Vĩnh biệt người thơ Lê Thái Sơn
19h46 phút ngày 24/8, tôi nhận được tin nhắn: “Nhà thơ Lê Thái Sơn mất tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai lúc 18h20 phút hôm nay 24/8/2013. Nguyễn Trọng Tạo thông báo”. Dường như chưa thể tin nổi, cho đến khi chính cô con gái nhà thơ - nhà báo Lê Trang nhắn tin cho tôi: “Bố em mất rồi, 18h20” thì tôi mới thực sự tin rằng “con chim sơn ca xứ Đông Thành” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Thế Quang) đã vĩnh biệt chúng ta…
(Baonghean) - 19h46 phút ngày 24/8, tôi nhận được tin nhắn: “Nhà thơ Lê Thái Sơn mất tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai lúc 18h20 phút hôm nay 24/8/2013. Nguyễn Trọng Tạo thông báo”. Dường như chưa thể tin nổi, cho đến khi chính cô con gái nhà thơ - nhà báo Lê Trang nhắn tin cho tôi: “Bố em mất rồi, 18h20” thì tôi mới thực sự tin rằng “con chim sơn ca xứ Đông Thành” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Thế Quang) đã vĩnh biệt chúng ta…
Cách đây chừng 2 tuần, nhà thơ Lê Thái Sơn còn gọi điện nhờ tôi lấy giúp ông tờ báo Nghệ An có in bài thơ của ông. Lúc đó, ông đang nằm viện Hà Nội. Giọng ông có phần đã mệt, nhưng vẫn nghe rõ tiếng cười. Ông trân trọng từng bài báo có in tác phẩm của mình, nhờ gửi ra để ông được tận tay cầm nó. Đầu năm nay, ông vẫn còn đến, còn đọc thơ ở Ngày thơ Việt Nam, tháng trước nữa ông vẫn còn dự Đại hội Hội VHNT tỉnh, dù căn bệnh ung thư quái ác đã di căn vào rất nhiều bộ phận trong cơ thể của ông suốt hơn 2 năm nay. Dáng đi đã xiêu xiêu, mái tóc rụng nhiều sau những lần hóa trị, vậy mà nụ cười và niềm vui vẫn từ con người ông, từ thơ ông tỏa ra nồng ấm. Nhiều người kinh ngạc vì sức sống mãnh liệt trong ông, về cái vẻ lạc quan “đứng ngoài bệnh tật”, về niềm yêu thơ, yêu cuộc đời chưa bao giờ mệt mỏi của ông. Nhà văn Nguyễn Thế Quang kể lại: Đầu tháng 7, sau đợt hóa trị lần thứ mười hai, các bạn thơ xứ Nghệ ra Hà Nội đón ông về. Khi đi qua quê hương Diễn Châu của ông, mọi người hiểu ý ông đã cho xe đi chậm lại để ông được “thêm một lần được thăm ngắm quê hương”. Xe đi trên đường quê, bên này phố xá là sự sống, bên kia đường là nghĩa trang Cồn Vang “Nơi hồn cốt tổ tiên mình ở đó”, ông bình thản:“Có thể ở bên này hay chợt sang bên đó/ Có sao đâu/ Quê hương mình luôn ấm áp vòng tay” (Một thoáng quê nhà).
Nhà thơ Lê Thái Sơn sinh ngày 10/1/1949 tại làng Đông Phái, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 1972. Là hội viên các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Nghệ An, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam. Tác giả của 8 tập thơ văn, từng đoạt 10 giải thưởng văn học ở Trung ương và địa phương. Đầu tháng 5/2013 nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã ấn hành tập sách “Lê Thái Sơn – Thơ và Văn chọn lọc”. |
Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, nhà thơ Lê Thái Sơn vẫn còn kịp làm 20 bài thơ mới. Không hề thấy trong những bài thơ cuối cùng của ông những sự buồn nản, tuyệt vọng, chỉ thấy sự rung động với cái đẹp cuộc sống vẫn cháy mãi. Và để thấy sức sáng tạo, tình yêu thơ đã giúp ông vượt qua những năm tháng khó khăn nhất của mình. Trong gia tài đáng nể của mình: 10 giải thưởng văn học ở Trung ương và địa phương, trong đó có Giải thưởng thơ (tập Tháng giêng xanh – năm 2000) và giải B văn xuôi (tập truyện Cổ tích làng - năm 2004) do UBTQ liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tặng; 3lần đạt Giải Ba các cuộc thi thơ Tầm nhìn thế kỷ do Báo Tiền phong tổ chức 1999 - 2000; truyện ngắn cuộc thi Tương lai vẫy gọi do Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức 1998 - 1999; thơ lục bát do Báo Giáo dục Thời đại tổ chức 1997-1998; Giải thưởng Nguyễn Du (1987); Giải thưởng Hồ Xuân Hương (1987, 1997, 2002, 2005)… để cuối cùng, ông nói “ Với các con” lời nhắn nhủ: Gom lại thơ một đời/ Cuốn sách thành ngôi mộ/ Các con ơi từng trang/ Gói ghém hồn của Bố.
Vĩnh biệt ông, tôi muốn gọi ông là người thơ Lê Thái Sơn bởi vì ông chính là hiện thân của một tình yêu mãnh liệt, bền bỉ với thơ, giúp tôi nhận thấy thơ đã nâng đỡ con người kỳ diệu đến thế.
T.V