Sắm hàng mã: Quan trọng là lòng thành
(Baonghean.vn) - Chỉ còn vài ngày nữa là đến rằm tháng 7, nhà nhà đã chuẩn bị sắm lễ bạc lòng thành để “xá tội vong nhân”. Tuy nhiên, thời buổi kinh tế trầm lắng, cùng với nhận thức người dân trong thực hành tiết kiệm việc cúng lễ cho người âm năm nay đạm bạc hơn.
Vốn là nơi đổ sỷ cho các chợ bán lẻ, thường những ngày này ở chợ Vinh tại gian hàng mã đã nhộn nhịp kẻ bán người mua, nhưng đã đến mồng 10 lịch ta mà không khí ở đây vẫn trầm lắng. Người mua thưa thớt, người bán thảnh thơi ra vào, hễ gặp khách thì mời chào đon đả “con ơi con lấy chi bà lấy cho, hàng bà chi cũng có mà giá lại phải chăng!” Người mua cũng chỉ đóng dăm ba bộ quần áo, vải vóc, tiền vàng vài đinh, gọi là hơn ngày tuần một tý. Chị Hiền một khách hàng nói: “Năm nay chỉ sắm lễ thường thường thôi, miễn là đủ quần áo vải vóc cho ông bà tổ tiên, mà giờ cũng không nên đốt nhiều cơ bản là ở cái tâm của mình chứ”.
Gian hàng mã tại chợ Vinh thưa thớt khách
Theo bà Tâm - một tiểu thương ngót ngét hai chục năm buôn bán hàng mã cho biết: “Nếu năm trước từ ngày mồng, dân tình đã đi mua đông đúc, tôi phải huy động 2 đứa con gái ra giúp, mỗi ngày phải bán được hàng chục triệu thì năm nay đến mồng 10 mà chỉ bán được vài triệu tiền hàng, ế quá o nà.” Hỏi bà năm nay ế thì có lỗ vốn không bởi cỗ hàng đặc trưng cho mùa vu lan đã nhập về nếu không bán được thì có trả lại được không bà nói: “Hàng đã đặt hơn cả tháng nay và không có chuyện trả lại, nhưng được cái hàng này bán không hết thì có thể để lại năm sau hoặc có người quen làm thầy cúng thì có thể nhờ họ lấy giúp cho, nhưng cũng phải chịu để rẻ, thế là cũng lỗ rồi.” Theo bà Tâm thì năm nay giá nhập vào có tăng nhẹ khoảng từ 5-10% nhưng bán ra lại phải giữ giá, vì tâm lý ai cũng muốn bán rẻ để kích cầu.
Cũng như các năm trước, tiền vàng rất đa dạng, một đĩa tiền vàng loại rẻ chỉ có giá 2.000 thế nhưng một đinh tiền vàng gồm tiền giấy âm phủ, đô la âm phủ, tiền 500.000 VNĐ có giá lên tới 40.000 đồng. Trần sao âm vậy, hàng mã dùng để hóa trong ngày lễ vu lan rất phong phú. Mỗi một bộ quần áo trung bình giá khoảng từ 20 đến 30 nghìn, có đủ các loại váy công sở, quần bò... Đồ gia dụng có bếp gas, nồi cơm điện tầm 20 – 40.000đ; Xe máy loại bình thường từ 70 – 100.000đ, có loại mẫu mã mới hơn, đẹp hơn thì 150.000đ. Nhưng bên cạnh đó, cũng có loại xe máy làm đơn giản với khung hình nhỏ thì chỉ khoảng 20 – 40.000đ. Giá xe ô tô đắt hơn, mỗi chiếc giá từ 150 – 300.000đ tùy từng loại. Nhà ở cũng vậy, cũng có cái chỉ trên dưới 200.000đ.
Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, mặt khác nhận thức người dân cũng đã thay đổi, cho rằng quan trọng là cái tâm nên hàng khủng có giá cao như ô tô, máy bay... ít người hỏi mua. Loại trọn bộ đầy đủ gần hết các vật dụng cần thiết trong nhà như giường, tủ, bàn ghế, bát đũa, ấm chén… và giá thì rẻ hơn được nhiều người lựa chọn hơn cả. Nhiều tiểu thương cũng đã đoán định được trước nên chỉ lấy cho đầy đủ cỗ lễ nhỡ có người hỏi mà không có thì mất uy.
Không chỉ là những ghi nhận từ những chợ đầu mối, chợ bán lẻ mà năm nay tại các đền chùa việc đốt vàng mã “xá tội vong nhân” của du khách cũng có phần khiêm tốn hơn các năm trước. Tại Đền Hồng Sơn, du khách vào thắp hương thường tiến một cỗ lễ gồm tiền vàng, ngũ phương, vải vóc và một ít lễ ngọt. Nếu nhà nào có người đã khuất vì lý do nào đó được gửi lên cửa chùa thì sắm cỗ lễ đầy đủ hơn, thiết thực hơn. Chị Phượng ở tận Đô Lương xuống Đền nhờ thầy tiến lễ và cầu cho hồn con gái nhỏ của chị được siêu thoát. Cỗ của chị có những vật dụng như: váy áo nhiều tầng, gối ôm, búp bê để gửi gắm vào đó tình yêu thương, sự tiếc nuối cô con gái xấu số.
Đa số người dân chỉ sắm lễ bạc lòng thành
Chị chia sẻ: “Cháu mất khi còn bé quá, người ta bảo vào gửi cửa đền thì sẽ được siêu thoát, sẽ được làm cô hầu nên cứ đến ngày này tôi lại vào Đền để gửi cho cháu ít đồ vật. Năm ngoái tôi sắm cho cháu rất nhiều có cả ngựa hồng, nhà lầu nhiều tầng nhưng năm nay thầy chỉ cho đốt ít lễ thôi vả lại nghĩ cũng thấy phí cháu nó nương nhờ của đền thì cần gì nhà cửa...”
Nhìn quanh, người ra vào của Đền hôm nay cũng không rảnh nhưng không ai đội nhiều lễ như mọi năm. Ông Nguyễn Công Tiến - Ban quản lý Đền Hồng Sơn cho biết: “Nhà Đền thực hiện công văn của phòng văn hóa nên yêu cầu các thầy không được để du khách tiến nhiều lễ bằng hàng mã. Nếu thầy nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm, nên cô thấy không, Đền chỉ có một lò hóa mà từ sáng đến chiều chưa phải đáo tro đấy”.
Lò hóa tại nhà Đền không bị quá tải
Nếu những năm trước thì những ngày này đã thấy trên các tuyến đường, ngõ phố dân chúng thi nhau hóa nhà lầu, ti vi, tủ lạnh bằng giấy thì năm nay hiện tượng đó giảm hẳn. Ông Trần Văn Lộc khối trưởng khối Tân Hợp – Hưng Dũng cho biết: “Mấy năm trước, bắt đầu từ mồng 10 rất nhiều nhà đã đốt bội cho ông bà. Nhà ít thì một mâm đầy ú giấy tờ xanh đỏ, nhỏ to, nhà nhiều thì để tràn cả sân, nào nhà cửa xe cộ, thôi thì đỏ rừng rực, tôi phát hoảng, phải thông báo yêu cầu dân tưới nước, tránh hoả hoạn. Mà răng năm nay không thấy bà con đốt mấy?! ” Ông Lộc còn cho biết suốt ba ngày nay sáng nào trên bản tin phát thanh của khối Tân Hợp cũng có thông báo: chống lãng phí trong việc đốt vàng mã và khuyến cáo các nguy cơ có thể xảy ra hỏa hoạn nếu người dân bất cẩn.
Bộ VHTT&DL đã có Thông tư số 04 /2009/TT-BVHTTDL và 09/2010/TT-BVHTTDL hướng dẫn các Sở VHTT&DL và Sở VHTT&DL các tỉnh đã có công văn gửi các Phòng VHTT&DL các huyện thị phổ biến quy định tổ chức lễ hội, các nơi thờ cúng, chỉ đạo và phổ biến quy định trên cần chủ động phối hợp với các ngành có liên quan cùng thực hiện. Trong Thông tư số 04, 09 của Bộ VHTT&DL có đề cập đến hành vi đốt đồ mã tại các lễ hội, nơi công cộng, ngày rằm, mùng một hàng tháng đề cao ý thức chấp hành của nhân dân cần xử phạt theo quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ nhằm đưa quy định của pháp luật vào đời sống, ngăn chặn các hành vi gây tác động xấu trong xã hội. Làm lành mạnh môi trường văn hóa và hoạt động văn hóa. |
Thanh Nga