Giải tỏa bức xúc trong xã hội, một giải pháp quan trọng
(Baonghean) - Một trong những hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, làm xói mòn mối quan hệ tốt đẹp giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân chính là một số chính sách chưa đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết; quyền làm chủ của nhân dân nhiều nơi bị vi phạm. Chính vì vậy, Nghị quyết T.Ư7 (khóa XI) đã xác định việc “giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội” là một trong những giải pháp cần thiết để tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí, công luận và dư luận xã hội đã phản ánh không ít chính sách, cơ chế, văn bản quy định của cấp ủy, chính quyền, hệ thống hành chính thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn, một số chính sách chưa ban hành đã gây ra sự phản ứng dữ dội của dư luận. Không ít những chính sách khi đi vào cuộc sống chẳng những không tạo điều kiện thuận lợi cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà còn tạo thêm những bất cập. Có khi các văn bản ban hành cùng thời điểm nhưng vẫn có sự chỉ đạo chồng chéo, thiếu chặt chẽ. Có vấn đề nhiều cơ quan chịu trách nhiệm nhưng khi bất cập xảy ra thì chẳng quy trách nhiệm được cho cơ quan nào… Tồn tại này hầu như ở cấp nào, địa phương nào cũng từng xảy ra, và người dân, doanh nghiệp, các đối tượng bị điều chỉnh bởi các chính sách, văn bản như đã nói trên thì cảm nhận được rất rõ.
Chính việc ban hành một số chính sách, văn bản, quy định… thiếu sức thuyết phục, thiếu tính khả thi, không vì sự phát triển chung, lợi ích chung, không tính đến sự phát triển bền vững, không vì sự phát triển của phong trào đã làm phương hại đến niềm tin đối với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước.
Một số chính sách, cơ chế bất cập đã tạo thành những kẽ hở, những “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ cơ hội, những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống lợi dụng mưu cầu lợi ích cá nhân, trục lợi bất chính. Từ đó nảy sinh những vụ việc nổi cộm, những hiện tượng tiêu cực, những vụ án gây bất an trong xã hội, có thể kể đến như: các sai phạm ở ViNaShin, ViNaLine; vụ án về đất đai ở Tiên Lãng - Hải Phòng; một số địa phương thiếu cảnh giác trong quản lý đất đai ở các khu vực quan trọng; yếu kém trong quản lý tài nguyên - khoáng sản, quản lý thị trường, vật giá; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy dự án, chạy điểm, chạy trường… diễn ra ở nhiều nơi; cơ chế “xin - cho”, ăn chia phần trăm, tỷ lệ hoa hồng trong xây dựng cơ bản, chi tiêu ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn cho vay, viện trợ từ nước ngoài… tạo nên những thất thoát, lãng phí lớn; vấn nạn “phong bì” xuất hiện và trở nên phổ biến; nhiều công trình, dự án thi công dang dở, chất lượng thấp, hiệu quả sử dụng không tương ứng với giá trị đầu tư…
Những bất cập, tiêu cực, hạn chế nói trên đang là những vấn nạn, nhiều vấn nạn đã trở thành những căn bệnh nan y, dai dẳng, triền miên, không có dấu hiệu thuyên giảm… đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khỏe” của nền kinh tế, đến môi trường văn hóa xã hội, và hậu quả là làm ảnh hưởng đến niềm tin của đảng viên, quần chúng nhân dân với Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” cũng cảnh báo rằng, những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Vì vậy, một trong những việc cần hết sức được quan tâm thực hiện đó là phải chú trọng đặc biệt vào việc giải tỏa những bức xúc, hoài nghi trong xã hội, trước hết phải ngăn chặn từ xa việc hình thành những hoài nghi, bức xúc. Đó chính là hạn chế việc ban hành những chính sách, cơ chế, văn bản quy định thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, không vì sự phát triển chung và dĩ nhiên là không phù hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.
Cùng với đó, phải dũng cảm đối mặt với những vấn đề, vụ việc tiêu cực, những tồn tại gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đến đời sống của nhân dân… để tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, có hình thức xử lý nghiêm minh, đền bù thỏa đáng đối với những thiệt hại đã gây ra, giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài. Tránh tình trạng có lợi ích thì cùng hưởng nhưng trách nhiệm thì cùng… tránh.
Trên thực tế, đã có nhiều cán bộ, đảng viên quen đổ lỗi cho cơ chế, đổ trách nhiệm cho cấp trên hoặc cấp dưới, cho ngành khác, cơ quan khác… Nhiều vụ việc gây hậu quả với các mức nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng, thất thoát lớn, nhưng không ai bị xử lý hoặc chỉ xử lý cấp trực tiếp theo kiểu “giơ cao đánh nhẹ”, còn cấp quản lý, chỉ đạo thì chỉ “rút kinh nghiệm” hoặc “nhận một phần trách nhiệm” rất chung chung.
Hiện nay, sau hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư4, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị… đã xác định những việc “cần làm ngay”. Đó là những việc mà các cá nhân hoặc tập thể đã chỉ ra, được các ý kiến góp ý chỉ ra, chủ yếu là các vấn đề, vụ việc nổi cộm thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xử lý giải quyết. Hiện tại một số cấp ủy đảng, chính quyền đã vào cuộc quyết liệt để giải quyết những việc “cần làm ngay”.
Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan đã có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những việc “cần làm ngay”, bởi xác định được đó chính là thước đo về trách nhiệm, về niềm tin trước nhân dân. Đó là những tín hiệu tích cực, đáng ghi nhận, được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đánh giá cao.
Tuy nhiên, nhìn rộng khắp, thì không phải ở cấp nào, nơi nào, ngành nào, cơ quan nào cũng đã tạo được những chuyển biến tích cực như trên. Không ít nơi không khí vẫn rất “trầm”, rất “lặng”, ít có chuyển biến. Đó là dấu hiệu không bình thường, cần được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương quan tâm, lưu ý, có sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát cụ thể...
Nghị quyết T.Ư7 (khóa XI) tiếp tục khẳng định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, việc giải quyết những việc “cần làm ngay”, những vấn đề, vụ việc nổi cộm, bức xúc, gây hoài nghi, mất niềm tin, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Và đó cũng là giải pháp quan trọng để tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Ngô Kiên