Một doanh nhân nặng lòng với quê hương

25/06/2013 19:34

Công ty TNHH Thiên Nam Sơn ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai do anh Nguyễn Đức Thuận làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc từ lâu không còn xa lạ với người dân miền biển xứ Quỳnh. Mặc dù làm ăn xa nhưng gần như có sự kiện lớn nào ở quê nhà, anh Thuận đều có mặt và chung tay giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng quê hương một số công trình…

(Baonghean) - Công ty TNHH Thiên Nam Sơn ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai do anh Nguyễn Đức Thuận làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc từ lâu không còn xa lạ với người dân miền biển xứ Quỳnh. Mặc dù làm ăn xa nhưng gần như có sự kiện lớn nào ở quê nhà, anh Thuận đều có mặt và chung tay giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng quê hương một số công trình…

Tuổi thơ lam lũ và gian khó của cậu học trò nghèo:


Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo khó Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), anh Nguyễn Đức Thuận (SN 1971) có tuổi thơ khá vất vả và lam lũ.Bố mẹ ly thân từ khi anh còn nhỏ, cả nhà phải trồng chờ vào đồng lương giáo viên tiểu học vốn ít ỏi của mẹ. Không những vậy, mẹ phải đi dạy huyện miền núi khá xa nên cuộc sống đối với gia đình anh càng vất vả, khó khăn hơn. Mấy anh em Thuận phải sống lay lắt cực khổ. Thời kỳ đó, sau khi học xong cấp 2, để học lên cấp 3, thế hệ anh Thuận (cũng như chúng tôi- PV) phải sang trường THPT Quỳnh Lưu 3, đóng ở xã Quỳnh Lương cách nhà gần 10 km để học. Nhà nghèo, không có xe đạp, để đến trường hàng ngày, Thuận đi nhờ xe bạn học hoặc thậm chí nhiều hôm phải dậy đi bộ từ rất sớm.




Nguyễn Đức Thuận tặng quà Trường THPT Quỳnh Lưu 3 nhân ngày lễ tri ân thầy cô

Vì vậy, trong mắt bạn bè cho đến các thầy cô thời kỳ ấy, hình ảnh một Nguyễn Đức Thuận gầy còm và đến lớp chậm vì không phải là hiếm. Đến hôm nay, khi đã trưởng thành, mỗi khi về lại trường cũ, Thuận đều bồi hồi nhớ lại thời đi học gian khó của mình. Thời đó, đi học qua đò ngang sông Tiến Thủy gần cửa Lạch Quèn nguy hiểm, trắc trở đã đành nhưng gặp trời mưa, bão gió, không có đò qua sông; để đến trường chỉ còn cách đi bộ tắt qua đồng muối An Hòa nước ngập đồng vừa đi bộ vừa dò đường rất nguy hiểm. Vì đường chính chưa có nên chủ yếu đi trên bờ mương, gặp trời mưa đất sét nên trèo lên trượt xuống, ngã ì oạch. Và khi đến được lớp học, mặt mày đã lấm lem bùn đất, quần áo, sách vở đều ướt sũng…


Một kỷ niệm vui mà anh mới tiết lộ là chị Lạc, người bạn đời hiện nay cũng là cô bạn đi chung chuyến đò. Hôm dó do đò ngang bị lật, anh Thuận nhảy xuống sông cứu được sau đó họ biết nhau và nên duyên vợ chồng. Có thể nói khó khăn là vậy nhưng vượt lên tất cả anh Thuận cũng hoàn thành 3 năm học 1986-1989 và để lại ấn tượng mạnh cho không ít thầy cô về cậu học trò nghèo nhưng giàu nghị lực…


Tay trắng vào Nam lập nghiệp:


Học xong phổ thông, bạn bè cùng trang có điều kiện thì đi thi đại học hoặc nếu ở nhà thì bố mẹ cho ít vốn kinh doanh buôn bán, học nghề. Anh Thuận không có điều kiện học lên nên phải ở nhà làm ăn nhưng việc kinh doanh không thuận lợi đến mức suýt vỡ nợ phải chạy vào Nam kiếm sống. Thời kỳ năm 1992-1993, qua nhiều người bạn, tôi được biết anh nghèo túng đến mức không có tiền mua một suất vé xe ô tô. Để vào Nam, anh được một người bạn học cho vay tạm 200 ngàn đồng.


Khi mới vào Nam, cuộc sống của Thuận rất khó khăn. Không có việc làm, không người giúp đỡ, có lúc đói quá phải đi hái rau dại, măng rừng để ăn. Anh vừa làm thuê vừa học hỏi làm ăn và khi có kinh nghiệm hơn anh được một người thân giao quản lý cho một cửa hàng xăng dầu. Vừa làm vừa học, với sự linh hoạt nhanh bén trong kinh doanh, anh được người thân tin tưởng đầu tư và giao đứng chủ quản lý một số cây xăng. Sau đó, Thuận lập Công ty riêng và kinh doanh trong lĩnh vựcvận tải xăng dầu, mở hệ thống nhà hàng, dịch vụ giải trí, khách sạn….


Có thể nói thời gian gần 20 năm làm ăn xa quê thì có đến khoảng 15 năm đầu anh phải làm đủ mọi nghề. Hiện nay, ngoài các lĩnh vực trên, anh đã lập Công ty chuyên kinh doanh bất động sản tại địa bàn Đồng Nai, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Phan Thiết và đang trở về Nghệ An đầu tư làm ăn với dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp với số vốn giai đoạn 1 gần 200 tỷ đồng trên diện tích gần 6 ha tại bãi biển xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) mở ra hướng phát triển kinh tế du lịch biển quê nhà.


Điều đáng quý của anh Thuận không chỉ thành đạt trong kinh doanh mà còn là doanh nhân giàu lòng nhân ái. Anh luôn dành tình cảm chân thành của mình cho những cảnh đời khốn khó, luôn hướng về và cho dành cho quê hương Quỳnh Lưu, cho mái trường xưa một tình cảm đặc biệt. Mặc dù ở xa nhưng gần như các sự kiện nào quê hương cần anh thì anh đều có mặt. Năm 2010, anh tài trợ 100 triệu đồng cho quỹ khuyến học huyện Quỳnh Lưu và tài trợ cho các cựu giáo chức huyện đi tham quan các tỉnh. Khi về thăm quê nhà năm 2011, thấy Trạm xá xã xuống cấp, anh đặt vấn đề với chính quyền địa phương và tự mình đứng ra kết nối, vận động bà con quê hương làm ăn xa quyên góp được gần 700 triệu đồng, trong đó anh đóng góp 670 triệu đồng để xây dựng cho Trạm xá xã khang trang, sạch sẽ như hôm nay.


Năm 2010, khi miền Trung bị bão lũ thiệt hại nặng nề, anh đích thân lái xe đi các nơi từ Quảng Bình ra Nghệ An thăm hỏi giúp đỡ người dân vùng lũ, trong đó có trường tiểu học xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh tặng 100 triệu đồng.
Không chỉ tài trợ tiền, anh còn trực tiếp góp tay làm một số việc. Ngày chuẩn bị khởi công xây dựng Trạm xá, anh về trước mấy ngày để chuẩn bị cho lễ khởi công. Hình ảnh anh tất bật và tự mình sắp xếp bố trí lễ đài khởi công khiến nhiều người khâm phục, cảm động. Tại các buổi lễ trao học bổng hoặc quà khuyến học, trừ khi quá bận và bất khả kháng, anh đều về dự và trực tiếp trao quà, động viên các em.


Thầy Nguyễn Đình Phượng, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 3 cho biết: từ năm 2010 đến nay, anh Nguyễn Đức Thuận đã tài trợ cho khoảng 700 triệu đồng, trong đó 300 triệu để tài trợ học bổng cho các em cho các em hoàn cảnh khó khăn học giỏi đậu đại học cũng như học sinh nghèo vượt khó tại trường và mới đây nhất là 400 triệu để Trường mua sắm thiết bị dạy và học.


Bằng tấm lòng và sự chân thành của mình, trong khoảng 5-7 năm lại đây, mỗi năm anh dành trên 1 tỷ đồng cho công tác từ thiện; Công ty của anh nhận bảo trợ cho trên 100 em học sinh, sinh viên nghèo theo học đại học. Năm nay, dù việc kinh doanh còn khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng dành 1 tỷ đồng để làm từ thiện.


Trong lần gặp mới đây, thông qua buổi gặp mặt với các em học sinh lớp 12 , anh Thuận tâm sự và nhắn nhủ thông điệp khiến nhiều người nghe phải suy nghĩ: vì gia đình nghèo nên học xong phổ thông anh không có may mắn được đi học thêm ngôi trường nào nữa; trường cấp 3 vì thế là mái trường lớn cho anh kiến thức và kỷ niệm đáng quý nhất của tuổi học trò. Từ trải nghiệm của mình, Thuận động viên các em phải ra sức học tập, phấn đấu; kiến thức thu nhận được ở nhà trường là vô cùng cần thiết mà trong cuộc sống chắc chắn có lúc các em sẽ dùng đến.


Đây là tình cảm và tấm lòng mà anh dành cho quê hương, mái trường xưa mà không phải ai cũng có được. Với chúng tôi, thế hệ đàn em đi sau nhận thấy có lẽ từ việc thấm thía cảnh nghèo khó, lam lũ của mình, việc tài trợ, giúp đỡ của anh hôm nay với người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là với quê hương và trường cũ không chỉ là một sự tri ân mà còn góp phần mang lại cơ hội và niềm tin vào tương lai cho các em có hoàn cảnh như anh để có thêm nghị lực phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống./.


Bài, ảnh: Nguyễn Hải