Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS

24/09/2013 19:00

Ngày 24-9, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm và Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Tăng cường sự tham gia và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

Ngày 24-9, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm và Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Tăng cường sự tham gia và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Theo đánh giá của các cơ quan hữu quan, tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay vẫn trong giai đoạn tập trung, với tỷ lệ người nhiễm cao, nhất là trong những người tiêm chích ma túy, phụ nữ hoạt động mãi dâm và nam tình dục đồng giới.

Tuy nhiên, thời gian tới, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức với việc duy trì sự bền vững của những kết quả đã đạt được khi các nhà tài trợ giảm nguồn lực đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, cũng theo dự báo, đến năm 2015, tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn là đường lây nhiễm HIV chủ yếu tại Việt Nam. Vì vậy, sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức dựa vào cộng đồng là một trong những chiến lược tích cực, quan trọng nhất trong công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.



Quang cảnh buổi hội thảo.

PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết thêm: Một thách thức lớn nhất là tình hình HIV/AIDS hiện nay vẫn còn nhiều nan giải, đặc biệt là xu hướng gia tăng lây truyền HIV qua đường tình dục và ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi biên giới. Trong khi đó, công tác phòng, chống lây nhiễm HIV vẫn còn gặp không ít vướng mắc về mặt pháp lý như việc kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong cộng đồng, kể cả trong hệ thống y tế, còn cao. Do đó, phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và cần thiết có sự phối hợp liên ngành giữa ngành y tế, cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương với các tổ chức xã hội, bao gồm cả các tổ chức dựa vào cộng đồng, các đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp...

Đánh giá về hiệu quả của những hoạt động này, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các tổ chức xã hội và các tổ chức dựa vào cộng đồng là lực lượng không thể thiếu đối với công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, bởi vì họ là người trực tiếp đưa các dịch vụ, kiến thức về HIV/AIDS đến cộng đồng dân cư. Những hoạt động này hiện đang mang lại những kết quả khả quan, hiệu quả. Đến nay, các tổ chức xã hội đã và đang tham gia ngày càng tích cực hơn trong ứng phó với HIV, đặc biệt trong can thiệp trực tiếp ở cộng đồng, cung cấp các dịch vụ và vận động chính sách.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, sự tham gia của các tổ chức này còn tản mạn và chưa đồng đều, chủ yếu mang tính tự phát. Bên cạnh đó, các tổ chức trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, năng lực tổ chức, quản lý điều hành, thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Do đó, việc đưa ra khung pháp lý cho các tổ chức hoạt động, vấn đề chi trả của Nhà nước cho các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS và giới thiệu chiến lược tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong hoạt động này là rất cần thiết và có tác dụng tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay.


Theo QĐND-ĐP