Nhà ở cho công nhân: Nhu cầu bức thiết

13/09/2013 18:31

Hiện nay tại Khu kinh tế Đông Nam, khu công nghiệp (KCN) Bắc Vinh, KCNNam Giang (Nam Đàn) đã có hàng chục nhà máy hoạt động, thu hút hàng chục ngàn công nhân vào làm việc. Ngoài lực lượng công nhân trong tỉnh, có cả công nhân ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh…, họ đang phải thuê nhà trọ giá đắt mà không đảm bảo an toàn. Thiếu nhà ở cho công nhân tại các kcn đang là một hạn chế trong thu hút lao động ổn định tại các dự án.

(Baonghean) - Hiện nay tại Khu kinh tế Đông Nam, khu công nghiệp (KCN) Bắc Vinh, KCNNam Giang (Nam Đàn) đã có hàng chục nhà máy hoạt động, thu hút hàng chục ngàn công nhân vào làm việc. Ngoài lực lượng công nhân trong tỉnh, có cả công nhân ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh…, họ đang phải thuê nhà trọ giá đắt mà không đảm bảo an toàn. Thiếu nhà ở cho công nhân tại các kcn đang là một hạn chế trong thu hút lao động ổn định tại các dự án.

Nỗi khổ công nhân thuê phòng trọ:

Công nhân Đặng Thị Nga đến từ xã Xuân Sơn (Đô Lương) hiện đang làm việc ở Nhà máy BSE - KCN Nam Cấm, chia sẻ: Là công nhân ở xa đến nhà máy làm việc, đầu tiên tôi phải tìm thuê nhà ở, mà đâu phải tìm ngay được, chỗ ưng thì giá cao, chỗ giá chấp nhận được thì điều kiện ở không thoải mái. Sau một ngày tìm nhà, tôi đã thuê được nhà trọ giá 500.000 đồng/ tháng ở xóm 8 Nghi Xá. Thu nhập của tôi ở Nhà máy BSE chỉ đạt từ 2,2 đến 2,3 triệu đồng/ tháng, thì nhà ở đã hết 500.000 đồng, rồi còn tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tôi còn có con nhỏ gửi ở quê nhưng mấy tháng nay chưa có tiền dành dụm để gửi về được do mới vào làm việc.

Ở nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BSE, không chỉ công nhân chưa có nhà ở tập trung mà cán bộ nhân viên cũng phải thuê trọ để làm việc. Đặc thù của nhà máy là làm ca đêm, có hôm 4 - 5 giờ sáng mới xong việc, nhiều công nhân “rốn” không thuê nhà trọ vì tốn kém phải đi về nhà mình xa hàng chục cây số, rất vất vả . Chị Trần Hoàng Yến - Trưởng phòng Tổng vụ của nhà máy, nhà ở Quán Bánh, hàng ngày cũng phải đi, về từ nhà đến nhà máy. Biết là vất vả nhưng tìm được việc là tốt lắm rồi nên cũng cố bám trụ.



Dãy nhà trọ ở Khu công nghiệp Bắc Vinh.

Hiện Nhà máy BSE đang có hơn 700 công nhân làm việc, họ hầu hết ở Nghi Xá, Nghi Long, Nghi Hợp, Cửa Lò…, nhiều người đã chọn giải pháp đi về nhà sau giờ làm việc nhưng quãng đường xa, đi lại rất tốn tiền xăng và nhiều lúc cũng không an toàn khi đi trên Quốc lộ 1A vốn mật độ tham gia giao thông rất cao. Công nhân, nhân viên ở Nhà máy bia Hà Nội- Nghệ An cũng vậy, “do sản xuất ở nhà máy ổn định nên từ khi đi vào sản xuất, nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng, họ đều phải thuê nhà trọ tận Quán Hành (Nghi Lộc) để ở ”- Chị Lê - Trưởng phòng Hành chính Công ty cho biết, giá thuê phòng của các gia đình này ở Quán Hành khá đắt, từ 1 triệu đồng trở lên. Nhà máy thì không có ký túc xá cho công nhân.

Còn ở KCN Bắc Vinh: Nhiều hộ dân xung quanh KCN đã xây nhà trọ cho thuê, giá thuê phòng từ 500.000 - 600.000 đồng/tháng, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, các dãy nhà này không đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho công nhân. Nhiều dãy chung nhà vệ sinh, chung nhà tắm nam nữ nên rất bất tiện. Công nhân Lê Thị Thu Hiệp ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) sau khi tốt nghiệp Cao đẳng du lịch ở Hải Dương, không tìm được việc đã vào làm công nhân ở Nhà máy sản xuất gấu bông Matrix (Trung Quốc) ở KCN Bắc Vinh.

Hiệp cho biết: Lương chính được 1,9 triệu đồng/ tháng , nếu có việc làm thêm (một ngày thêm 2 giờ) thì một tháng được khoảng 3 triệu đồng, nhưng phải thuê nhà ở 450.000 đồng/tháng. Để tiết kiệm, Hiệp ở chung với Trần Thị Thủy, công nhân đến từ xã Tiền Phong (Quế Phong), cũng làm việc ở Nhà máy gấu bông Matrix. Phòng trọ chỉ rộng chừng 8m2, trần pro xi măng khá thấp, “mùa hè nóng nực không thể ngồi trong nhà được, trưa nếu không đi làm phải ra ngồi ngoài gốc cây, còn mùa mưa thì nhà dột, nước đầy nhà.

Khổ nhất là nhà vệ sinh chung cho cả dãy, tổng cộng gần 20 phòng trọ, nhà tắm chỉ có một nhà chung, người này tắm thì người kia phải đợi…”- Hiệp cho biết. Tiền thuê nhà trọ, rồi tiền điện (30.000 đồng/tháng), tiền nước (20.000 đồng/ tháng) cũng mất kha khá chi phí của công nhân trong số tiền lương còm cõi của họ. Đã thế không phải bao giờ cũng đủ việc làm, nếu nhà máy hết việc lại cho nghỉ không lương mà không có một đền bù nào - Các công nhân ở đây cho biết.



Phòng trọ của công nhân Lê Thị Hiệp chỉ rộng khoảng 8m2.

Nhà ở cho công nhân đang trở nên bức thiết khi hiện nay số nhà máy tại các KCN ngày một tăng, nhiều dự án thu hút rất đông công nhân như: Cơ sở sản xuất gấu bông Matrix hơn 3000 công nhân, Nhà máy may Haivina Kim Liên (Nam Đàn) 2.500 công nhân, Nhà máy may Hanosimex Nam Đàn 800 công nhân, BSE (KCN Nam Cấm) hiện đã hơn 700 công nhân… Đặc biệt hiện nay số công nhân ở miền Nam trở về quê rất nhiều.

Triển vọng từ một dự án đầu tư nhà ở cho công nhân

UBND tỉnh Nghệ An đã có chính sách khá ưu đãi khi thu hút các chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại KCN như: Được Nhà nước bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, khu nhà ở cho công nhân, khu nhà ở thu nhập thấp; được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án; được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế GTGT ở mức cao nhất (thuế suất 0%); được miễn thuế thu nhập trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế TNDN là 10% trong suốt thời gian hoạt động.

UBND tỉnh còn quy định: Các doanh nghiệp xây dựng nhà cho công nhân (không thu tiền thuê hoặc có thu tiền thuê nhưng giá cho thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở xã hội theo quy định của UBND tỉnh) và các doanh nghiệp thuê nhà cho công nhân ở thì được tính chi phí nhà ở là chi phí hợp lý ( tính vào giá thành sản xuất) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được hỗ trợ tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất theo quy định; được vay từ quỹ phát triển nhà ở của địa phương và các nguồn vay vốn ưu đãi khác (nếu có); các dự án được Nhà nước hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp nước…).

Mặc dù chính sách ưu đãi như vậy nhưng hiện nay chưa có chủ đầu tư nào, công ty nào, nhà máy nào đứng ra đầu tư nhà ở cho công nhân. Kinh tế suy thoái, sản xuất khó khăn nên các nhà đầu tư đang tập trung vào dự án sản xuất, dù biết thiếu nhà ở công nhân sẽ chưa “ lạc nghiệp”.

Về chủ trương giải quyết nhà ở cho công nhân, ông Huỳnh Thanh Điền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã đồng ý cho Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam triển khai đầu tư xây dựng một khu nhà ở cho công nhân tại KCN Nam Cấm. Dự án có tổng mức đầu tư 66 tỷ đồng, mục tiêu là tạo quỹ nhà ở cho thuê với giá ưu đãi nhằm mục đích giải quyết cho công nhân trong KCN gặp khó khăn về nhà ở, mặt khác tạo ra một khu nhà ở tập thể cao tầng có kiến trúc đẹp, phù hợp với cơ sở hạ tầng đầy đủ cho KCN, góp phần tạo thêm quỹ nhà ở.

Dự án có quy mô nhà ở 5 tầng, tổng diện tích sàn 6.350m2, giải quyết khoảng 80 phòng ở cho khoảng 180 người ở. Tầng 1 gồm nơi để xe máy, để được 180 xe máy và khoảng 30 xe đạp. Có câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng, phòng ăn tập thể, khu bếp nấu ăn tập thể, bưu điện, khu bán hàng tạp hóa, 2 khu vệ sinh chung, 1 khu dịch vụ tắm nóng lạnh và giặt là…; các tầng 2-tầng 5: mỗi tầng bố trí một phòng sinh hoạt cộng đồng và các phòng ở. Mỗi tầng bố trí 20, phòng ở khép kín, có nhà vệ sinh, sân phơi.

Đây sẽ là dự án tiên phong trong xây dựng nhà ở cho công nhân, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng về nơi ăn, ở của hàng trăm, hàng ngàn công nhân đang làm việc tại KCN Nam Cấm. Tuy nhiên, hiện nay dự án mới có quyết định phê duyệt, thiết kế, xây dựng… chưa triển khai. Khi dự án này xây dựng xong cũng chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhà ở cho công nhân. Vì vậy các cấp, ngành hữu quan cần tiếp tục thu hút đầu tư các dự án mới cho mục đích này hoặc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư thêm các cụm nhà ở cho công nhân, đảm bảo hơn nhu cầu về nhà ở cho công nhân, tránh tình trạng, chỗ có chỗ không.


Bài, ảnh: Châu Lan