Bài 6: Họ Vừ trong cộng đồng người Mông

07/07/2013 16:17

>Bài 5: Họ Moong và những tục lạ

Dòng họ Vừ ở huyện Kỳ Sơn có khoảng 386 hộ, 2.518 nhân khẩu; sống tập trung ở các xã Huồi Tụ, Tây Sơn, Na Ngoi, Mường Lống của huyện Kỳ Sơn. Theo lời kể của ông Vừ Chông Pao - người có uy tín nhất, còn nắm rõ về nguồn gốc và các nét văn hóa truyền thống của dòng họ Vừ thì người Mông nói chung, dòng họ Vừ nói riêng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau nhiều lần chiến tranh, đã di tản đi nhiều nơi. Người Mông ở Kỳ Sơn có một số từ Trung Quốc di cư thẳng đến, một số sang Lào sau đó về Kỳ Sơn. Cũng theo ông Vừ Chông Pao, gia đình đầu tiên của dòng họ Vừ gồm một người chồng, hai người vợ. Người vợ cả sinh được 4 người con trai, vợ hai sinh được 5 người con trai”.



Ông Vừ Chông Pao -người uy tín của dòng họ

Trong thủ tục làm lễ của các gia đình dòng họ Vừ, khác với các dòng họ khác ở cách bày biện mâm cỗ, các món được đưa ra soạn mâm phải được chia ra làm chín phần (chín bát hoặc chín đĩa…), tượng trưng cho phần của chín người con thuộc hai người vợ trong gia đình. Thầy cúng phải là người tinh thông lễ nghi, phong tục, và phải là người trong dòng họ Vừ. Khi cự lễ, mọi người trong gia đình phải ở trong nhà và đóng hết các cửa ra vào.

Một năm, các gia đình thuộc dòng họ Vừ thường có các phong tục: đa trồng hay nhù đa (cúng tổ tiên), mừng lúa mới (đối với các gia đình làm nương rẫy), lễ, tết (Tết Nguyên đán), vía dòng họ... Ngoài ra, trong năm còn có làm vía cho bố mẹ, các con cháu ở xa đến thăm hoặc khi bị ốm đau. Phong tục cưới hỏi của người Mông Vừ cũng đặc sắc. Đôi trai gái tìm hiểu nhau, người con trai ở ngoài vách nhà, thổi khèn môi. Khi chưa yêu, người con gái không bao giờ ra khỏi nhà gặp mặt trực tiếp với chàng trai. Sau những giai điệu khèn, đến nửa đêm hai bên trò chuyện với nhau, chàng trai ở ngoài vách, cô gái ở trong vách.



Cô dâu và chú rể trong đám cưới người Mông ở Na Ngoi (Kỳ Sơn).
Ảnh: Hữu Vi

Cứ như thế, trong một thời gian dài tìm hiểu và yêu nhau, người con gái đồng ý cho người yêu bắt mình về làm vợ. Chàng trai chọn một đêm đẹp, cùng với hai người bạn khác đến. Bắt đầu đêm bắt vợ bằng những điệu khèn môi quen thuộc, đến nửa đêm cô gái đồng ý bước chân ra khỏi nhà về với chàng trai. Khi đó, đoàn bắt vợ gồm có bốn người (kể cả người con gái bị bắt về làm vợ), đi được một quãng, hai chàng trai là bạn của người đi bắt vợ đưa lễ vật đến nhà cô gái để báo với gia đình, và hẹn ba ngày sau sẽ đưa lễ vật đến làm lễ cưới.

Trong quá trình cùng người yêu về nhà, người con gái không được ngoảnh lại nhìn phía sau. Nếu vô tình hay cố tình nhìn lại, cuộc bắt vợ sẽ khó thành hoặc cuộc sống vợ chồng sau này gặp khó khăn. Sau ba ngày ở nhà người yêu, người con gái không ra khỏi nhà, ngày thứ tư nhà trai sẽ mang đầy đủ sính lễ theo phong tục đến tổ chức đám cưới tại gia đình nhà gái, đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng.

Một gia đình dòng họ Vừ có nhiều thế hệ, con dâu trong gia đình không được trèo lên chạn hay mái nhà. Làm như thế để tập và tạo cho con dâu có cuộc sống minh bạch, trong sáng, gia đình đoàn kết, hòa thuận; vì trên chạn hay trên mái nhà thường là những nơi kín, khó nhìn thấy, người khác sẽ hiểu nhầm.

Dòng họ Vừ ở huyện Kỳ Sơn yêu quê hương, đất nước, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập. Dòng họ Vừ có nhiều đóng góp trong đời sống xã hội của đồng bào nhân dân các dân tộc huyên Kỳ Sơn. Mặc dù sinh sống ở nhiều xã, cách xa nhau về địa lý, dòng họ Vừ đã thành lập Hội Khuyến học dòng họ, có quỹ khuyến học để hỗ trợ, khuyến khích con em luôn cố gắng học tập. Con em dòng họ Vừ thi đậu đại học, cao đẳng, học sinh giỏi các cấp đều được biểu dương, khen thưởng.

Họ Vừ có nhiều người già có uy tín trong cộng đồng dân tộc Mông nói chung và trong dòng họ Vừ nói riêng. Tiêu biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vừ Chông Pao ở xã Tà Cạ, ông Vừ Lìa Trỉa ở xã Mường Lống, ông Vừ Pà Chống ở xã Huồi Tụ, ông Vừ Xìa Xúa ở xã Na Ngoi… Họ là những người uy tín trong cộng đồng, luôn vận động xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng - an ninh địa phương, đặc biệt là giữ yên biên giới ở các xã biên giới Kỳ Sơn.


Lang Lương (Huyện đoàn Kỳ Sơn)