Có nên tiếp tục dùng cụm từ “tư thương ép giá”?

24/09/2013 15:56

(Baonghean) - Thỉnh thoảng, khi hàng hóa của nông dân bị ứ đọng, gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, mua bán, giao dịch, để truy tìm nguyên nhân sự việc, ta lại thấy trên các báo, đài , trong các hội nghị, xuất hiện cụm từ “tư thương ép giá”. Lúa gạo, mía đường, cà phê, dưa hấu, nhãn, vải, cam quýt, lợn, gà, ngan, ngỗng… không bán được, tất tất đều là do bị “tư thương ép giá”? Cái “anh” tư thương này, quyền hành quá nhỉ! Muốn ép giá ai thì ép vậy sao? Cách nói, cách viết kiểu đó làm ta ngỡ rằng, hiện nay thị trường của chúng ta đã đánh mất nguyên tắc “thuận mua, vừa bán” rồi chăng?

Hai chữ “tư thương”, xuất hiện ở thời bao cấp. Thời đó, nhiệm vụ của thương nghiệp XHCN nước ta là phân phối hàng hóa theo tem phiếu - chức năng phân phối lấn át chức năng giao dịch, buôn bán. Thương nghiệp XHCN thời đó có hai loại cửa hàng mậu dịch quốc doanh, và hợp tác xã mua bán. Ngoài ra, ai buôn bán bất cứ ở đâu, bất cứ thứ gì đều gọi là “tư thương”. Hai hình thức kinh doanh đó là biểu hiện đặc trưng cho hai phương thức hoạt động kinh tế thương nghiệp XHCN. Đồng thời, đấy cũng là hai hình thức sở hữu - sở hữu thương nghiệp nhà nước và sở hữu kinh tế thương nghiệp tập thể. Ngày ấy, quan niệm kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là hai loại hình kinh tế duy nhất của nền kinh tế XHCN. Vì vậy, trong thương nghiệp, những hoạt động buôn bán ngoài mậu dịch quốc doanh, ngoài các cửa hàng hợp tác xã đều là hoạt động tư thương phi pháp, cần phải đấu tranh, ngăn chặn. Hẳn là chúng ta hãy còn nhớ, thuộc làn điệu câu hát “Giận mà thương” trong vở kịch “Khi bạn đội đi vắng” của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong:

Anh sai đường, em không chịu nổi

Anh ơi anh, xin anh đừng giận dỗi

Bởi thương anh nên em bàn với mẹ

Quyết ngăn anh không đi chuyến ngược Lường…

Người “sai đường”, trong vở kịch này, chính là người chồng đang bị người vợ quyết tâm ngăn chặn, không cho đi chuyến “ngược Lường” để mua gánh chè xanh đem về ngã ba Diễn Châu buôn bán! Thế đấy, thuở ấy, việc buôn bán của tư nhân bị coi là việc làm xấu. Vậy nên, sau chữ “tư thương”, người ta ghép ngay vào đó một động từ chỉ việc làm xấu là “ép giá”! Cụm từ “tư thương ép giá” đã ra đời trong hoàn cảnh ấy, bối cảnh ấy. Nó có hàm nghĩa không mấy hay ho, tốt đẹp! Đành rằng trong thực tế thì “tư thương” khi mua bán cũng hay cò kè bớt một, thêm hai. Nhưng đấy là nghệ thuật của sự thương lượng để thống nhất, định đoạt giá cả. Thị trường luôn hoạt động theo nguyên tắc “ thuận mua, vừa bán”. Giá cả hàng hóa phản ánh quy luật của quan hệ “cung”, “ cầu”, không ai có thể áp đặt giá cả lên thị trường theo ý riêng của mình được. Vì thế, nói “tư thương ép giá” là cách nói còn có phần chủ quan, áp đặt.

Ngày nay, quan niệm xã hội về các vấn đề kinh tế đã có nhiều thay đổi. Hiện tại, kinh tế nước ta là kinh tế nhiều thành phần, bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế của các doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài…Vai trò và vị trí của thương nghiệp tư nhân trong nền kinh tế chung của đất nước đã được hoạch định. Nhận thức về vấn đề đó cũng cần thay đổi, cho phù hợp với thực tế. Phải chăng, hai chữ “tư thương” đã thuộc về quá khứ, hàm nghĩa của hai từ đó đã quá xa vời với hiện thực hôm nay? Khi ta đã hiểu giá cả thị trường là phản ánh của quan hệ “cung”, “cầu” thì cụm từ “tư thương ép giá” quả là một mệnh đề có nội dung còn mang tính áp đặt và hiển nhiên là rất thiếu tính khoa học! Ngày nay, các công ty tư vấn, công ty môi giới, công ty TNHH… nói chung là các doanh nghiệp tư nhân đang ngày một phát triển. Lực lượng kinh tế này đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Song song với việc cần thiết phải nhận thức lại vai trò, vị trí của thành phần kinh tế thương nghiệp tư nhân, phải chăng, đã đến lúc chúng ta, trong đó có các nhà báo cũng nên nhắc nhở lẫn nhau, cần thận trọng hơn khi sử dụng cụm từ “tư thương ép giá” trong các bài viết của mình?

Thạch Quỳ