Phiên chợ vùng biên

08/07/2013 18:36

Những bông hoa pà tâu trắng muốt rủ trắng lưng chừng núi trong màu nắng mới chớm, thoáng trông như người thiếu phụ cúi đầu trầm ngâm bên những nếp nhà của “bản không chồng” một thời. Dưới màu trắng dĩ vãng ấy, những cặp vợ chồng người Mông bây giờ quấn quýt như đôi cá dưới khe, như đôi chim trên rừng, rảo bước sau đàn con thơ tung tăng như những con nai nhỏ. “Mù cá kìa nó! (Ta đi chợ đây)”, tiếng gọi nhau í ới len lỏi vào từng nếp nhà, khiến núi rừng Nậm Cắn đang ngủ say trong làn chăn mù trắng phải trở mình, hoà tiếng chim muông vào những thanh âm nhộn nhịp của phiên chợ vùng biên.

(Baonghean) - Những bông hoa pà tâu trắng muốt rủ trắng lưng chừng núi trong màu nắng mới chớm, thoáng trông như người thiếu phụ cúi đầu trầm ngâm bên những nếp nhà của “bản không chồng” một thời. Dưới màu trắng dĩ vãng ấy, những cặp vợ chồng người Mông bây giờ quấn quýt như đôi cá dưới khe, như đôi chim trên rừng, rảo bước sau đàn con thơ tung tăng như những con nai nhỏ. “Mù cá kìa nó! (Ta đi chợ đây)”, tiếng gọi nhau í ới len lỏi vào từng nếp nhà, khiến núi rừng Nậm Cắn đang ngủ say trong làn chăn mù trắng phải trở mình, hoà tiếng chim muông vào những thanh âm nhộn nhịp của phiên chợ vùng biên.

Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Kỳ Sơn tấp nập người lại qua. Chợ biên xưa họp trên địa phận Nậm Cắn, nay chuyển sang địa phận tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào, cách cửa khẩu khoảng một cây số, họp vào ngày 14 và 29 hàng tháng, được bà con hai bên biên giới ngóng chờ như ngày hội. Những bà cụ người Mông với chiếc bế sau lưng, giữ bằng sợi dây đeo trước trán, tụm thành nhóm năm, nhóm ba, cặm cụi đi cho kịp buổi chợ.

Một chiếc xe máy Win chở khẳm người chạy vè vè phóng vụt qua, để lại sau lưng đám mây bụi màu đất đỏ, khiến các bà phải nhắm tịt mắt. Trong thoáng chốc, hình ảnh người con trai thắt lưng lủng lẳng con dao Mẹo, tay nắm đuôi ngựa trèo lên dốc hiện ra chớp nhoáng rồi tan biến theo làn bụi đỏ, để lại tiếng nhạc ngựa văng vẳng xa dần về phía những kí ức đã chìm trong mây mù.

Xe vừa đỗ, đập vào mắt là những quả đào Lào nhỏ nhắn, những bắp ngô nếp non luộc thơm lừng, những quả đi rua (một loại dưa chuột của người Mông) xanh ngắt, mọng nước khiến người mua không thể không sà vào sạp hàng của cô em gái Mông với đôi gò má ửng hồng hây hây dưới nắng.

Bên cạnh là một bà già đầu đội khăn xanh, vai đeo túi thổ cẩm, bán dứa và rau rua, thứ rau cải xanh ngon, ngọt nổi tiếng của người dân tộc Mông nơi đây. Một bà lão mặc áo đen với những dải khăn quấn hồng và xanh rực rỡ đang hướng dẫn cho anh khách dưới xuôi lên cách tra con dao Mẹo vào vỏ. Một đứa con nít gục gặc ngủ thiếp trên lưng người mẹ đang bận tay bán hàng. Lại có cả hàng cá, với những con cá biển ướp muối và những con cá chim to bằng bàn tay còn mặn mòi mùi biển cả được đưa về từ miền xuôi.



Mua thuốc tây



Bán dao.

Nếu như bên ngoài là những sạp hàng nông sản thì phía trong chợ tập trung chủ yếu những mặt hàng nhu yếu phẩm như quần áo, giày dép, thuốc, dầu cao… Bên cạnh là gian hàng ăn uống, với ông chủ phốp pháp người Lào không lúc nào ngơi tay quạt những con gà nhép, những con cá nướng thơm lừng trên bếp. Tiếng người chúc tụng, ăn uống xì xụp và làn khói bốc lên từ những bếp nướng khiến người ta không khỏi cồn cào.



Hàng thịt nướng.

Dừng lại hỏi mua một đĩa gà nướng và một đĩa xôi Lào, ông chủ nói tiếng Kinh trả lời với những thanh âm vui nhộn như bản chất người Lào ưa đàn nhạc, hát ca. “Bao nhiêu tiền? - 50 nghìn. - Tiền Lào hay tiền Việt? - Tiền Lào, nhưng trả bằng tiền Việt cũng được. - Thêm một đĩa xôi thì hết bao nhiêu tiền Việt? - Một trăm bảy mươi nghìn”.

Ngỏ ý muốn được phụ lại bằng tiền Lào làm kỉ niệm, ông chủ vui vẻ rút ra một xấp tiền cả Lào cả Việt, đưa cho chúng tôi mấy tờ tiền Lào mệnh giá khác nhau. Chợ biên này và ở mấy bản sát biên giới của Lào, người ta sử dụng cả tiền Lào và tiền Việt. Những người Lào Lùm và những người Mông Việt vốn là anh em, chỉ sống cách nhau một con khe, một ngọn núi, gần gũi đến độ văn hoá, ngôn ngữ, kinh tế hai bên biên giới gần như hoà trộn vào nhau, khăng khít như bánh dúa phỏ làm từ ngô nếp xay cối đá, bọc lá chuối hông lên của người Mông, ăn dẻo, dính và bùi.

Phiên chợ vùng biên không chỉ là dịp để người dân nơi đây trao đổi hàng hoá mà trở thành một ngày hội đầy màu sắc và âm thanh, cho con người chốn rừng núi phủ mây mù này được say trong tiếng hát, tiếng nhạc, trong men rượu Lào thơm nồng, trong khói thịt nướng trù phú và no ấm. Đổ về chợ biên không chỉ có bà con sinh sống sát biên giới mà còn có cả những đoàn khách Lào hay những người dân Mường Xén, Na Loi, Phà Đánh, Tà Cạ.

Đã thành thông lệ, cái thú uống rượu, ăn đồ nướng ở chợ biên là nét văn hoá đẹp, điểm thêm màu sắc cho cuộc sống của đồng bào vùng núi miền Tây. Trong tiếng nói cười râm ran ồn ã, giữa bạt ngàn sắc màu tươi vui của phiên chợ ấy, lại nhìn ra một khoảng lặng êm ả giữa màu rừng xanh hiền hoà. Rời khỏi phiên chợ của một vùng biên giới yên bình thắm tình hữu nghị, trong miệng chúng tôi còn ngòn ngọt vị nếp Lào...


Thục Anh