Bài 1: Còn thiếu những sân chơi an toàn

12/06/2013 16:58

(Baonghean) - Mỗi dịp hè về, nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em rất lớn. Nhưng, trẻ em chơi gì, chơi ở đâu để có một mùa hè vui vẻ, bổ ích, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa... đang là vấn đề nan giải.

Từ trung tâm huyện Quỳ Hợp vượt qua chặng đường gần 10 cây số, chúng tôi có mặt ở bản Na Mon - xã Châu Thái. Sau cơn mưa dông bất chợt, nếp nhà của gia đình anh Phan Văn Tuấn dường như trở nên xo ro, tồi tàn và ẩm ướt hơn. Bị ảnh hưởng sau một tai nạn, bước chân khập khiễng, anh Tuấn chỉ tay về phía 2 đứa trẻ nói giọng không tròn : “Thằng lớn là Phan Văn Thắng, học lớp 6, còn đứa nhỏ là Phan Văn Trung, học lớp 3. Nghỉ hè hai đứa giúp bố nhặt phế liệu mang đi bán”.



Công việc hằng ngày của Phan Văn Thắng cùng em trai ở bản Na Mon, xã Châu Thái (Quỳ Hợp) là gom nhặt phế liệu.

Trong khi bố nói chuyện, hai anh em Thắng và Trung vẫn cúi mặt để lảng tránh cái nhìn của mọi người. Vợ của anh Tuấn bỏ nhà đi đã 11 năm nay kể từ sau khi anh bị tai nạn lao động. Thân tật bệnh, không đủ sức khỏe để làm thợ nề như trước, anh Tuấn đành phải đi nhặt phế liệu bán kiếm tiền nuôi các con. Ngoài đứa con gái lớn năm nay 17 tuổi đang đi rửa bát thuê ở Thị trấn Quỳ Hợp, 2 đứa con trai giúp bố gom, phân loại phế liệu sau khi nhặt về và đưa lên thị trấn nhập cho người thu mua. Mỗi ngày 3 bố con kiếm được khoảng 25 - 30 nghìn đồng. 12 tuổi, nhưng trong ánh mắt của Phan Văn Thắng đã nặng trĩu âu lo và chất chứa nhiều nỗi buồn. Thắng nghẹn ngào trong nước mắt: “Cháu cũng nhớ mẹ. Cháu chỉ muốn hè qua thật nhanh để được đến trường”.

Phan Văn Thắng chỉ là một trong 1.196 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 10.701 trường hợp trẻ em sống trong các gia đình nghèo ở huyện miền núi Quỳ Hợp - những trẻ em không có nhiều sự chọn lựa niềm vui cho tuổi thơ của mình. Là một trong những địa phương ở Nghệ An được chọn để xây dựng huyện điểm về văn hóa, huyện Quỳ Hợp đã có Nhà thiếu nhi với chức năng tạo điều kiện, môi trường để trẻ em được tham gia các hoạt động nâng cao trí - thể - mỹ.

Bà Trương Thị Kim Chi - Giám đốc Nhà thiếu nhi Quỳ Hợp cho biết, bình quân một năm Nhà thiếu nhi huyện thu hút khoảng 600 - 650 em tham gia học tập rải đều trong 3 đợt. Dịp hè có khoảng 400 em đăng ký học tập, vui chơi. Tuy nhiên, số trẻ em đến tham gia các hoạt động do Nhà thiếu nhi huyện tổ chức chủ yếu là sống ở khu vực thị trấn và vùng lân cận, còn hàng chục nghìn em khác dù mong muốn cũng không thể thực hiện được. Nguyên nhân do khả năng kinh tế, điều kiện đi lại, nhận thức của các bậc phụ huynh… Về điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Quỳ Hợp cho rằng, ngay trong cùng một địa bàn đã có sự chênh lệch như vậy, nói gì đến khoảng cách giữa khu vực đô thị, đồng bằng và miền núi.

Nếu so sánh với các địa phương khác trong tỉnh thì TP Vinh là trung tâm hàng đầu của Nghệ An về sân chơi cho trẻ em. Tại đây, thiếu nhi thành phố có nhiều cơ hội hơn các bạn ở nông thôn, miền núi để lựa chọn tham gia các loại hình giải trí, vui chơi khác nhau trong mùa hè. TP Vinh có Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức đào tạo, bồi dưỡng 15 môn năng khiếu nghệ thuật, vận động. Công viên trung tâm TP Vinh có không gian đẹp và nhiều trò chơi hấp dẫn. TP. Vinh còn có các khu vực vui chơi khác như Công viên thanh thiếu nhi Nguyễn Tất Thành, Quảng trường Hồ Chí Minh; các địa điểm học bơi, học hát, học văn hóa khác… Dù vậy, nếu căn cứ vào nhu cầu thực tế thì vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của các em thiếu nhi trên địa bàn. Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt Đức bình quân hằng năm thu hút khoảng trên 3000 lượt trẻ em đến đăng ký tham gia các khóa học, bộ môn nghệ thuật, năng khiếu.

Theo bà Hoàng Thị Hải Yến, số lượng trẻ em đến Nhà văn hóa vẫn rất khiêm tốn so với điều kiện thực tế. “Cách đây 10 đến 15 năm, trong điều kiện cuộc sống khó khăn hơn, cơ sở vật chất của Nhà văn hóa cũng hạn chế hơn nhưng thiếu nhi đến tham gia nhiều hơn bây giờ” - bà Hải Yến chia sẻ.

Nguyên nhân do phụ huynh chỉ dành sự quan tâm tới các môn văn hóa như Toán, Văn, Tiếng Anh và xem nhẹ các môn học mang tính nghệ thuật, sáng tạo và giải trí. Bên cạnh đó, không phải gia đình nào ở thành phố cũng có đủ điều kiện kinh tế để cho con em tham gia các khóa học, trong khi các địa điểm tổ chức hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn vẫn nặng tính thương mại. Chính vì vậy, hoạt động của thiếu nhi, nhất là vào mùa hè gắn liền với việc chạy đua học thêm các môn văn hóa hoặc “dính” với ti vi, với games và internet. Tuy vậy, trẻ em thành phố dù sao cũng may mắn gấp nhiều lần so với nông thôn, miền núi, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo.

Sự chênh lệch về mọi mặt giữa các địa bàn, khu vực đã tạo ra khoảng cách khó thu hẹp trong vấn đề chăm sóc, bảo vệ, tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển toàn diện. Cuối năm 2012, Nhà thiếu nhi của huyện Quỳ Châu chính thức bị phá dỡ. Công trình văn hóa duy nhất dành riêng cho trẻ em tại Thị trấn Tân Lạc phải nhường chỗ cho hệ thống công viên, vườn hoa trung tâm huyện. Nguyên nhân là Nhà thiếu nhi huyện Quỳ Châu được xây dựng lên nhưng không có bộ máy cơ cấu tổ chức, lãnh đạo điều hành. “Dăm thì mười họa mới tổ chức được vài hoạt động nhân các ngày lễ như Quốc tế Thiếu nhi, Tết trung thu”.



Khu vực này trước đây là Nhà thiếu nhi huyện Quỳ Châu nay xây dựng công viên huyện.

Thực tế này được các ông Vi Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND, ông Lang Văn Trung - Phó Chủ tịch HĐND, Nguyễn Xuân Hòa - Bí thư Huyện Đoàn Quỳ Châu thừa nhận. Đây quả là một thực tế đáng buồn trong công tác bảo vệ, chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em. Với đặc thù trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Quỳ Châu cũng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 50%. 17.000 trẻ em đang sống trong các gia đình có điều kiện kinh tế dưới mức trung bình.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Đình Cẩn – Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Quỳ Châu: “Hàng nghìn gia đình đang sống ở mức nghèo khổ, cái ăn cái mặc còn chưa đủ thì nghĩ gì đến sân chơi, vui chơi, giải trí”. Được biết, hiện nay toàn huyện Quỳ Châu mới có 101 Nhà văn hóa cộng đồng/ 146 làng, bản. Tiếng là lâu nay các chương trình dành cho thiếu nhi các địa bàn được lồng ghép với các hoạt động tại Nhà cộng đồng, song trên thực tế, các em phải trải niềm vui của mình trên rẫy, nương, đồi núi.

Hoạt động vui chơi, giải trí và tham gia các sinh hoạt văn hóa tại cộng đồng của trẻ em còn phụ thuộc vào công tác thanh thiếu nhi của các tổ chức đoàn cơ sở. Nếu ở địa bàn đô thị, thành phố hoạt động chăm sóc, giáo dục thanh thiếu nhi của tổ chức đoàn ít nhiều đã mang lại hiệu quả. Còn lại phần lớn vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, trẻ em chưa được hưởng thụ các giá trị tinh thần mà tổ chức đoàn mang lại. Ghi nhận dường như là duy nhất đối với hoạt động đoàn cơ sở đó chỉ là tổ chức một vài nội dung nhân dịp các ngày lễ dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, có rất ít làng bản có các công trình, thiết chế văn hóa riêng dành cho trẻ em.

Ông Hà Văn Linh, Trưởng bản Tà Cộ - xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu nói rằng, ngay cả những sinh hoạt cộng đồng, hội họp chi bộ, ban quản lý bản phải mượn nhà dân để tổ chức. Đối với các bậc phụ huynh, trong điều kiện phải làm lụng kiếm sống, không có nhiều thời gian quan tâm đến con cái. Vậy nên, trẻ em không được trang bị các kỹ năng để ứng xử trước các vấn đề xã hội, phải tự tìm kiếm niềm vui trong không gian cư trú của gia đình mình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các em gặp những tai nạn thương tích, bị xâm hại về thể chất và tinh thần.

Năm 2012, ở Nghệ An có 958 em bị tai nạn thương tích, gây tử vong 65 em, trong đó 38 em tử vong do đuối nước. 6 tháng đầu năm 2013 (tính đến ngày 7/6) theo ghi nhận của Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em – Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An, toàn tỉnh có 15 em bị tử vong do đuối nước, song thực tế có thể còn cao hơn. Ngay với huyện Quỳnh Lưu, dù đã xảy ra 10 trường hợp tử vong do đuối nước từ đầu năm đến nay, nhưng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em – Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ mới biết đến 5 trường hợp. Sự thiếu bám sát cơ sở, hoặc do cơ chế báo cáo thông tin chưa kịp thời khiến những thông số, số liệu khập khiễng, không chính xác về nhóm đối tượng thiếu nhi và tình hình cuộc sống của các em.

Theo thống kê của Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em – Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An, tổng số trẻ em dưới 16 tuổi của tỉnh ta hiện nay là 835.760 em, trong đó có 145.000 em đang sống trong các gia đình nghèo, 29.984 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 3.771 em sống trong các gia đình có vấn đề xã hội, 2343 em sống trong gia đình mắc tệ nạn xã hội, 891 em trong gia đình có người vi phạm pháp luật đang trong quá trình thi hành án.


Đào Tuấn