Đâu là lời giải ?
(Baonghean) - Chưa đầy một tháng (từ ngày 16/7- 6/8 ), trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 3 vụ ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy, mối quan hệ giữa doanh nghiệp- người lao động đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong thời buổi tăng giá hiện nay. Trên thực tế, “túi tiền” người công nhân ngày càng trở nên eo hẹp khi giá cả "leo thang". Và thu xếp tiền lương cho công nhân như thế nào đang là bài toán nan giải đối với nhiều doanh nghiệp...
(Baonghean) - Chưa đầy một tháng (từ ngày 16/7- 6/8 ), trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 3 vụ ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy, mối quan hệ giữa doanh nghiệp- người lao động đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong thời buổi tăng giá hiện nay. Trên thực tế, “túi tiền” người công nhân ngày càng trở nên eo hẹp khi giá cả "leo thang". Và thu xếp tiền lương cho công nhân như thế nào đang là bài toán nan giải đối với nhiều doanh nghiệp...
Sáng ngày 17/7/2013, hơn 2.500 công nhân Công ty may mặc xuất khẩu Prex Vinh- đóng tại cụm công nghiệp nhỏ xã Lạc Sơn (Đô Lương) đã tập trung trước cổng công ty yêu cầu lãnh đạo công ty giải quyết các kiến nghị về quyền lợi, chế độ lao động. Theo nhiều công nhân, nguyên nhân khiến họ ngừng việc tập thể là do các chế độ không được đảm bảo như tiền lương, chế độ làm thêm giờ, tăng ca, bữa cơm trưa và cả thái độ của chủ sử dụng lao động đối với công nhân... Chị Nguyễn Thị Thúy (ở xã Mỹ Sơn- Đô Lương) là thợ may tại chuyền 6, phân xưởng 1 cho biết: " Dù được đánh giá là thợ có kinh nghiệm lâu năm, tay nghề cao nhưng mức lương của tôi cũng chỉ được 1.750.000 đồng. Tuy công ty có hỗ trợ thêm 180.000 đồng tiền độc hại và 300.000 đồng tiền ăn trưa nhưng với mức thu nhập này rất khó để chúng tôi cân đo chuyện chi tiêu hàng tháng"...
Cũng trong ngày 17/7, hàng trăm công nhân Nhà máy may Hanosimex Nam Đàn yêu cầu bảo vệ mở cổng để ra về. Theo các công nhân, nguyên nhân khiến họ ngừng việc là do nhà máy trả lương quá thấp và nghi ngờ không biết tiền lương được tính như thế nào. Anh Lê Minh Đức (làm việc ở tổ 2 - line 4) cho hay: " Tháng 6/2013, tôi làm được 26 công và thêm 1 ngày chủ nhật mà tiền sản phẩm chỉ được tính 856.000 đồng. Theo bảng lương của nhà máy, tiền công làm ngày chủ nhật của tôi chỉ được tính hơn 34.000 đồng. Trong khi đó, quy định làm ngày chủ nhật phải được tính tiền công gấp đôi "... Đến ngày 6/8/2013, thay vì vào công xưởng để làm việc thì hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam đã tập trung trước cổng công ty, đòi gặp giám đốc để được trả lời về những kiến nghị đã gửi trước đó.
Theo chị Lê Hồng Minh, ở xóm 8- xã Nghi Lâm (Nghi Lộc): " Hiện mức lương cơ bản của tôi là 2.030.000 đồng, ngoài ra còn có 200.000 đồng tiền phụ cấp xăng xe, 150.000 đồng tiền chuyên cần. Nếu 1 tháng làm đủ 26 công và trừ các khoản bảo hiểm thì thực lĩnh được 2.100.000 đồng. Nhưng công ty không có chỗ ở cũng như tiền hỗ trợ nhà ở cho công nhân, những người ở xa nhà máy như chúng tôi phải thuê phòng trọ cũng mất thêm một khoản tiền đáng kể . Với mức thu nhập này so với giá cả thị trường hiện nay thì rất khó "gói ghém" để sống qua ngày chứ chưa nói đến chuyện tích lũy phòng trừ lúc ốm đau ".
Sản xuất ống thép tại Công ty TNHH Đại Thành ở KCN Tháp- Hồng- Kỷ (Diễn Châu).
Thời gian gần đây, các mặt hàng thiết yếu như gas, điện, xăng dầu tăng giá, kéo theo giá rất nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, khiến cuộc sống của những người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. Nhiều người đã "thắt lưng buộc bụng", loại thịt, cá ra khỏi bữa ăn để tương xứng với số tiền lương đã bị "teo tóp" do đồng tiền trượt giá. Giá tăng nhưng lương không tăng khiến đời sống của người lao động ngày càng khó khăn. Sức ép của bài toán thu nhập- chi tiêu quá lớn khiến người lao động đuối sức. Thực tế từ 3 vụ đình công tập thể với hơn 4.000 công nhân tham gia, mặc dù các vụ ngừng việc xảy ra ở các công ty khác nhau nhưng trong những yêu cầu, kiến nghị mà công nhân đưa ra đều có chung ý kiến đề nghị các doanh nghiệp tăng lương, tăng tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác để giúp công nhân có thể tăng thu nhập, cải thiện đời sống...
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành (ở Khu công nghiệp Tháp- Hồng- Kỷ, huyện Diễn Châu): Vấn đề là không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tăng lương để bù trượt giá cho công nhân. Quả thật lực bất tòng tâm. Vừa qua giá thành sản xuất tăng gấp rưỡi nhưng giá bán sản phẩm tăng chưa tới 10% thì chúng tôi khó có lợi nhuận đủ để cơ cấu vào khoản tăng lương. Vì vậy, khó có thể một lúc vừa đối phó với tình hình tăng giá nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, vừa có thể tăng lương cho toàn bộ công nhân viên. Trước mắt, chúng tôi chỉ mới tính toán để tăng lương cho các lao động nòng cốt, chiếm khoảng 30% nhân lực trong công ty. Và để có khoản chi này, chỉ có cách gia tăng cải tiến kỹ thuật, tăng hiệu quả công việc nhưng không tăng lao động, để tăng doanh số… và khi đã tương đối ổn định thì mới tính đến việc tăng mặt bằng lương chung cho toàn bộ công nhân “Hiện nay chúng tôi đang đứng trước hai áp lực lớn, đó là trách nhiệm đối với người tiêu dùng và trách nhiệm đối với người lao động.
Đồng lương của anh em công nhân tăng không kịp với mức độ trượt giá tiêu dùng cũng là điều bức bối mà người lãnh đạo nào cũng phải băn khoăn. Để có thể hỗ trợ tăng thêm tiền công cho lao động, chúng tôi chỉ còn cách tiết kiệm từ khoản điện, giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết... Trước mắt chúng tôi đang vận động anh em cùng chia sẻ khó khăn, chịu đựng một khoảng thời gian để tình hình ổn định, lúc ấy mới tính đến chuyện tăng thêm thu nhập” - Ông Nguyễn Hữu Tài cho biết thêm.
Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện tăng lương cho công nhân như Công ty TNHH Đại Thành, mà thực tế có nhiều doanh nghiệp đang đứng trước muôn vàn khó khăn do tác động của nhiều yếu tố bên ngoài. Nếu chịu thêm áp lực tăng lương từ bên trong, rất có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa để bảo toàn nguồn vốn. Đó là nguy cơ có thực và chứa đựng nhiều bất trắc cho cả nền kinh tế và xã hội.
Theo số liệu thống kê Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước có 39.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 193,5 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động là 28.755, trong đó, có 4.499 doanh nghiệp đã chính thức giải thể; 24.256 doanh nghiệp ngừng hoạt động, cũng có thể sẽ tiến hành giải thể và có thể hoạt động trở lại. Số lượng doanh nghiệp lâm vào tình trạng này trong 6 tháng đầu năm nay tăng 1,8% so với 6 tháng cuối năm 2012 và tăng 10,54% so với cùng kỳ, dù nền kinh tế hiện đã khởi sắc hơn giai đoạn suy thoái năm 2008 - 2009.
Như vậy, trước những khó khăn hiện tại, cần có những cuộc trao đổi thẳng thắn giữa doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp cần thường xuyên thăm hỏi và động viên, chia sẻ khó khăn với người lao động, có những thay đổi kịp thời về mức lương, đảm bảo cho người lao động có được cuộc sống ổn định; đồng thời cũng nên giải thích rõ những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải để có được sự thông cảm của người lao động. Hơn bao giờ hết, cả người lao động và chủ doanh nghiệp đều phải biết hy sinh một phần lợi ích của mình để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Để hạn chế sự gia tăng các cuộc ngừng việc tập thể, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, các DN triển khai tiến hành đối thoại tại nơi làm việc theo định kỳ 3 tháng 1 lần hoặc theo yêu cầu của 1 bên theo Quy định tại điều 63, 64, 65 của Bộ luật lao động năm 2012 nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa chủ sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc. Chỉ đạo các huyện tiến hành việc kiểm tra thực hiện Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn năm 2012 tại các DN có sử dụng đông công nhân lao động, có nguy cơ dễ xảy ra ngừng việc tập thể. Yêu cầu các chủ DN, đặc biệt là những DN có sử dụng đông lao động thực hiện đúng các quy định của Luật Công đoàn, trong đó sắp xếp, bố trí thời gian cho cán bộ công đoàn hoạt động, đóng kinh phí công đoàn đầy đủ...
Bài, ảnh: Ngọc Anh