Xây dựng Vinh thành Trung tâm vùng Bắc Trung bộ
Nguyễn Hoài An - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Vinh
(Baonghean) - Thành phố Vinh - nơi có truyền thống cách mạng, với những con người dũng cảm, yêu nước đã góp phần cùng dân tộc làm nên những chiến công oanh liệt trong lịch sử. Ngày nay, phát huy tiềm năng, vị thế Đô thị loại I, Vinh đang từng bước vươn lên, khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của Nghệ An và trung tâm vùng Bắc Trung bộ.
Vùng đất “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng...”
TP. Vinh ngày nay chủ yếu nằm trên vùng đất Vĩnh Yên và Yên Trường, tổng Ngô Trường, huyện Chân Lộc, trấn Nghệ An xưa. Đây vốn là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống tự ngàn đời. Năm 1788, khi đi qua trấn thành Nghệ An, dưới con mắt của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, Vinh đã hiện ra là nơi: “Hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây dựng kinh đô mới. Thật là chỗ đẹp để đóng đô vậy”. Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh tuy còn dang dở, nhưng đã là một dấu son quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố.
Dưới thời Nguyễn, Vinh đã trở thành một trung tâm quan trọng về chính trị - văn hóa. Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp nhận thấy vị thế đặc biệt của địa phương này trên con đường thiên lý Bắc - Nam nên đô thị Vinh - Bến Thủy - Trường Thi đã được hình thành (1899). Sự đầu tư của người Pháp đã khiến cho các phố thị dần mọc lên, làm thay đổi hoàn toàn bức tranh đô thị vốn có của Vinh ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vinh lúc này đã trở thành một trung tâm thương mại quy mô lớn với nhiều ngành nghề khác nhau; đồng thời là nơi tập trung các trung tâm công nghiệp - giao thông vận tải của Bắc Trung bộ nói riêng và Liên bang Đông Dương nói chung. Các ngành kinh tế công nghiệp đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ nền kinh tế ở Bắc Trung bộ và Lào từ đầu thế kỷ XX cho đến khi Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ. Bên cạnh đó, Vinh luôn giữ chức năng là một trung tâm chính trị - văn hóa, xã hội và kinh tế, tạo điều kiện để các tập đoàn tư bản Pháp đầu tư vào đây cũng như vào Vương quốc Lào.
Anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ, xây dựng Thành phố
Việc thực dân Pháp xây dựng Vinh thành trung tâm công nghiệp lớn đã dẫn đến sự phân hóa xã hội sâu sắc. Giai cấp công nhân Vinh sớm được hình thành, có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, có tính đoàn kết, kỷ luật cao... đã đưa phong trào yêu nước ở Vinh chuyển sang một giai đoạn mới. Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Nhân dân Thành phố Vinh với tinh thần bất khuất, dũng cảm, kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đứng lên đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân, phong kiến. Phong trào 1930-1931 nổ ra với khởi đầu của “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước..." đã đưa cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đi vào lịch sử. Tháng 8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, dân tộc ta bước sang trang sử mới độc lập, tự do. Hòa bình chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, Vinh đã sát cánh cùng nhân dân cả nước tiến hành tiêu thổ kháng chiến với quyết tâm chính trị cao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc. Năm 1954, hòa bình lập lại, miền Bắc bắt tay vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Xác định vị trí quan trọng của Vinh, ngày 10/10/1963, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định đưa thị xã Vinh lên Thành phố Vinh.
Trong khi nhân dân và cán bộ Thành phố Vinh đang nô nức, phấn khởi xây dựng lại quê hương thì ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã tiến hành ném bom Thành phố Vinh và một số tỉnh thành khác, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Đáp ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 nǎm, 10 nǎm, 20 nǎm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!", Đảng bộ và nhân dân Thành phố Vinh đã nhanh chóng chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, tiến hành tổ chức sơ tán nhân dân, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học...; vừa chiến đấu bảo vệ thành phố, vừa tổ chức sản xuất, kinh doanh và làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, vận chuyển người, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Với tinh thần kiên cường, bất khuất, Vinh đã góp phần cùng cả nước đánh bại hai cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại này, đã có 14 tập thể, 9 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động. Riêng cán bộ, công nhân phà Bến Thủy hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng; nhân dân, cán bộ Thành phố Vinh được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thất bại trên cả hai chiến trường Nam - Bắc, đế quốc Mỹ đã phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, rút quân về nước.
Một góc TP. Vinh về chiều. Ảnh: Quang Đại Bác |
Hướng đến trung tâm vùng Bắc Trung bộ...
Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, được sự quan tâm của Trung ương, sự giúp đỡ chí tình của các nước XHCN anh em, Vinh đã được xây dựng lại. Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1974, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã đặt viên gạch đầu tiên tại Lễ khởi công xây dựng lại thành phố.
Sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Thành phố Vinh đã có nhiều khởi sắc, diện mạo đô thị thay đổi, đời sống nhân dân được nâng lên... Ngày 30/9/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ; trong đó xác định chức năng của thành phố: “Chức năng đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Bắc Trung bộ; chức năng trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và trọng điểm về khoa học - công nghệ, văn hóa - thể thao và y tế của vùng; chức năng trung tâm công nghiệp của vùng đối với sự phát triển công nghiệp chung của vùng Bắc Trung bộ; chức năng trung tâm thương mại, du lịch và các dịch vụ khác có tác động mạnh trên phạm vi vùng Bắc Trung bộ; chức năng đầu mối giao thông, cửa vào - ra quan trọng của vùng Bắc Trung bộ, cả nước và quốc tế”. Những định hướng đó đã trở thành cơ sở mang tính pháp lý, tạo đà cho sự phát triển của thành phố.
Qua 10 năm thực hiện Kết luận 20-KL/T.Ư của Bộ Chính trị, 7 năm thực hiện Quyết định 239-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Vinh đã nỗ lực, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006-2012 trung bình đạt 14,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng nhanh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2012 đạt 41.894 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 17,9%. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ 15,6 triệu đồng năm 2005 lên 50,6 triệu đồng năm 2012. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được chú trọng chỉ đạo, thực hiện. Một số lĩnh vực bước đầu đã hội tụ những yếu tố cơ bản trở thành trung tâm vùng như: văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, viễn thông, tài chính - ngân hàng, dịch vụ - thương mại...
Số lượng các dịch vụ tài chính tăng nhanh; chất lượng cung cấp được nâng cao, các loại hình được đa dạng hóa. Bước đầu đã hình thành trung tâm dịch vụ tài chính - ngân hàng của khu vực với 49 chi nhánh ngân hàng, trong đó có 2 chi nhánh cấp 1.
Giáo dục đào tạo có bước phát triển mạnh. Đã hình thành mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến đại học, cao đẳng, dạy nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em thành phố, tỉnh và khu vực, thể hiện vị trí trung tâm giáo dục và đào tạo của vùng Bắc Trung bộ. Trên địa bàn thành phố hiện có 5 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp nghề với quy mô đào tạo trên 60.000 học sinh, sinh viên. Đến nay, toàn thành phố có 60 trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 70%. Vinh luôn là đơn vị dẫn đầu về tỷ lệ học sinh đậu đại học - cao đẳng, học sinh giỏi quốc gia,...
Lĩnh vực y tế có nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định chức năng trung tâm chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân của vùng. Chất lượng đội ngũ y, bác sĩ được nâng cao, cơ sở vật chất ngành y tế được tăng cường. Từ chỗ chỉ có 4 bệnh viện công lập, đến nay đã hình thành hệ thống các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân; bước đầu hình thành một số cơ sở y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu. Một số bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận và quy hoạch là bệnh viện khu vực Bắc Trung bộ như Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản - Nhi.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị được đẩy mạnh. Thành phố đã tập trung phát triển, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông đối ngoại, giao thông nội thị. Hoàn thành đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh Vinh phía Tây thành phố, đường ven sông Lam, cầu Bến Thuỷ II... Sân bay Vinh lần lượt mở thêm các các chuyến bay nội địa và tương lai trở thành sân bay quốc tế; nâng cấp Ga Vinh thành ga loại 1; nâng cấp cảng Cửa Lò, đang triển khai xây dựng Bến xe Bắc Vinh, Nam Vinh, quy hoạch hệ thống nút giao thông, cầu vượt... từng bước khẳng định chức năng là đầu mối giao thông, cửa vào - ra quan trọng của vùng Bắc Trung bộ, cả nước và quốc tế. Theo Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ, không gian đô thị Vinh sẽ được mở rộng phù hợp với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và dân số của thành phố cũng như với các chức năng của đô thị vùng. Hướng phát triển của thành phố là hướng Bắc và Đông Bắc. Dự kiến sau khi mở rộng, ranh giới của Thành phố Vinh về phía Bắc là đường Nam Cấm, phía Tây là đường tránh Vinh, phía Nam là sông Lam và phía Đông là biển Đông. Dự kiến diện tích thành phố Vinh mở rộng trên 250 km2.
Xác định vị trí quan trọng của Nghệ An và Thành phố Vinh trong sự phát triển của vùng Bắc Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung, ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là một nghị quyết quan trọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị đối với Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những chủ trương, chính sách để đầu tư nguồn lực xây dựng Thành phố Vinh phát triển về mọi mặt. Đây là vinh dự và cơ hội phát triển của thành phố, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thật sự xứng đáng với sự quan tâm mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ đã dành cho Nghệ An và Thành phố Vinh.
Vì vậy, trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Vinh nguyện đoàn kết, quyết tâm phát huy truyền thống 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô, 50 năm Thành phố Đỏ anh hùng, 5 năm đô thị loại I, vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, đặc biệt là tập trung mọi nguồn lực, sức mạnh để thực hiện mục tiêu tổng quát là xây dựng Thành phố Vinh đến năm 2020 trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo như Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã đề ra.
H.A