Bơm 40.000 tỷ đồng tín dụng vào nền kinh tế mỗi tháng

14/06/2013 17:50

Để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, từ nay đến cuối năm Chính phủ phấn đấu đưa khoảng 40.000 tỷ đồng tín dụng mỗi tháng, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ bất động sản...

Là thành viên cuối cùng của Chính phủ đăng đàn trong phiên trả lời chất vấn chiều 14/6 tại Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành khoảng 20 phút để trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ cần quan tâm trong thời gian tới.

Phó thủ tướng cho biết sẽ có khoảng 40.000 tỷ đồng tín dụng được đưa vào nền kinh tế mỗi tháng. Ảnh: Hoàng Hà

Theo đánh giá của Chính phủ, sau 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản chuyển biến tích cực, CPI tăng thấp, xuất nhập khẩu, tín dụng có cải thiện. Trong thời gian còn lại của năm 2013, cơ quan điều hành khẳng định sẽ kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra.

Riêng đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, báo cáo do Phó thủ tướng trình bày nhấn mạnh tới giải pháp về tín dụng, trong đó chủ trương tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới, ưu tiên vốn cho sản xuất, các dự án, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Cụ thể, Chính phủ cho biết sẽ cố gắng điều hành để mỗi tháng đưa khoảng 40.000 tỷ đồng vốn tín dụng vào nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay. 5 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng chưa đầy 3%.

Nhận định việc triển khai gói hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà trị giá 30.000 tỷ đồng còn chậm, đại diện Chính phủ cho biết sẽ cố gắng giải ngân khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng trong năm nay. Song song với quá trình này, Chính phủ cũng đặt mục tiêu cho ngành ngân hàng giải quyết khoảng 105.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay.

Theo thông báo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đã có khoảng 20 đại biểu chờ sẵn để chất vấn Phó thủ tướng ngay sau phần báo cáo nêu trên. Những cái tên như Nguyễn Bá Thuyền, Lê Như Tiến , Nguyễn Thái Học hay Trần Du Lịch... phần nào cho thấy mức độ hóc búa của các câu hỏi. Hầu hết các đại biểu đều muốn đại diện Chính phủ làm rõ vẫn đề trách nhiệm cá nhân, lợi ích nhóm trong quá trình điều hành.

Bức xúc với tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế còn quá chậm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị Phó thủ tướng làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp cũng như trả lời cử chi về việc liệu lợi ích nhóm có phải là lực cản lớn đối với quá trình này.

Đáp lại, đại diện Chính phủ nêu khá rõ 4 nguyên nhân gây cản trở, bao gồm thể chế, thị trường tài chính khó khăn, nguồn nhân lực và điều hành. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nêu rõ quá trình này đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc đổi mới đầu tư công, phê duyệt các đề án tái cơ cấu tập đoàn, sắp xếp lại các nhà băng.

Thừa nhận những khiếm khuyết khi thực tế điều hành còn chưa quyết liệt, đại diện Chính phủ nhận định: "Bên cạnh những yếu tố khách quan, quá trình tái cơ cấu chậm có nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của chúng tôi, các ngành, các địa phương...". Tuy nhiên, phần trả lời của Phó thủ tướng chưa đề cập đến vấn đề lợi ích nhóm như đại biểu mong muốn.

Không đồng tình với việc dùng từ "chúng tôi" khi nhắc tới trách nhiệm, đại biểu Lê Như Tiến đề nghị Phó thủ tướng sử dụng từ tôi để đánh giá về những công việc đã làm được trên lĩnh vực được phân công sau một nửa nhiệm kỳ, bởi theo ông bản chất của chất vấn nghị trường là đi tìm trách nhiệm cá nhân.

Đáp lại yêu cầu này, Phó thủ tướng đã "điểm danh" 4 lĩnh vực được phân công phụ trách, bao gồm phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo, đảm bảo an toàn giao thông và xây dựng thế chế với những kết quả khá tích cực trong thời gian qua. "Đối với các lĩnh vực mà chúng tôi phụ trách, cũng có những sự cố gắng. Chúng tôi tâm huyết nhất là việc giải quyết khiếu nại tố cáo đã kéo dài nhiều năm đã giảm một cách căn bản", ông nói.


Theo VnExpress- TH