Gặp thuyền viên trốn thoát tàu cá Đài Loan

16/08/2013 11:19

Sau khi bàn bạc để cùng nhau trốn khỏi chiếc tàu cá có tên Hsieh Ta đang đánh bắt ở trên lãnh thổ nước Pháp thì 4 thuyền viên người Việt Nam đã nhảy xuống biển để trốn thoát. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, 4 thuyền viên này đã được một tàu cho là tàu của Cảnh sát biển của Pháp phát hiện và cứu được. Hiện nay các thuyền viên đã về đến quê nhà.

(Baonghean) - Sau khi bàn bạc để cùng nhau trốn khỏi chiếc tàu cá có tên Hsieh Ta đang đánh bắt ở trên lãnh thổ nước Pháp thì 4 thuyền viên người Việt Nam đã nhảy xuống biển để trốn thoát. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, 4 thuyền viên này đã được một tàu cho là tàu của Cảnh sát biển của Pháp phát hiện và cứu được. Hiện nay các thuyền viên đã về đến quê nhà.

Nhớ lại giây phút bị chủ tàu hành hạ

Sáng ngày 15/8, chúng tôi tìm đến nhà của thuyền viên Trần Văn Dũng (xóm 5, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) để tìm hiểu sự việc. Theo lời kể, Dũng đi sang Đài Loan làm việc từ tháng 11/2012, đến nay đã hơn 8 tháng. Mới sang bên đó, Dũng cũng như các thuyền viên khác đều làm việc 12 tiếng/ngày. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tháng sau, các thuyền viên trên tàu đều phải làm việc từ 16 đến 18 tiếng/ngày và có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Đã làm việc vất vả, thậm chí có lúc không được ngủ mà các thuyền viên này còn bị bọn chủ tàu ngược đãi bằng cách dùng vũ lực để đánh đập.

“Chúng còn dùng búa, cờlê đánh vào người chúng tôi, thậm chí còn dùng cả dầu chạy máy đổ từ trên đầu xuống chân với bất kỳ người nào chúng thấy tức giận. Có nhiều thuyền viên là người Indonexia bị chúng dùng tay đấm vào mũi khiến hộc máu”. Dũng nhớ lại giây phút bị chủ tàu cá hành hạ.

Theo Dũng kể, trên tàu cá có 23 người, trong đó 20 người là thuyền viên đi lao động, gồm 10 người là thuyền viên Việt Nam, 8 người là thuyền viên Indonexia và 2 thuyền viên người Philippin; còn lại 3 người là chủ tàu. Tất cả thuyền viên đều làm việc cật lực, không có thời gian nghỉ ngơi, làm việc theo sự chỉ đạo của chúng mà vẫn bị ăn đòn.

Vào 10h30 sáng qua, thuyền viên cùng đi trên tàu đánh cá Đài Loan Hoàng Văn Hậu (ở bản Hạnh Tiến (Khe Bấn) xã Châu Hạnh huyện Quỳ Châu) cũng đã về tới nhà. Chưa hết vẻ hốt hoảng, anh Hậu kể lại: Bắt làm việc nhiều không sợ, nhưng sợ nhất là Cai tàu và Máy trưởng đánh đập dã man, nhiều lần bọn chúng đánh bầm mặt, chảy máu mũi, máu mồm, có người bị đánh bằng mỏ lết sưng cả đầu. Bọn chúng còn dọa nếu không chịu nghe lời sẽ cắt cổ và thả xuống biển. Không chịu nổi sự đánh đập dã man, 10 thuyền viên trên tàu đã bàn nhau trốn khỏi tàu khi có cơ hội.

Chị Bùi Thị Phương vợ Anh Hậu cho biết, hiện chị mới chỉ nhận được 3 tháng 10 ngày tiền lương tổng cộng là: 21.787.000 VNĐ. Công ty hiện đang giữ lại 3 tháng lương chống trốn, lương tháng 8 và 5 triệu đồng tiền cọc ban đầu. Tức là 8 tháng lao động khổ sai vẫn chưa đủ tiền trả chi phí ban đầu 30 triệu đồng để xuất khẩu lao động đi Đài Loan. Ước mơ đi xuất khẩu lao động có chút vốn liếng về quê làm ăn, bây giờ không còn nữa.



Thuyền viên Trần Văn Dũng (áo đen) và Hoàng Văn Hậu (đỏ) kể chuyện về nguyên nhân phải trốn khỏi tàu đánh cá nước ngoài

Hành trình trốn thoát của 4 thuyền viên

Không chịu được sự đánh đập tàn bạo của chủ tàu, trong số 10 thuyền viên Việt Nam thì có 4 thuyền viên đã bàn cách trốn khỏi tàu. Sau 2 ngày bàn bạc, khoảng 9h sáng ngày 8/8, cả 4 thuyền viên, trong đó có Dũng và Hậu đã lấy 2 chiếc phao trên tàu, nhân lúc không có ai kiểm tra, cả 4 thuyền viên cùng nhau nhảy xuống biển.

“Lúc mọi người đang chuẩn bị trốn, tất cả thuyền viên trên tàu đều biết, tuy nhiên anh em vẫn giữ im lặng và không báo cho chủ tàu. Biết việc chạy trốn sẽ rất nguy hiểm, thậm chí không bảo toàn được tính mạng nhưng cả 4 thuyền viên đều cho rằng nếu không bỏ trốn, ở trên tàu sẽ có ngày bị đánh đập đến chết.” Dũng cho biết.

Sau khi nhảy xuống biển, cả 4 thuyền viên dùng 2 chiếc phao đã lấy được để tìm cách bơi vào bờ, dù hy vọng sống sót rất mong manh. Sau nhiều giờ vật lộn trên biển, ai nấy đều mệt mỏi và rũ rời chân tay và nghĩ không có cơ hội sống sót. Lúc đó, một tàu cá được cho là tàu Cảnh sát biển của Pháp đã phát hiện và cứu vớt 4 thuyền viên lên tàu. Sau đó, các thuyền viên được tàu Cảnh sát biển đưa vào cảng TaHiTi của Pháp để làm thủ tục và đưa về nước.

Ông Trần Văn Chắt (bố của Dũng) cho biết, gia đình khó khăn, ông có 5 người con, Dũng là con trai cả. Vợ chồng ông làm nghề bốc vác, câu mực thuê, nhà đông con nên cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Học hết cấp 2, Dũng phải bỏ học theo cha mẹ ra biển để mưu sinh. Sau nhiều năm lam lũ tại quê nhà mà vẫn không thấy cuộc sống thay đổi hơn, gia đình bàn bạc cho Dũng đi lao động ở nước ngoài. Ông Chắt được một người tên là Đồng giới thiệu và hứa sẽ chạy cho Dũng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Ông Chắt cùng với vợ là bà Trần Thị Ngọc vay mượn 20 triệu đồng cho Dũng đi.

Theo bà Ngọc, để đi sang Đài Loan làm việc thì kinh phí cho chuyến đi mất 17 triệu đồng, với mức lương từ 400 - 500 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, Dũng đi sang Đài Loan từ đầu tháng 11/2012, đến nay đã được 8 tháng nhưng mới chỉ gửi về 38 triệu đồng. “Từ khi sang bên đó, Dũng mới chỉ gọi điện về nhà có một lần rồi “bặt vô âm tín”, không thấy gọi điện về nhà lần nào nữa”. Bà Ngọc cho hay.

Được biết, Dũng đi lao động theo hợp đồng với Công ty CP XKLĐ, Thương mại và Du lịch TTLC đóng tại Hà Nội để sang Đài Loan làm việc.


Bài, ảnh: Việt Hùng - Anh Tuấn (Đài Quỳnh Lưu - Quỳ Châu)