Tướng Giáp và đại thắng Mùa Xuân 1975
(Baonghean) - Vào những năm 1973, 1974, cục diện trên chiến trường thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho Cách mạng; tình hình trong và ngoài nước cũng xuất hiện những điều kiện cho thấy thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam bắt đầu chín muồi.
Trước tình hình đó, đầu tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và đặt mục tiêu giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 – 1976, nếu thời cơ đến sớm sẽ hoàn thành trong năm 1975. Ngay sau đó, ngày 9/1/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì cuộc họp thường trực Quân ủy Trung ương mở rộng để quán triệt tinh thần nghị quyết trên của Bộ Chính trị. Cuộc họp quan trọng này đã đưa đến quyết định, mở chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Buôn Mê Thuột và các vùng phụ cận. Trước đó, sau khi nghiên cứu ý kiến của các tướng lĩnh, Đại tướng đề xuất lên Bộ Chính trị chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược.
Sau khi thảo luận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận hội nghị. Đại tướng xác định khu vực và mục tiêu tiến công, nhiệm vụ chiến dịch, gợi ý về cách đánh, nhấn mạnh đến phương châm bí mật, bất ngờ, táo bạo, đồng thời phải tổ chức nghi binh để làm cho địch tập trung sự chú ý vào việc bảo vệ phía bắc Tây Nguyên. Đồng chí cũng đặc biệt quan tâm đến công tác hậu cần nhằm phục vụ chiến dịch một cách có hiệu quả nhất.
Chiến dịch Tây Nguyên mở màn vào rạng sáng 10/3/1975, quân ta dội những trận bão lửa sấm sét vào đầu địch, khiến chúng hết sức bất ngờ và hoảng loạn. Một ngày sau, quân ta làm chủ Thị xã Buôn Mê Thuột, mắt xích quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng thủ có vị trí chiến lược quan trọng của địch bị phá vỡ. Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược này không chỉ làm nức lòng quân và dân cả nước mà còn làm cho bọn cố vấn Mỹ và ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn lâm vào thế hoang mang bị động.
Trong lúc đó, gần như đồng thời Chiến dịch Huế - Đà Nẵng cũng được phát động vào ngày 5/3. Và với tinh thần tấn công như vũ bão, quân và dân ta liên tiếp giải phóng hai thành phố Huế, Đà Nẵng chỉ trong 3 ngày. Với thế chẻ tre, chỉ trong vòng 1 tháng, với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta giải phóng hầu hết các đô thị dọc Quốc lộ 1; liên tiếp xuyên qua các tuyến phòng thủ của địch, trong đó có các tuyến phòng thủ hết sức kiên cố ở Phan Rang, Xuân Lộc.
Tư liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang cùng Bộ Tư lệnh QĐND VN vạch kế hoạch thực hiện cuộc Tổng tấn công Mùa Xuân 1975. |
Theo dõi sát sao diễn biến của chiến trường từng giờ từng phút, nhận thấy cơ hội ngàn năm có một đã đến, ngày 7/4/1975, thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng gửi điện mật vào miền Nam với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và quyết thắng”. Ngay sau đó, trên chiến trường, hai chữ “thần tốc” được các chiến sĩ khắc lên báng súng, lên vách đá, viết lên mũ, lên ba lô bừng bừng xung trận với khí thế long trời lở đất. Tất cả các hướng quân nhằm hướng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của Mỹ ngụy như triều dâng, thác chảy.
Đại tướng khẳng định, thời cơ lúc này đối với ta thuận lợi về nhiều mặt, cho phép nhanh chóng bắt đầu cuộc tổng công kích vào Sài Gòn. Nhận thấy thời khắc lịch sử đã cận kề, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn chấp nhận đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lấy tên Chiến dịch Hồ Chí Minh đặt cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, Bí thư Trung ương Cục Miền Nam Phạm Hùng là Chính ủy và các tướng Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh đã hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình.
Các cộng sự thân cận của Đại tướng kể lại rằng, đêm 28/4/1975, là một đêm thức trắng của cơ quan Tổng hành dinh. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương không ai ngủ được. Những người nắm được kế hoạch cụ thể của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đều cùng thức với chiến trường, đón giờ “G” của trận Tổng công kích vào Sài Gòn như đón phút giao thừa của lịch sử.
Với 5 cánh quân gồm 20 sư đoàn do các tướng lĩnh mưu lược chỉ huy rầm rập kéo vào Sài Gòn trong sự chống cự yếu ớt, hoảng loạn của địch.
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Chính quyền ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Cách mạng. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông được thu về một mối.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “Quân đội nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam và Bắc như Bác Hồ nói là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần chiến đấu cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ”.
Chính sự khiêm tốn đó càng làm cho Đại tướng trở thành một danh tướng. Trong cuốn sách “Những vị tướng lừng danh”, Townson khẳng định “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng thế giới của mọi thời đại, những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”. Còn nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay trong tác phẩm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thiên tài của Việt Nam” đã viết những dòng đầy ngưỡng mộ “Tướng Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang thiết bị, thiếu nguồn tài chính. Dù mới đầu trong tay chưa có quân mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân Nhật, quân đội Pháp và quân đội Mỹ. Ông Giáp là chuyện hy hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân…, là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”.
Lê Thạch Vĩnh (Tổng hợp)