Đầu tư hạ tầng giao thông gắn phát triển du lịch

12/06/2013 16:27

Nghệ An đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm du lịch Bắc Trung bộ đến năm 2020 là trong đó có tính đến điều kiện thuận lợi và thế mạnh đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát triển du lịch tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

(Baonghean) - Nghệ An đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm du lịch Bắc Trung bộ đến năm 2020 là trong đó có tính đến điều kiện thuận lợi và thế mạnh đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát triển du lịch tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Căn cứ vào việc xác định, quy hoạch 5 trọng điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (TP. Vinh, Thị xã Cửa Lò, Khu di tích Kim Liên – Nam Đàn, Vườn quốc gia Pù Mát, Du lịch sinh thái – văn hóa Quỳ Châu, Quế Phong), thì Nghệ An cơ bản có hệ thống giao thông các cấp để có thể tiến hành đầu tư nâng cấp, bổ sung mở rộng nhằm tạo tiền đề để thu hút các dự án đầu tư du lịch khai thác điểm đến tại các trọng điểm du lịch nhất là vùng miền Tây.



Đường ven sông Lam nối khu du lịch Cửa Lò với quê Bác. Ảnh: Công Sáng

Tổng quan hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay Nghệ An có Quốc lộ 1A chạy từ Bắc vào Nam, qua các huyện, thị ven biển và Thành phố Vinh, cùng với 132 km đường Hồ Chí Minh qua các huyện miền núi trung du là vùng nguyên liệu tập trung phong phú của Nghệ An.

Bên cạnh đó các Quốc lộ 46, 7, 48 chạy dọc từ Cảng biển Cửa Lò, qua Quốc lộ 1A, qua Nam Đàn, Quỳ Châu và Vườn quốc gia Pù Mát, cho đến các Cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Thanh Thủy (Thanh Chương), Thông Thụ (Quế Phong) sang nước bạn Lào; trong tương lai từ các cửa khẩu trên sẽ rất thuận lợi cho việc giao lưu với các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào...

Hiện tại các tuyến giao thông miền Tây Nghệ An dài 226 km nối 3 huyện miền Tây với Thanh Hóa, đường nối Quốc lộ 7 và Quốc lộ 48 dài 120 km được hoàn thành. Về đường sắt tỉnh có đường sắt Bắc – Nam xuyên suốt chiều dài của tỉnh. Nhánh đường sắt Cầu Giát – Thái Hòa (Nghĩa Đàn) nối đường sắt Bắc Nam với vùng cây công nghiệp dài, ngắn ngày và vùng trung tâm vật liệu xây dựng Tây Bắc. Ga Vinh là một trong những ga hành khách và hàng hóa lớn của cả nước.

Năng lực sân bay Vinh (cách ga Vinh 5 km) có thể mở thêm các tuyến bay nối với các trung tâm phát triển trong nước và trong tương lai là các tuyến bay đi các nước trong khu vực. Một điều kiện nữa để các nhà đầu tư dự án du lịch chú ý đến địa bàn Nghệ An là đường biển với Cảng Cửa Lò (cách Thành phố Vinh 15 km) đã đón tàu hơn 1,8 vạn tấn cập cảng; tỉnh cũng đang chuẩn bị để đầu tư xây dựng cảng nước sâu Đông Hồi ở Quỳnh Lưu nằm trong cực tăng trưởng Nam Thanh - Bắc Nghệ vốn có tiềm năng du lịch lớn…

Theo mục tiêu quy hoạch và kế hoạch, thì 10 năm qua Nghệ An đã hoàn thiện 458 km các tuyến quốc lộ và các tuyến đường trọng yếu, việc nâng cấp và đầu tư, chuẩn bị đầu tư nâng năng lực hệ thống đường hàng không, đường biển được tiến hành, nhưng thực tế quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn bố trí cho các dự án còn thiếu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng.

Công tác quản lý, duy tu sửa chữa đường tỉnh, huyện, xã vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều tuyến đường nối với các vùng kinh tế trọng điểm, khu đô thị, khu công nghiệp... vẫn chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai. Và một thực tế lớn khác nữa, là trong khi tiến độ phát triển hệ thống hạ tầng giao thông toàn tỉnh chậm tiến độ, thì sự không đồng bộ và chất lượng công trình không đảm bảo đã khiến cho công tác quản lý, khai thác gặp khó khăn, dẫn đến chưa có thể quy định được các tuyến chuyên dụng, không tập trung được cho chất lượng các tuyến đường đến các điểm, khu vực tiềm năng để kêu gọi đầu tư phát triển, trong đó có du lịch. Trong chuyến làm việc với Nghệ An vào tháng 4/2013, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Nghệ An điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông cho phù hợp với chiến lược giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 do Chính phủ phê duyệt.

Đánh giá cụ thể hơn trong phát triển hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, thì cùng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Tổng cục Du lịch cho phát triển du lịch mỗi năm khoảng 20 - 25 tỷ đồng, chủ yếu dành cho đầu tư hạ tầng đường giao thông vào khu du lịch, trong nhiệm kỳ 2006 - 2010, tỉnh đầu tư trên 551 tỷ đồng cho hạ tầng các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, trong đó có các hạng mục giao thông nội vùng như: Khu di tích Kim Liên, Cửa Lò, Khu du lịch biển Diễn Thành (Diễn Châu), Khu du lịch nước khoáng nóng Giang Sơn (Đô Lương), đường Nam Cấm - Nghi Thiết, đường ven biển Quỳnh Phương - Quỳnh Bảng, đường vào thác Kèm (Vườn quốc gia Pù Mát), thác Xao Va (Quế Phong), đường ven sông Vinh, cầu cảng đảo Ngư, đảo Lan Châu,…

Đặc biệt, tuyến đường du lịch ven sông Lam dài 57 km là tuyến kết nối trực tiếp vùng du lịch biển Cửa Lò với cửa ngõ phía Nam của Thành phố Vinh từ cầu Bến Thủy, vòng lên Nam Đàn qua Khu di tích Kim Liên, rồi nối Quốc lộ 46 về Cảng Cửa Lò; đồng thời cũng có thể bám theo bờ sông Lam lên Bến Thủy, Hưng Nguyên, Nam Đàn đang được phục dựng, tôn tạo các quần thể di tích cũng như phát triển các dịch vụ để làm hấp dẫn, sôi động dần lên bên tuyến đường này. Tuy nhiên, kỳ vọng tuyến đường này trở thành một trục quan trọng về kinh tế du lịch - dịch vụ cho đến nay vẫn đang khó thành hiện thực.

Về cơ bản hệ thống hạ tầng giao thông của Nghệ An đã đáp ứng năng lực phát triển du lịch hiện tại của tỉnh. Riêng trong năm 2012, mặc dù gặp khó khăn do chính sách thắt chặt tín dụng xây dựng cơ bản của Chính phủ, thì sản lượng thực hiện đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 3.000 tỷ đồng, cho thấy việc huy động được nguồn vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực giao thông đang là thế mạnh để Nghệ An có sự điều chỉnh tốt hơn chiến lược phát triển hạ tầng giao thông có chú trọng gắn phục vụ phát triển du lịch; nhất là để khai thác tiềm năng du lịch đã được xác định nhưng vẫn đang “bỏ ngỏ” ở khu vực miền Tây (Pù Mát, Quỳ Châu, Quế Phong).

Điều quan trọng nhất hiện nay là cần năng cao hiệu quả hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch nhằm có sự tham mưu khoa học, tích cực, đạt tính khả thi cao để huy động tiềm lực đồng bộ, phát huy ưu thế hạ tầng giao thông, xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn.


Vũ - Mai