Hàng loạt doanh nghiệp ngoài quốc doanh vi phạm luật lao động
(Baonghean) - Quỳ Hợp có hàng trăm doanh nghiệp ngoài quốc doanh hành nghề khai thác khoáng sản với hàng ngàn công nhân lao động, phần lớn trong đó các chủ doanh nghiệp đều tìm cách "lách" luật, vi phạm luật. Họ không thành lập tổ chức công đoàn, không đóng BHXH cho người lao động...
Gặp nạn mới thấy thiệt thòi!
Trong căn nhà lá tuềnh toàng ở bản Đồng Hưng, xã Đồng Hợp, Quỳ Hợp, anh Trương Văn Nghiêm (sinh năm 1974, người dân tộc Thái), công nhân của Công ty TNHH Toàn Thắng (trụ sở tại Thị trấn Quỳ Hợp) đã chua chát than thở như vậy khi nói về tai nạn của mình. Nghiêm bị tai nạn lúc hơn 6 giờ sáng ngày 31/5/2013. Hôm đó, Nghiêm đang nối vòi nước tại mỏ đá Ba Không, xã Văn Lợi thì bị đá trượt chém đứt gân gót chân, anh ngã sụm ngay tại chỗ và sau đó những người cùng làm băng bó sơ cứu và đưa đi bệnh viện. Cho đến nay, đã qua 5 tháng chữa trị nhưng vết thương chưa lành, không những vậy, ngày 23/8, anh lại phải xuống Bệnh viện đa khoa Tây Bắc phẫu thuật lại. Vì chân đau không thể đi lại, con còn nhỏ nên vợ của Nghiêm, chị Hà Thị Liên - công nhân Công ty gạch Tuynel Nghĩa Đàn phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc chồng.
Nghiêm rầu rĩ: "Hết 30 triệu đồng rồi. Mình đen nên phải chịu thôi...". Hỏi chuyện, anh cho biết chủ doanh nghiệp cho người đem xuống viện cho 10 triệu đồng để chi trả viện phí. Hôm phẫu thuật lại, hai vợ chồng lên xin thì được chủ doanh nghiệp cho thêm 5 triệu đồng. Nghiêm cho biết, thời gian làm việc ở Công ty TNHH Toàn Thắng đã được 4 năm. Trước khi vào làm việc anh được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng theo từng năm một. "Chủ yêu cầu đưa cho họ chứng minh thư để thảo hợp đồng và hợp đồng đó cũng do chủ giữ. Công ty có khoảng trên 60 công nhân nhưng ai cũng như vậy cả, hết năm lại ký hợp đồng tiếp và chỉ vậy thôi chứ không được đóng BHXH..." - anh Nghiêm nói.
Sau 5 tháng chữa trị, vết thương của anh Trương Văn Nghiêm vẫn chưa lành. |
Trường hợp của Trương Văn Nghiêm còn đỡ so với anh Trần Văn Hồng (xóm Mỹ Đình, xã Châu Đình). Cũng là công nhân của Công ty TNHH Toàn Thắng, nhưng anh Nghiêm còn giữ được tính mạng của mình. Anh Hồng tử vong hồi 9h30 ngày 16/9/2013 khi đang cùng một số công nhân cắt cây keo. Anh Hồng làm cho Công ty TNHH Toàn Thắng được gần 13 tháng. Khi vào làm việc tại doanh nghiệp này không làm hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận miệng (ở xóm Mỹ Đình có nhiều người làm việc cho Công ty TNHH Toàn Thắng theo kiểu thỏa thuận miệng). Anh Hồng làm tại tổ xẻ đá. Hôm đó, chủ doanh nghiệp điều động cả tổ đi cắt cây keo ở gần trụ sở. Anh Hồng đang sử dụng cưa xăng để cắt cây thì bị cành cây lao xuống trúng đầu gây tử vong. "Tôi đang làm việc ở Malaixia, nên anh mất tròn một tuần mới có mặt ở nhà. Tang gia bối rối nên cũng chưa có thời gian để xem chủ doanh nghiệp có trách nhiệm ra sao với cái chết của anh ấy..." chị Thanh, vợ anh Hồng nói. Anh Hồng có hai con trai, cháu sau học lớp 9 và hoàn cảnh rất khó khăn.
Theo thông tin chúng tôi có được, từ ngày 1/12/2012 đến ngày 18/10/2013, ở huyện Quỳ Hợp có 4 vụ tai nạn lao động gây tử vong, trong đó có 3 người là công nhân và họ đều không được tham gia BHXH. Ngoài trường hợp của anh Hồng còn có các trường hợp: Lương Văn Đàm, trú tại bản Đan, xã Châu Lộc, là công nhân thời vụ làm tại tổ hợp khai thác đá xây dựng của ông Nguyễn Văn Thành (trú tại số 9, Phan Chu Trinh, TP Vinh). Anh Đàm trong khi đi lấy dây rừng dựng lán đã bị trượt chân đập đầu vào đá gây tử vong; anh Lê Văn Tuất trú tại bản Mường Ham, xã Châu Cường, là công nhân hợp đồng của Hợp tác xã Thanh An. Anh Tuất tử vong vì bị đá chèn khi đang lao động...
Những con số báo động
Theo số liệu thống kê của các cơ quan liên quan ở huyện Quỳ Hợp, hiện nay, trên địa bàn này có 350 doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó số doanh nghiệp đang hoạt động là 220. Có 9 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Đến 30/5/2013 tổng số lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 6.376 người. Trong đó, cho đến tháng 9/2013, số lao động đăng ký tham gia đóng nộp BHXH chỉ là 673 người. Rất nhiều công ty là doanh nghiệp có tên tuổi trên địa bàn và có đông lao động nhưng số tham gia BHXH thấp như: Công ty cổ phần An Sơn có 400 lao động, tham gia BHXH 13 người; Công ty TNHH Chính Nghĩa có 214 lao động, tham gia BHXH 36 người; Công ty cổ phần Khoáng sản và thương mại Trung Hải có 270 lao động, tham gia BHXH 35 người;... Thậm chí, có công ty báo cáo số lượng lao động không đúng thực tế như Công ty TNHH Toàn Thắng. Theo công nhân của công ty này cho biết thì lực lượng lao động ở đây không dưới 60 người, nhưng theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng thì đơn vị này chỉ có 17 lao động, trong đó có 8 người tham gia BHXH!?
Làm việc với Công ty cổ phần An Sơn, bà Nguyễn Thị Anh Điệp - kế toán, là người thay mặt chủ doanh nghiệp tiếp chuyện chúng tôi. Bà Điệp nói: Theo tôi được biết thì trong hàng trăm doanh nghiệp "có tên" thì chỉ có 5 doanh nghiệp là thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cho người lao động. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo bà Điệp thì, doanh nghiệp Quỳ Hợp không có sự ổn định trong sản xuất kinh doanh, công nhân lao động ở các doanh nghiệp vì thế không có sự ổn định, đến thời điểm hiện tại, Công ty CP An Sơn chỉ còn 250 lao động. Mà đã như vậy, việc tham gia BHXH rất phiền phức...
Bà Nguyễn Thị Anh Điệp - kế toán Công ty cổ phần An Sơn cho biết:
[audio(277)]
Cũng với nội dung này, ông Lê Duy Hải - Giám đốc Hợp tác xã Thanh An cho rằng, đối với công nhân lao động thời vụ thì rất khó trong việc tham gia BHXH. Hợp tác xã Thanh An có 110 công nhân lao động, trong đó có 11 người tham gia BHXH.
Theo quy định của Luật BHXH, khi doanh nghiệp ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 tháng trở lên với người lao động thì phải có trách nhiệm thực hiện các thủ tục cần thiết để tham gia BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hoàng - Giám đốc cơ quan BHXH huyện Quỳ Hợp thì rất ít doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Quỳ Hợp chịu thực hiện: "Cứ theo số người tham gia bảo hiểm rồi áp với tổng số doanh nghiệp thì thấy rất rõ là chỉ có bộ khung của doanh nghiệp được tham gia BHXH. Thậm chí có những doanh nghiệp không có người nào tham gia BHXH. Chúng tôi biết như vậy và đã nhiều lần có văn bản tham mưu cho chính quyền buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các chính sách với người lao động như Luật BHXH đã quy định nhưng vẫn chưa có gì khả quan".
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Giám đốc cơ quan BHXH huyện Quỳ Hợp trả lời phóng viên
[audio(281)]
Cũng theo ông Hoàng, các doanh nghiệp thường có những "chiêu, trò" để “lách” luật. "Họ thường ký hợp đồng với lao động thời gian 2 tháng, sau đó không ký lại dù vẫn sử dụng lao động và dùng hợp đồng này để qua mắt cơ quan chức năng. Một số doanh nghiệp thì "hợp đồng miệng" hoặc thậm chí không ký hợp đồng. Còn theo Chủ tịch Công đoàn huyện Đinh Thị Hải Lý, có những doanh nghiệp sử dụng phương thức thành lập các công ty, tổ hợp vệ tinh sử dụng lao động làm việc cho mình nhưng không hề báo cáo, kê khai cho cơ quan chức năng. Có những doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng không thông tin đầy đủ các nội dung như quy định của Luật Lao động cho người lao động rõ, và thay vì thảo 2 hợp đồng, chủ doanh nghiệp chỉ cho thảo một bộ hợp đồng và giữ luôn, người lao động thậm chí cũng không biết họ ghi gì trong đó... Dù cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn biết rõ tình trạng này nhưng không thể làm gì hơn vì BHXH và tổ chức công đoàn không có chức năng kiểm tra độc lập, cũng như xử lý vi phạm.
Về việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, phòng LĐTB&XH huyện Quỳ Hợp khi được hỏi cũng xác định, một số doanh nghiệp trên địa bàn chưa thực hiện tốt các quy định đối với người lao động như: không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, không điều chỉnh mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ, không xây dựng thang bảng lương chưa xây dựng nội quy lao động, nội quy an toàn lao động, trang bị bảo hộ lao động không đầy đủ cho người lao động…. Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu là hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nhưng vấn đề an toàn lao động ở một số doanh nghiệp chưa được quan tâm, nguy cơ mất an toàn lao động tại các danh nghiệp là rất cao.
Nguyên nhân được chỉ ra là vì sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vì vậy, số lượng lao động trong các doanh nghiệp thường không ổn định. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh rất hạn chế trong nhận thức, đặc biệt về pháp luật lao động. Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động từ huyện đến cơ sở thì còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu hoạt động do kiêm nhiệm. Nguồn lực cho công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ còn hạn chế. Việc tuân thủ về pháp luật ATVSLĐ của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định có tính chất đối phó sự kiểm tra của cơ quan nhà nước. Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe làm cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động coi thường pháp luật...
Những nguyên nhân được Phòng LĐTB&XH Quỳ Hợp dẫn ra là đúng thực tế. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Quỳ Hợp trốn tránh trách nhiệm với người lao động còn một phần là do sự buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm đôn đốc, kiểm tra xử lý đúng mức của các cấp chính quyền. Và vì vậy đã dẫn đến tình trạng quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân lao động trên địa bàn đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Theo quy định, những trường hợp bị tai nạn lao động như anh Trương Văn Nghiêm, hoặc đã tử vong như anh Trần Văn Hồng, doanh nghiệp vì không thực hiện đóng nộp BHXH thì phải có trách nhiệm đầy đủ với người lao động. Nhưng anh Nghiêm, thân nhân anh Trần Văn Hồng và những người công nhân lao động khác liệu có nắm bắt được các thông tin về pháp luật để lên tiếng đòi quyền lợi hợp pháp của mình? Để giải quyết vấn đề này, chính quyền huyện Quỳ Hợp cần phải thấy rõ tính chất, mức độ vi phạm của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh để cùng phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung xử lý.
Hà Giang