Đổi lượng nhưng chưa thay chất
(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, hệ thống nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn Nghệ An đã được sắp xếp, đổi mới. Tuy nhiên, theo đánh giá, đến nay hệ thống nông, lâm trường về cơ bản chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Hầu hết các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp, tồn tại nhiều yếu kém, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, tài chính, quản lý xây dựng cơ bản...
Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TƯ của Bộ Chính trị ngày 16/6/2003, UBND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh. Theo đó, tiến hành sắp xếp lại 5 nông trường và 3 công ty thành công ty nông nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2005 và 1 công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Sắp xếp 6 lâm trường quốc doanh và 1 công ty thành 7 công ty lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2005. Đến ngày 30/6/2012, trên địa bàn tỉnh có 12 công ty nông, lâm nghiệp; 1 công ty cổ phần (Công ty CP nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn) và 14 Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. 12 công ty nông, lâm nghiệp được chuyển thành các công ty TNHH MTV với 100% vốn Nhà nước.
Sau 10 năm sắp xếp, đổi mới, công tác quản lý, sử dụng đất đã có bước cải thiện. Tổng diện tích đất các đơn vị này quản lý trước khi sắp xếp là hơn 223.733ha nay tăng lên 504.883,3 ha. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt, các công ty nông, lâm nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các nông, lâm trường được nâng lên, góp phần tăng trưởng kinh tế hàng năm cho tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo vệ rừng phòng hộ và an ninh, chính trị, xã hội trong vùng.
Tuy nhiên, theo đánh giá, đổi mới của các nông, lâm trường sau 10 năm chỉ là “bình mới, rượu cũ”; hiệu quả quản lý đất và rừng vẫn còn rất thấp, tài nguyên đất và rừng tiếp tục bị suy giảm. Khối lượng sản xuất, kinh doanh, năng suất bình quân một số cây trồng và giá trị sản lượng của các đơn vị có tăng. Theo đó, doanh thu, lợi nhuận sau thuế, nộp ngân sách và thu nhập bình quân của người lao động đã được nâng lên. Song, những kết quả trên vẫn chưa xứng với tiềm năng đất đai, lao động và tiền vốn của Nhà nước đã đầu tư.
Như tại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp An Ngãi (xã Tân An, huyện Tân Kỳ) được giao 1.232,59 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm hơn 90%. Trước khi chuyển đổi vào năm 2005, công ty có vốn sở hữu 1.435 triệu đồng nhưng sau 10 năm đổi mới, vốn chủ sở hữu chỉ nâng lên được 3.604 triệu đồng. Doanh thu của công ty trước chuyển đổi là 2.193 triệu đồng/năm, sau chuyển đổi là 9.027 triệu đồng/năm. Đặc biệt, sau 10 năm chuyển đổi, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm, từ 6,30 triệu đồng/năm đồng xuống còn 3,80 triệu đồng/năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sỡ hữu trước khi chuyển đổi là 0,43% thì sau chuyển đổi còn 0,20%. Từ đây, thu nhập của người lao động cũng rất thấp. Trước chuyển đổi, thu nhập bình quân đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng nhưng sau 10 năm, chỉ nâng lên 2 triệu đồng/người/tháng.
Hay như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông, sau 10 năm đổi mới, doanh thu của công ty chỉ tăng từ 6.307 triệu đồng lên 8.136 triệu đồng/năm. Phần trăm lợi nhuận sau thuế/ vốn sở hữu của công ty chỉ đạt từ 0,3 lên 1,3 sau 10 năm đổi mới, đây là một con số hết sức khiếm tốn. Trong khi đó, công ty còn khoản vay 138 triệu đồng, với mức lãi suất hơn 20%/năm. Công ty được giao quản lý 7.850 ha đất, tính trung bình thì mỗi năm công ty phải đóng khoảng 3 tỷ đồng tiền thuê đất theo Luật Đất đai năm 2003. Như vậy, công ty hoạt động không có lãi.
Thu hoạch keo tại xã Châu Lý (Qùy Hợp). |
Ông Phan Ngọc Châu, Phó phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở NN&PTNT) đánh giá: Sau 10 năm thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp nông, lâm trường, các công ty nông, lâm nghiệp đã 2 lần chuyển đổi nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhìn chung còn rất thấp. Trung bình giá trị sản lượng trên mỗi ha chỉ từ 30- 60 triệu đồng/năm. Trong công tác quản lý đất đai còn nhiều tồn tại, hiện chưa có một đơn vị nào nộp tiền thuê đất nên nhìn chung còn có lãi đôi chút nhưng nếu hoạch toán đầy đủ, trong đó có cả tiền thuê đất (trung bình mỗi công ty khoảng 3 tỷ đồng/năm) thì 100% các doanh nghiệp đều thua lỗ. Ông Châu cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ tiến hành truy thu tiền thuê đất của các đơn vị này từ năm 2010 đến nay.
Nhiều tồn tại, hạn chế sau 10 năm sắp xếp, đổi mới gây khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nguồn kinh phí còn thiếu nên công tác rà soát quỹ đất được giao, cấp GCN quyền sử dụng đất, lập hồ sơ giao đất theo Nghị định số 18/2004/NĐ-CP và đóng mốc ranh giới chưa được thực hiện. Nhiều công ty vẫn còn giữ hình thức giao khoán cũ theo Nghị định 01 mà chưa chuyển sang giao khoán theo Nghị định 135 của Chính phủ nên trách nhiệm của người nhận khoán chưa được nâng cao. Việc đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT công nghệ còn hạn chế, giá trị tạo ra trên một đơn vị diện tích còn thấp. Các công ty chưa thực hiện chủ trương thuê đất đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn và chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật trong các công ty còn diễn ra mà chưa có biện pháp ngăn chặn, giải quyết dứt điểm. Trong khi, các nông lâm trường đang “ôm” một diện tích đất lớn nhưng sử dụng không hiệu quả mà người dân sống xung quanh lại thiếu đất sản xuất.
Trong thời gian qua, Thanh tra tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng tại các doanh nghiệp được chuyển đổi hoặc sáp nhập từ nông - lâm trường. Cụ thể như tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tương Dương, qua thanh tra đã phát hiện những sai phạm trong quá trình hoạt động. Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, Công ty không thực hiện xây dựng và điều chỉnh lại diện tích đất, loại đất, không thực hiện quy hoạch chi tiết sử dụng đất; Công ty không có bản đánh giá hiện trạng sử dụng đất cũng như Quy hoạch sử dụng đất chi tiết, khiến việc kê khai đất để cấp GCN QSDĐ không chính xác. Bên cạnh đó, công ty đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất trồng rừng khi chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền, chưa làm các thủ tục theo quy định. Thanh tra tỉnh còn chỉ ra những sai phạm liên quan đến quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản và chấp hành quy định pháp luật về thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
Quan điểm chỉ đạo, phương hướng của UBND tỉnh là tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường về nội dung, mô hình tổ chức sản xuất, quản lý sản phẩm và cơ chế, chính sách để đất đai, tài nguyên rừng phải thực sự có chủ quản lý. Trong đó, phải làm rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của người chủ được giao quản lý, sử dụng đất, giải quyết hòa hợp lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp và người lao động.
Ông Võ Hồng Dương, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, công tác sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh trong thời gian tới sẽ được UBND tỉnh thực hiện mạnh mẽ, phù hợp và đúng với chủ trương. UBND tỉnh đã giao cho các sở, ban, ngành trong thời gian tới tiến hành rà soát hiện trạng quản lý, sử dụng đất và thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động... của các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh. Sau khi có kết quả, nếu công ty nào thua lỗ thì có thể tiến hành giải thể, phá sản và giao lại đất cho địa phương quản lý hoặc giao cho các doanh nghiệp thực hiện dự án. Đối với những công ty có cơ sở chế biến hoạch toán độc lập thì xin chủ trương của Chính phủ chuyển sang cổ phần hóa.
Và phương án thứ 3 là thí điểm mô hình công ty TNHH 2 thành viên, đảm báo các nguyên tắc: Đất đai quản lý, sử dụng theo quy hoạch của địa phương; thực hiện thuê đất của Nhà nước và đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động. Hiện nay, UBND tỉnh đang từng bước thực hiện thí điểm chuyển đổi Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con thành công ty TNHH 2 thành viên có sự góp vốn của Công ty CP Mía đường Sông Con. Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Công văn số 1468/TTg-ĐMDN ngày 13/9/2013. Sau khi chuyển đổi, nếu mô hình đạt hiệu quả cao thì sẽ tiếp tục nhân rộng trên nhiều đơn vị khác.
Phạm Bằng