Giá sữa vào vòng kiểm soát ?

09/11/2013 17:36

(Baonghean) - Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngày 4/10/2013 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30/2013/TT-BYT về việc đưa các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-36 tháng tuổi, sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung... vào danh mục hàng hóa phải bình ổn giá do Bộ Tài chính quản lý. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/11/2013.

Thời gian qua đã có không ít thông tư, nghị định để quản lý mặt hàng này, đặc biệt là về giá. Tuy nhiên, lợi dụng "kẽ hở" của luật, theo quy định doanh nghiệp được tự quyết định về giá nhưng mỗi lần không được phép tăng quá 20%, các doanh nghiệp kinh doanh sữa đã "chia nhỏ", mức điều chỉnh tăng (từ 3-19%). Khi quy định mặt hàng sữa nằm trong danh mục hàng bình ổn theo quy định của Luật Giá, doanh nghiệp lại "lách" bằng cách đổi tên gọi sản phẩm từ sữa bằng các tên "sản phẩm dinh dưỡng", "thực phẩm bổ sung", "sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao"... Chính vì thế, tính trung bình 1 năm các hãng sữa ngoại đều có tăng giá từ 2- 3 lần, mỗi lần không quá 20% để không chịu sự kiểm soát về giá của các cơ quan chức năng. Các hãng sữa chỉ có tăng mà không hề giảm, còn người tiêu dùng bị "móc túi" khi chính họ luôn cố tìm mua sản phẩm được quảng cáo "kêu" nhất và có "hiệu ứng đám đông" cao nhất cho con mình. Điều này khiến cho các hãng sữa ngoại thoải mái "làm mưa làm gió" trên thị trường...

Khách hàng chọn mua sữa bột ở Siêu thị BigC Vinh.
Khách hàng chọn mua sữa bột ở Siêu thị BigC Vinh.

Dù rằng giá sữa ngoại nhập cao gấp hơn 2 lần sữa nội, nhưng ở thị trường thành phố Vinh, phân khúc sữa bột vẫn được coi là "sân chơi chính" của các hãng sữa ngoại. Sau động thái siết chặt quản lý của các bộ, ngành đã không ít người tiêu dùng, đặc biệt là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ quan tâm. Chị Nguyễn Thu Hà- Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc III cho biết: "Hằng tháng 2 bé nhà tôi uống hết hơn 3 hộp sữa loại 900 gam, tính ra hết khoảng 1,8 triệu đồng. Mỗi khi các hãng sữa điều chỉnh tăng giá số tiền phụ trội cũng không phải là ít. Mong rằng khi Thông tư có hiệu lực giá sữa bột sẽ nhanh chóng được "quản" và giảm"...

Tuy nhiên, theo khảo sát tại một số cửa hàng bán sản phẩm sữa trên địa bàn TP. Vinh, nhìn chung giá sữa dành cho trẻ chưa có sự biến chuyển; giá các mặt hàng sữa ngoại vẫn còn cao và đang đứng ở mức tăng của tháng 8/2013 (tăng từ 8- 15% so với giá tháng 3); giá cụ thể ở một số sản phẩm như: sữa Frisolac 900g 524.000 đồng/hộp, Similac IQ 900g 530.000 đồng/hộp, I'm Mother 800g 643.000 đồng/hộp, Enfamil A+ 490.000 đồng/hộp, Nan số 2 800g 380.000 đồng/hộp... Và hầu hết các cửa hàng sữa trên địa bàn thành phố đều là đại lý cấp 3, 4, giá bán theo giá niêm yết và phụ thuộc vào nhà phân phối.

Chị Trần Thị Mây - chủ một đại lý sữa trên đường Hồ Tùng Mậu (TP.Vinh) cho biết thêm: "Sữa ngoại hiện chỉ bán chậm hơn so với trước chứ giá vẫn giữ nguyên, không hề giảm. Các nhà phân phối thường chiết khấu cho đại lý từ 5 -12%. Là đại lý bán lẻ, chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng quản lý giá sữa ổn định. Bởi nếu các nhà nhập khẩu sữa liên tục tăng giá thì bản thân người kinh doanh như chúng tôi cũng gặp khó. Vì một hộp sữa ngoại nhập có giá gấp đôi sữa trong nước nên thời gian qua, không ít người tiêu dùng đã lựa chọn sữa nội để cân đối nguồn chi tiêu trong gia đình ".

Sữa là 1 trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá, trong đó nhiều dòng sữa ngoại chiếm trên 70% thị phần. Theo công bố mới đây của ngành Hải quan về giá sữa ngoại tháng 8/2013, sữa Netsle Kinder nhập về giá 105.500 đồng/hộp, sữa Similac Go&Grow 105.500 đồng/hộp, sữa Enfatoodler 84.400 đồng/hộp nhưng lại được bán với mức giá "trên trời" lần lượt là 950.000 đồng, 670.000 đồng và 590.000 đồng/hộp... Và theo thống kê của phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trung bình mỗi năm có từ 2- 3 đợt tăng giá sữa, giá chênh lệch tăng mỗi lần từ 5- 10%, có loại tăng đến 13- 15%. Riêng từ đầu năm 2013 tới nay cũng đã có 2 lần tăng giá, với mức tăng từ 8- 13%, tùy theo từng loại sản phẩm.

Nếu trước đây, chỉ những sản phẩm sữa mới được quản lý giá thì nay các sản phẩm sữa và thực phẩm bổ sung cũng thuộc diện hàng bình ổn giá. Đó là điểm mới được bổ sung trong Thông tư 30 do Bộ Y tế vừa ban hành. Nhằm quản lý tốt giá sữa và sản phẩm sữa theo quy định của Luật Giá trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 7405/UBND-KTTH ngày 18/10/2013 chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các ban, ngành chức năng (Công thương, Y tế, Cục Thuế, Cục Hải quan, Công an, Quản lý thị trường...) tăng cường kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lưu thông mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; chú trọng kiểm soát chất lượng gắn với giá cả từng mặt hàng.

Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện kê khai giá ngay khi thông tư có hiệu lực thi hành và thực hiện kê khai giá khi có điều chỉnh giá trước khi bán trên thị trường... Đồng thời xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về giá theo thẩm quyền.

Theo lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh, Chi cục sẽ phối hợp với Sở Tài chính và Sở Y tế tập trung kiểm tra nguồn gốc các loại sữa đảm bảo về hoá đơn, chứng từ, nhãn mác đúng theo quy định; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các chủ đại lý sữa. Và việc kiểm tra giá sữa hiện nay cũng chỉ kiểm soát được giá thương mại. Bởi trên thị trường Nghệ An không có nhà sản xuất, cũng như nhà nhập khẩu, chỉ có các doanh nghiệp là đại lý phân phối lớn của các hãng sữa. Và hầu hết các doanh nghiệp này cũng chỉ kê khai theo giá thương mại, hưởng theo giá chiết khấu từ đơn vị nhập khẩu. Lãnh đạo Sở Tài chính cũng cho biết, sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra việc kê khai giá và niêm yết giá, rà soát các yếu tố tăng giá khi điều chỉnh giá đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu phát hiện vi phạm các quy định pháp luật về giá thì xử lý theo thẩm quyền và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng...

Thông tin trên đem tới nhiều hy vọng trong việc bình ổn giá sữa dành cho trẻ em. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn đặt ra một số nghi ngại, như liệu khâu phối hợp kiểm tra có được thường xuyên hay lại theo kiểu phong trào nổi lên một thời gian rồi đâu lại hoàn đấy. Chế tài xử lý khi phát hiện sai phạm có đủ mạnh hay lại theo kiểu "giơ cao đánh khẽ ?".

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có công văn yêu cầu 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa kê khai giá và báo cáo về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trước ngày 25/11 gồm: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (sữa Abbot), Công ty TNHH sữa Nestle Việt Nam, Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam và Công ty CP Thương mại và Phát triển ORGANIC Việt Nam; các đơn vị kê khai giá ngay khi thông tư có hiệu lực. Đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã điều chỉnh tăng, giảm giá thời gian từ đầu năm 2013, các doanh nghiệp phải báo cáo và giải trình các yếu tố tăng, giảm theo mẫu kèm theo...

Bài, ảnh: Ngọc Anh