Người trăn trở với "Xìn Đánh"

09/11/2013 18:08

(Baonghean) - Dù đã gần 60 tuổi nhưng ngày lại ngày chị vẫn cặm cụi bên khung dệt, say sưa với từng mẫu thêu, từng đường chỉ để sáng tạo và gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nghề đã gắn với chị từ ngày còn bé thơ…

Chị Lương Thị Lan (bản Mác, xã Thạch Giám, Tương Dương) biết đến nghề dệt thổ cẩm và bắt đầu làm quen với khung dệt từ khi còn là cô bé mới 8, 9 tuổi. Người thầy đầu tiên, không ai khác là mẹ chị, một phụ nữ Thái đảm đang, khéo tay, vừa trồng dâu, nuôi tằm, vừa ươm tơ, dệt vải. Ngày đó, thổ cẩm chủ yếu chỉ dệt bằng tay nhưng chỉ cần nhìn trộm mẹ vài ba lần là chị đã có thể làm theo. Lên 14, 15 tuổi chị đã cùng mẹ dệt thổ cẩm đem đi bán. Sau khi nghỉ việc ở lâm trường, về hưu “non”, không lương, không có đất sản xuất chị Lan quyết định phát triển nghề dệt thổ cẩm. Công việc tưởng dễ nhưng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là khó tiếp cận với khách hàng.

Chị Lan đang giới thiệu sản phẩm cho khách mua hàng.
Chị Lan đang giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

Sản phẩm được chị chào bán đầu tiên với bà con trong vùng là chiếc xìn đánh, một chiếc váy được thêu bằng vải đỏ, có viền chân màu đen. Đấy là chiếc váy được các mẹ chồng người Thái tặng cho con dâu trong lễ vật đám cưới và chỉ dùng trong những ngày gia đình có tang gia, ngụ ý để phân biệt con cháu trong dòng họ và những người khách bên ngoài. Có một thời điểm người Thái quên mất phong tục này, họ ăn mặc lẫn lộn giữa váy đen, váy đỏ. Thậm chí, nhiều người đã lấy những cái váy được thêu tinh xảo, dệt thủ công mà gia đình đã gìn giữ nhiều thế hệ đem bán cho người Lào, người Thái Lan.

Tiếc nuối và sợ những mẫu thêu của người Thái sẽ bị mai một, chị đi lùng khắp nơi, ai bán váy cũ chị đều mua lại. Lúc đó chị cũng chưa xác định rõ mua lại váy cũ để làm gì nhưng dù là váy rách hay váy lành, xấu hay đẹp chị cũng đều chấp nhận lỗ, đổi một váy cũ lấy hai váy mới. Cũng từ những chiếc “xìn đánh”, người Thái ở Tương Dương biết đến chị ngày một nhiều, thậm chí nhiều nơi họ không gọi đó là xìn đánh nữa mà gọi là “váy của bà Lan”. Biết được điều này, chị vui lắm. Bởi “xìn đánh” đã được bà con gìn giữ, truyền từ đời này sang đời khác. Mới đây, chị đã tặng bốn chiếc cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi họ về Tương Dương sưu tầm với mong ước sẽ ngày càng có nhiều người hơn nữa biết đến sản phẩm của dân tộc mình.

Chị cũng trăn trở nhiều với các hoa văn thêu trên các sản phẩm thổ cẩm bởi theo như chị: Thổ cẩm là một sản phẩm được dệt bằng thủ công nên mỗi một chiếc váy sẽ mang tâm hồn, mang bản sắc riêng, không thể lẫn lộn với bất cứ sản phẩm may sẵn nào khác. Điều may mắn cho chị là trong những sản phẩm cũ mà chị sưu tầm được có nhiều hoa văn quý mà hiện nay khó có thể tìm lại. Thế nên, cùng với việc sáng tạo ra các mẫu mới, chị dành nhiều thời gian để nghiên cứu lại các mẫu cũ và từng bước khôi phục. Một số người già trong làng biết chị trăn trở nhiều với điều này đã giúp chị rất tận tình, không chỉ bày cho chị cách pha màu mà còn cùng chị thêu tay, tỉ mỉ, cầu kỳ và tốn rất nhiều thời gian.

Khi sản phẩm được người tiêu dùng biết đến ngày một nhiều, chị cũng đã tổ chức lớp dạy thổ cẩm để hướng dẫn cho chị em trong bản. Một phần là để các chị giữ lại nghề truyền thống, một phần là để giúp các chị có việc làm, tạo thêm thu nhập. Nhờ đó, bản Mác tuy chưa được công nhận là làng nghề nhưng là bản có số người biết nghề dệt thổ cẩm thông thạo đông nhất xã. Chị Lan cũng bỏ công đến nhiều xã khác trong huyện để dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Thái, năm trước là lớp dạy nghề ngắn hạn ba tháng ở Mai Sơn, năm vừa rồi là Luân Mai, Nhuôn Mai. Tiền công đứng lớp chẳng đáng là bao lại phải xa nhà nhiều tháng trời nhưng chị vẫn rất hào hứng, vì quan trọng hơn là qua các lớp học sẽ có thêm nhiều người biết đến nghề, giữ nghề.

Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm và nay dù đã là bà chủ nhưng chưa ngày nào chị rời khung dệt. Nghề dệt thổ cẩm không thể giàu vì nó “cầu kỳ” quá nhưng chị tin rằng con đường mà chị đã chọn là đúng bởi nó cho chị thu nhập đều đặn để nuôi 3 người con tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có việc làm ổn định. Quan trọng hơn là nhờ đó, nghề truyền thống của đồng bào Thái đã được bảo tồn, giữ gìn và ngày một phát huy tốt trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Mỹ Hà