Có nên đánh thuế lãi tiền gửi của doanh nghiệp?

06/09/2013 21:39

Ngay sau khi có thông tin Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đã có những phản ứng khác nhau liên quan đến việc đánh thuế này. Không ít ý kiến cho rằng, đề xuất này sẽ khó nhận được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp, bởi tiền gửi của họ hầu hết là từ lợi nhuận, và đây là khoản họ đã phải đóng nhiều loại thuế trước đó.

Ngay sau khi có thông tin Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đã có những phản ứng khác nhau liên quan đến việc đánh thuế này. Không ít ý kiến cho rằng, đề xuất này sẽ khó nhận được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp, bởi tiền gửi của họ hầu hết là từ lợi nhuận, và đây là khoản họ đã phải đóng nhiều loại thuế trước đó.

Cụ thể, đề xuất của Bộ Tài chính được đưa ra trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến.



Theo đó, ngoài việc phải đóng thuế cho thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ... doanh nghiệp sẽ đóng thêm thuế với thu nhập từ lãi tiền gửi, bán ngoại tệ, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn.

Doanh nghiệp nói “không”


Khi thông tin trên được phát đi, đã có những phản ứng trái chiều từ phía doanh nghiệp, đa phần trong số đó đều tỏ ra không đồng tình với đề xuất này của Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Thông Tấn cho rằng, đề xuất trên là quá phi lý và là một sai lầm trong chính sách đối với các doanh nghiệp. Bởi lẽ, tiền gửi ngân hàng là tiền “mồ hôi và công sức” của doanh nghiệp làm ra, là quyền và lợi ích của doanh nghiệp. Các khoản tiền gửi của các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là các khoản lợi nhuận mà họ kiếm được và những khoản tiền đó doanh nghiệp đã phải nộp nhiều khoản thuế, trong đó có cả thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo ông Tấn, có thể đề xuất này đúng trong một số trường hợp, ví như, doanh nghiệp vay được nguồn vốn tài trợ từ các khoản tài trợ như ODA, hay do doanh nghiệp khác đầu tư... với lãi suất rất thấp nhưng doanh nghiệp đó lại không đem tiền vào lưu thông mà gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để “ăn” chênh lệch lãi suất, thì các khoản tiền này nên được đánh thuế và đánh thuế cao.

“Nếu đánh thực hiện đánh thuế lãi tiền gửi, thì nên bỏ đánh thuế thu nhập của doanh nghiệp. Còn nếu không, cơ quan quản lý cần có sự phân biệt các loại tiền gửi, phân loại doanh nghiệp để đánh thuế. Khi đó, các giải pháp đề ra mới có được sự đồng thuận cao nhất”, ông Tấn kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm của ông Tấn, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh dầu nhờn động cơ tại Hải Phòng cho rằng, đó là đề xuất bất công đối với doanh nghiệp, bởi các khoản tiền gửi tiết kiệm của doanh nghiệp tại ngân hàng là lợi nhuận đã được doanh nghiệp đóng nhiều khoản thuế trước đó. Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp muốn gửi tiền vào ngân hàng để bảo toàn đồng vốn và sinh lời để trang trải một phần chi phí.

Trong khi đó, ông Cao Văn Thủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tạp Phẩm (Tocontap), nếu đề xuất đánh thuế trên được thông qua sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp có tiền gửi ngân hàng.

Theo ông Thủy, đề xuất trên cũng là một cách giúp cơ quan quản lý hướng dòng tiền của doanh nghiệp vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì gửi tiền ngân hàng để tìm kiếm lợi nhuận. Nếu các khoản tiền gửi của doanh nghiệp là các khoản tiền gửi không kỳ hạn, dòng tiền đến nhanh và đi cũng nhanh thì lãi tiền gửi đó cũng không đáng kể nên nếu có đánh thuế trên những khoản này cũng rất nhỏ.

“Đây có thể được xem là một đề xuất hợp lý của cơ quan quản lý nhằm khơi thông dòng chảy của vốn trong nền kinh tế”, ông Thủy nhận định.

Thận trọng khi đánh thuế


Khi đa phần doanh nghiệp đều có những phản ứng không tích cực với đề xuất trên, không ít chuyên gia kinh tế cũng nhận định, đề xuất này của Bộ Tài chính sẽ khó nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, vì số tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp đa phần là trích từ lợi nhuận, đây là khoản họ cũng đã phải nộp các khoản thuế theo quy định của luật doanh nghiệp. Nếu tiếp tục đánh thuế sẽ nảy sinh ra hiện tượng “thuế chồng thuế”, doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng “một cổ nhiều tròng”.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, đề xuất đánh thuế tiền gửi doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý bàn thảo nhiều lần nhưng chưa đi đến quyết định, vì vậy, với đề xuất của Bộ Tài chính cần có những nghiên cứu, phân tích sâu sắc trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Theo ông Kiêm, đề xuất đánh thuế này của Bộ Tài chính được đưa ra nhằm mục đích hướng dòng tiền của doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để dòng tiền doanh nghiệp đổ vào sản xuất kinh doanh có rất nhiều cách như: giảm lãi suất tiết kiệm, lãi suất cho vay, tìm các giải pháp tăng tổng cầu... chứ không nhất thiết phải đánh thuế.

“Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay, không nên tính đến việc đánh thuế lãi gửi tiết kiệm của doanh nghiệp. Các khoản tiền gửi đó là thu nhập từ sản xuất kinh doanh đã phải chịu thuế. Nếu đánh thuế sẽ nảy sinh hiện tượng thuế chồng thuế”, ông Kiêm nhấn mạnh.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính, ông Nguyễn Trí Hiếu lại tỏ ra đồng tình với đề xuất trên. Theo ông Hiếu đây là đề xuất hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và việc đánh thuế này cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai. Nếu như các khoản tiền đó là tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp đem gửi ngân hàng thì nên đánh thuế trên mức lãi suất mà doanh nghiệp nhận được.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhấn mạnh, việc đánh thuế trên lãi tiền gửi của doanh nghiệp cần được phân tích và tách biệt rõ ràng giữa các khoản tiền để tránh đánh thuế sai, đánh thuế hai lần trên một khoản thu... qua đó gây ra những phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp.


Theo VnEconomy - TH