Bài cuối: Tiềm năng cần được “đánh thức”

27/06/2013 14:45

Hơn 134 km đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận 4 huyện của tỉnh Nghệ An được ví như cái “xương sống” để các địa phương vùng trung du miền núi phát triển kinh tế, xã hội. Người dân sinh sống hai bên con đường này đã biết khai thác tiềm năng để ổn định cuộc sống, như: trồng rừng, cây rau màu, mở mang dịch vụ… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho người dân lập nghiệp trên con đường này.

(Baonghean) - Hơn 134 km đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận 4 huyện của tỉnh Nghệ An được ví như cái “xương sống” để các địa phương vùng trung du miền núi phát triển kinh tế, xã hội. Người dân sinh sống hai bên con đường này đã biết khai thác tiềm năng để ổn định cuộc sống, như: trồng rừng, cây rau màu, mở mang dịch vụ… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho người dân lập nghiệp trên con đường này.

Tiềm năng lớn nhất, trước hết đó là diện tích đất lâm nghiệp rất lớn, để trồng rừng nguyên liệu. Hơn thập kỷ qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân các địa phương sống trên trục đường Hồ Chí Minh đã đầu tư, tích cực trồng rừng nguyên liệu. Trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm người trồng rừng khai thác một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn để bán cho các nhà máy chế biến gỗ ở Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Huyện Tân Kỳ mỗi năm trồng 1 nghìn ha rừng keo, tràm, tính đến nay toàn huyện đã có khoảng 10 nghìn ha rừng nguyên liệu. Nếu mỗi năm toàn huyện khai thác 1 nghìn ha rừng, thì khối lượng gỗ nguyên liệu có được là khoảng 70 nghìn m3 gỗ nguyên liệu. Trong số đó, người trồng rừng sẽ bán cho một số nhà máy bóc gỗ, công suất nhỏ tại địa phương, phần lớn còn lại là chủ rừng tự tìm kiếm nơi tiêu thụ.

Mạng lưới giao thông khá thuận lợi, người trồng rừng có thể thuê xe để vận chuyển gỗ đến các nhà máy chế biến gỗ lớn trong và ngoài tỉnh để bán nhập. Đó chính là sự phụ thuộc, cơ hội để các nhà máy ép giá, hoặc một nhóm người chuyên đi mua gỗ nguyên liệu ép giá ngay tại rừng. Người trồng rừng hiện có 2 hình thức bán. Một là mình tự khai thác, thuê ô tô vận chuyển bán trực tiếp cho nhà máy. Hai là người trồng rừng bán cả khu rừng cho thương lái, và thương lái tự khai thác, vận chuyển. Tại sao lại phải bán theo hình thức thứ 2? Người dân cho biết, nguyên nhân là người trồng rừng không có điều kiện về nhân lực, phương tiện để khai thác, cộng với nhà máy quá xa nên người trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn.



Một góc chợ tạm bợ tại ngã 5, xã Hạnh Lâm - Thanh Chương.

Có lẽ, do nắm bắt được tiềm năng rừng nguyên liệu lớn trên trục đường Hồ Chí Minh, nên Tổng Công ty Thành Nam – Ninh Bình đã đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa), đoạn giáp ranh giữa Thanh Hóa với Nghệ An. Hoạt động của nhà máy trong những năm qua, đã giải quyết việc làm trực tiếp cho hàng trăm lao động tại nhà máy và hàng nghìn lao động gián tiếp, là người trồng rừng và đội ngũ khai thác rừng. Người trồng rừng của các huyện dọc đường Hồ Chí Minh của tỉnh ta đang ao ước có nhà máy chế biến gỗ công nghiệp tầm cỡ ngay tại địa phương mình.

Trong những ngày trải nghiệm trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt gặp rất nhiều ông chủ thu hoạch rừng trong tâm trạng không mấy vui vẻ, bởi giá gỗ đang xuống. Một chủ rừng tên Cường, ở xã Thanh Hương (Thanh Chương) bộc bạch: “Gia đình có hơn 2 ha rừng tràm, trồng cách đây 7 năm. Nghe lời giới thiệu của hàng xóm, tôi đánh đường trực tiếp đến một số nhà máy trong và ngoài tỉnh để tham khảo giá. Sau khi nắm được giá bán 960 nghìn đồng/tấn tại Nhà máy chế biến gỗ ở Cửa Lò, tôi thuê 4 nhân công khai thác, bóc vỏ và thuê xe ô tô vận chuyển gỗ xuống bán cho nhà máy”. Tính ra, mỗi chuyến ô tô chở được 13 tấn, trừ các khoản chi phí cho chủ xe, chủ rừng chỉ còn 7 triệu đồng. Hơn 2 ha rừng keo, sau 7 năm trồng và chăm sóc, gia đình ông Cường ước lãi khoảng 80 – 90 triệu đồng. Gạt những giọt mồ hôi lăn trên gò má, ông Cường cho biết thêm: “Nếu trên tuyến đường Hồ Chí Minh có nhà máy chế biến gỗ công nghiệp công suất lớn thì người trồng rừng chúng tôi bớt vất vả hơn nhiều và thu nhập từ nghề rừng sẽ cao hơn. Đó cũng là niềm mong ước của những người trồng rừng trên các huyện trung du miền núi này!”.



Người trồng rừng phải tự lo đầu ra cho gỗ nguyên liệu.

Các huyện trung du, miền núi của tỉnh ta có thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc và các mặt hàng nông sản khác. Thế nhưng, trên suốt chặng đường Hồ Chí Minh qua 4 huyện nói trên, chưa có chợ đầu mối tiêu thụ đại gia súc và nông sản có quy mô lớn. Huyện Tân Kỳ là địa phương có tổng đàn trâu bò nhất nhì tỉnh, với hơn 24 nghìn con. Vậy mà nhiều năm qua huyện Tân Kỳ có kế hoạch xây dựng chợ trâu bò, đến nay vẫn chưa xây được. Huyện Tân Kỳ có mạng lưới giao thông thuận lợi thông suốt từ Bắc vào Nam bằng đường Hồ Chí Minh, có các tuyến đường tỉnh lộ nối các huyện lân cận, đi Vinh. Người dân Tân Kỳ có kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò hàng hóa. Do vậy, việc thành lập chợ trâu bò ở Tân Kỳ là rất cần thiết.

Điều mà chúng tôi thấy đáng quan tâm nữa là mạng lưới giao thông xương cá nối với đường Hồ Chí Minh chưa được các địa phương chú trọng đầu tư, dẫn đến nhiều đoạn đường dài cả chục km không có khu dân cư. Xã Thanh Xuân (Thanh Chương) là địa bàn giáp ranh với địa phận tỉnh Hà Tĩnh, nhìn bề ngoài đã có sự khác biệt giữa 2 địa phương. Bên kia là xã Sơn Tiến (Hương Sơn - Hà Tĩnh), dân cư sinh sống hai bên đường Hồ Chí Minh đông đúc, hàng quán và các dịch vụ khác sôi động, còn bên này là xã Thanh Xuân (Thanh Chương – Nghệ An) rất ít người dân sống bám đường Hồ Chí Minh.

Có chăng, cũng chỉ là những gia đình làm nông nghiệp từ bao đời nay, không kinh doanh, dịch vụ gì. Rẽ vào lối mòn theo chỉ dẫn của tấm biển báo giao thông, chúng tôi tìm đường về trụ sở xã Thanh Xuân. Phải vất vả lắm, chiếc xe máy của chúng tôi mới bươn qua đoạn đường dài chừng 3 km đất đá, ghập ghềnh nối với tuyến đường nhựa đến trụ sở UBND xã. Nói về khai thác tiềm năng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Khánh Thành - Chủ tịch UBND xã, nói: Đoạn đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận xã Thanh Xuân dài 5,6 km, thực tế, địa phương chưa khai thác được lợi thế đó.

Tìm hiểu nguyên nhân, ông Thành thừa nhận, các tuyến đường xương cá nối với đường Hồ Chí Minh chưa được đầu tư cứng hóa nên đi lại khó khăn, người dân không muốn lên lập nghiệp hai bên đường Hồ Chí Minh. Ngay cả mạng lưới điện quốc gia từ trung tâm xã lên đường Hồ Chí Minh cũng rất kém, chất lượng điện yếu, không đáp ứng nhu cầu kinh doanh dịch vụ. Một số người dân của xã Thanh Xuân hiện đang sinh sống hai bên đường Hồ Chí Minh, cho biết: Địa phương cần đầu tư đổ nhựa tuyến đường 533 từ UBND xã nối với đường Hồ Chí Minh, thì người dân mới có cơ hội lên đây lập nghiệp.

Quan sát, thấy đoạn qua địa phận xã Thanh Xuân, diện tích chè công nghiệp rất ít, chủ yếu là sắn và rừng keo, trong khi đó, các địa phương lân cận: Thanh Mai, Thanh Tùng, Thanh Hà… chủ yếu là trồng chè công nghiệp. Ông Thành lý giải: Đặc điểm đất đồi của Thanh Xuân là đất pha sỏi, không phù hợp với cây chè, nên từ lâu người dân trồng chè rất ít, mà chuyên trồng keo và sắn. Hiện diện tích sắn của địa phương có 230 ha và hơn 800 ha keo. Tuy nhiên, về định hướng phát triển kinh tế, Thanh Xuân đánh giá cây chè là cây cho thu nhập cao nhất. Bởi thế, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, địa phương quy hoạch trồng 175 ha chè công nghiệp, đồng thời tiếp tục đầu tư đường, điện lên tuyến đường Hồ Chí Minh để khuyến khích người dân lên lập nghiệp, khai thác tiềm năng hai bên đường Hồ Chí Minh. Hoặc như xã Thanh Mai (Thanh Chương) hiện nay chưa có một mét đường nhựa nào ngoài đường Hồ Chí Minh đi qua, do vậy đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã dân cư thưa thớt.

Qua những ngày trải nghiệm trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi có suy nghĩ, ở địa phương nào mà hệ thống giao thông xương cá nối với đường Hồ Chí Minh thuận lợi, có mạng lưới điện quốc gia chất lượng tốt, thì ở đó dân cư ở đông đúc, các loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng. Còn không thì sẽ ngược lại. Do vậy, để khai thác tiềm năm lớn trên tuyến đường Hồ Chí Minh, các địa phương cần quan tâm đến 2 yếu tố này.

Đầu năm 2013, Công ty Cổ phần công nghiệp Tháng Năm, với sự tư vấn đầu tư của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An tại Khu công nghiệp huyện Nghĩa Đàn. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, có công suất 8.800 m3 gỗ thanh/năm và 400.000 m3 ván sợi/năm, dự kiến đi vào hoạt động trong quý I năm 2014. Đây là nhà máy chế biến gỗ lớn nhất và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Sau khi đưa vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ là nơi tiêu thụ một khối lượng gỗ nguyên liệu rất lớn, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm rừng trồng nguyên liệu, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trực tiếp và lao động trồng rừng nguyên liệu. Các huyện trung du miền núi Nghệ An có thể xem đây là cơ hội để khai thác đất lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập cho người dân...


Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng