trò của Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, cần thiết phải xác định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp một cách cụ thể. Hiến pháp năm 1992 xác định việc công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) có hiệu lực từ ngày được Chủ tịch nước công bố như đã quy định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992.
Việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hiện hành như: Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chưa thể tổ chức lại ngay theo quy định mới của Hiến pháp, vì vậy Dự thảo Nghị quyết khẳng định các cơ quan nhà nước này vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi được thay thế bởi các cơ quan nhà nước tương ứng phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) có điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước, chẳng hạn như: việc Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan cấp tướng; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn các chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và các thành viên khác của các cơ quan này.
Để bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013), vừa bảo đảm tính ổn định để phát triển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong Nghị quyết quy định các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Đồng thời, để có cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các thiết chế của bộ máy nhà nước phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013), việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và xây dựng mới Luật chính quyền địa phương cần được tiến hành khẩn trương và phải được ban hành trước năm 2016.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng |
Cũng trong buổi sáng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình triển khai thi hành án (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Chủ nhiệm UB pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 |
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.
Nguyễn Nam