Tiểu thương Hải Dương khắc khoải mong chợ tạm

24/09/2013 22:58

Hơn một tuần sau vụ cháy Trung tâm thương mại (TTTM) Hải Dương, trong lúc không ít tiểu thương vẫn chưa “hoàn hồn” để bắt đầu quay lại kinh doanh thì họ lại thêm phần hoang mang vì quyết định xây chợ tạm ở khu vực đối diện TTTM đang bị xem xét lại.



Hình ảnh vụ cháy kinh hoàng ở TTTM Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN


Bà con chỉ chung một nguyện vọng là chợ tạm sớm được xây ở địa điểm hợp lý để tiếp tục buôn bán, sớm phục hồi những mất mát sau thảm họa vừa qua.

* Gượng dậy sau mất mát

Gia đình bà Lương Thị Nhự ở phố Mạc Thị Bưởi, TP. Hải Dương có một ki ốt bán hàng tạp hóa, mỹ phẩm ngay tầng 1 gần cửa số 2 của TTTM. Vụ cháy đã thiêu rụi toàn bộ hàng hóa, gia đình bà mất trắng khoảng 500 triệu đồng. Cả gia đình với 6 người thuộc 3 thế hệ cùng sống dưới một mái nhà chỉ rộng 21m2, từ bao năm nay trông cậy vào nguồn thu từ việc buôn bán nay đang đối diện với nhiều nỗi lo lắng. Khoản vay Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng của chồng bà Nhự sắp tới hạn phải trả. Đứa cháu nội 6 tuổi mới năm ngoái mổ não mất 100 triệu đồng, năm nay nhiều khả năng phải mổ tiếp mà chưa có tiền...

Hiện tại, chưa thuê được nơi bán hàng mới, cũng chưa nhập được hàng về nhưng học theo bà con xung quanh, bà Nhự bảo con dâu là chị Lê Thị Phương làm 1 biển quảng cáo đề tên ki ốt cũ, tên hàng hóa, số điện thoại rồi dán ở hàng rào tôn bao quanh TTTM. Ngày ngày, mẹ con bà hy vọng sẽ có người gọi điện để thay nhau chạy các cửa hàng lớn trong phố lấy hàng cho khách, mong kiếm chút chênh lệch.

Thế nhưng theo chị Phương, mấy ngày qua chưa có khách. “May có khoản 13 triệu đồng hỗ trợ được thành phố phát kịp thời mới có tiền chi phí hàng ngày, trong lúc chờ chợ tạm xây để bán hàng trở lại”, bà Nhự cho biết.

Khó khăn cũng chồng chất với vợ chồng anh Nguyễn Thế Vinh và chị Đỗ Minh Thư (nhà ở ngõ 70, đường Thống Nhất) khi bắt đầu kinh doanh trở lại. Hơn 2 năm trước, vợ chồng anh bán nhà rồi dồn hết vốn để mở một ki ốt bán hàng điện tử trong TTTM.

Vụ cháy vừa qua đã thiêu rụi kho hàng khoảng hơn 1 tỷ đồng của anh chị. Dù rất buồn phiền nhưng biết rõ cuộc sống của vợ và 3 đứa con đang trông cả vào trụ cột là mình nên anh Vinh phải gắng gượng. Anh đã kiếm được một cái tủ nhỏ có bánh xe đẩy. Mấy ngày nay, anh bắt đầu gọi điện cho các chủ đại lý, xin ghi nợ, nhập về các món hàng nhỏ, ngày ngày vào buổi sáng anh đẩy tủ ra vỉa hè trên đường Thống Nhất đứng bán. Tuy nhiên, “bán lẻ thế này rất ít khách. Có lẽ ít hôm nữa tôi sẽ phải sửa xe máy trong lúc chờ chợ tạm được xây xong”, anh Vinh tính.

* Mong mỏi chợ tạm xây ở trung tâm thành phố

Ngay sau sự cố, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, TP Hải Dương một mặt đã triển khai trợ cấp kịp thời, mặt khác, nhanh chóng tính toán và thông báo cho bà con phương án chợ tạm xây ở khu vực đối diện TTTM. Nhờ đó, hàng trăm tiểu thương dần ổn định tư tưởng, bắt tay thực hiện những dự định kinh doanh mới. Tuy chưa nguôi mất mát nhưng họ phần nào an tâm với hy vọng sắp có chợ tạm ở gần TTTM, kinh doanh sẽ thuận lợi.

Tuy nhiên, mấy ngày qua, các tiểu thương đứng ngồi không yên vì lãnh đạo tỉnh chưa chốt lại vị trí chợ tạm mà thành phố đưa ra. Chị Lương Thị Thanh ở phố Lê Hồng Phong - chủ của 2 ki ốt và 1 kho hàng bán đồ loa đài, điện tử trong TTTM vừa bị cháy hết cho biết: Nếu dồn chúng tôi về các chợ khác như chợ Hội Đô thì rất khó bán hàng. Chợ này nằm ở nơi còn quá vắng người, mấy năm nay vẫn bị bỏ hoang, cách trung tâm thành phố gần 6 cây số. Như thế bao giờ chúng tôi mới hồi phục được?

Không riêng chị Thanh, hầu hết tiểu thương cũng chung nỗi lo nếu buộc phải chuyển về chợ xa trung tâm thành phố sẽ mất rất nhiều thời gian để khắc phục những thiệt hại trong sự cố cháy nổ. Anh Nguyễn Thế Vinh nói: Buôn có bạn, bán có phường. Xây chợ tạm thì chúng tôi được ngồi cùng ngành hàng chứ nếu chia về các chợ khác, bị xé lẻ ra, việc bán hàng sẽ rất khó khăn.

Vấn đề chợ tạm được xây ở đâu đang là chủ đề người dân khắc khoải mong chờ. Liên tục có đơn kiến nghị được các hộ tiểu thương gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương. Một số tiểu thương cho biết chỉ muốn thuê ở khu vực gần TTTM để buôn bán nhưng sau vụ cháy, mất sạch cả vốn lẫn lãi, không có tiền thuê mặt bằng. Bà Lương Thị Nhự bày tỏ: Bà con đã tay trắng rồi. Chúng tôi tha thiết mong chính quyền chiếu cố tới hoàn cảnh của bà con mà xây chợ tạm ở khu trung tâm. Chỉ có bán hàng trở lại ở nơi trung tâm thì mới mau chóng hồi phục được.

Ông Vũ Tiến Phụng - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Dương, Trưởng Ban khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn cho biết: Đến ngày 23/9, tỉnh vẫn chưa chốt phương án cuối cùng trong việc xây chợ tạm cho bà con tiểu thương. Hiện, cùng với phương án này, còn một số phương án lãnh đạo tỉnh đang nghiên cứu. Mục tiêu quan trọng nhất là sớm ổn định việc kinh doanh cho bà con.

Theo ông Phụng, nếu xây chợ tạm, các cơ quan chức năng sẽ bố trí đủ chỗ kinh doanh cho bà con và mục tiêu là phải phù hợp với ngành hàng, phù hợp với vị trí trước đây mà bà con kinh doanh tại TTTM.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, thành phố cùng sở, ban, ngành của tỉnh đã trực tiếp khảo sát một số vị trí phù hợp nhằm sớm thực hiện xây dựng chợ tạm trong thời gian sớm nhất. “Các phương án đều đang được cân nhắc và điều chỉnh, sẽ tính đến nguyện vọng của bà con tiểu thương”, ông Phụng khẳng định.


Theo Tin tức - TH