Được và chưa được
(Baonghean) - Thực hiện Hướng dẫn số 38-HD/BTCTƯ, ngày 9/3/2010 của Ban Tổ chức Trung ương về “Xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức đảng”, Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy đã tiến hành sắp xếp các tổ chức đảng theo mô hình Đảng bộ cơ quan đảng - đoàn cấp huyện. Tuy nhiên, thực tiễn sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình này đang bộc lộ khá nhiều bất cập, gây khó khăn cho cơ sở…
Những bất cập
Tính đến tháng 8 năm 2013 toàn tỉnh có 19 huyện, thành, thị thành lập đảng bộ cơ quan đảng - đoàn thể cấp huyện với 162 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 1.005 đảng viên. Riêng 2 huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn không thực hiện theo mô hình đảng bộ cơ quan đảng – đoàn cấp huyện mà tổ chức thành 2 đảng bộ và 1 chi bộ cơ sở. Qua mô hình đảng bộ cơ quan đảng – đoàn thể tại 19 địa phương cho thấy đã đạt được mục tiêu sắp xếp, thu gọn đầu mối TCCSĐ trực thuộc huyện ủy, từ 7 TCCSĐ (gồm đảng bộ huyện ủy, chi bộ MTTQ, chi bộ hội nông dân, chi bộ hội phụ nữ, chi bộ huyện đoàn, chi bộ hội cựu chiến binh, chi bộ LĐLĐ tỉnh), nay chỉ còn 1 đảng bộ trực thuộc huyện ủy.
Và khi được tập trung về một đầu mối tạo thuận lợi trong việc tổ chức quán triệt, học tập chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương của cấp ủy huyện, thông tin thời sự chính sách đến đảng viên một cách kịp thời hơn. Về mặt cơ cấu tổ chức ở mô hình này, đồng chí phó bí thư thường trực huyện ủy hoặc là các đồng chí ủy viên BTV huyện ủy, trưởng các ban đảng làm bí thư đảng ủy; các đồng chí ủy viên BTV, trưởng, phó các ban xây dựng Đảng tham gia BCH đảng ủy nên hoạt động của mô hình đảng bộ này quy củ, bài bản và lãnh đạo, chỉ đạo đầy đủ, toàn diện hơn.
Bên cạnh những mặt tích cực, trên thực tế triển khai mô hình TCCSĐ này đang bộc lộ những bất cập, hiệu quả hoạt động thấp, không phát huy được tác dụng, thậm chí rơi vào hình thức. Theo đồng chí Trương Hồng Phúc – Bí thư Huyện ủy Đô Lương thì chức năng, nhiệm vụ của các ban huyện ủy, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, MTTQ và các đoàn thể có phạm vi, đối tượng tác động, nội dung hoạt động khác nhau. Vì vậy, khi xác định nội dung lãnh đạo, chỉ đạo khó cụ thể và không thể bao quát hết được. Tính toàn diện, chuyên sâu hạn chế, thường không đề cập đến nhiệm vụ trong từng lĩnh vực, từng bộ phận, từng ngành. Công tác cán bộ, tổ chức, kiểm tra, giám sát gặp khó khăn và không thường xuyên vì ngoài hoạt động của các ban đảng thì MTTQ, các đoàn thể hoạt động theo chỉ đạo chuyên môn ngành dọc cấp trên, chịu sự điều chỉnh của điều lệ hội, MTTQ. Mặt khác, mặc dù có sự thống nhất về mặt tổ chức đảng đó là chung 1 đảng bộ nhưng về tổ chức công đoàn có tới 8 tổ chức công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ huyện nên vai trò lãnh đạo của đảng bộ với hoạt động công đoàn cũng như công tác phối hợp trong các phong trào hoạt động bề nổi, chăm lo đời sống, đảm bảo chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động gặp khó khăn, vô hình trung vai trò lãnh đạo toàn diện của TCCSĐ ở đây chưa làm tròn!?
Qua khảo sát của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho thấy, hệ thống các tổ chức đoàn thể trong các đảng bộ cơ quan đảng - đoàn thể chưa thống nhất. Cụ thể về tổ chức công đoàn có 17/19 huyện thành lập riêng: 16/19 huyện tổ chức thành lập hội phụ nữ riêng; 12/19 tổ chức hội cựu chiến binh riêng... Đồng chí Đậu Vĩnh Thịnh – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vinh, cho rằng “mô hình này khó nhiều hơn thuận”. Trong hệ thống chính trị có 1 đảng ủy nhưng lại có đến 8 thủ trưởng cơ quan chuyên môn nên trong chỉ đạo chuyên môn sẽ bất cập. Vai trò của BTV, BCH trong công tác cán bộ ít được phát huy vì đảng ủy không trực tiếp làm quy hoạch cán bộ mà các cơ quan làm việc trực tiếp với thành ủy. Đảng ủy chỉ có một nhưng có tới 8 tài khoản cơ quan riêng nên kinh phí hoạt động chủ yếu do thành ủy hỗ trợ. Từ thực tế trên “chúng tôi mong chia tách sớm ngày nào hay ngày ấy”- ông Thịnh bày tỏ. Còn đồng chí Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Nghi Lộc thì bộc bạch “việc có nhiều cơ quan, đông đảng viên với nhiệm vụ khác nhau khiến nhiều khi sắp xếp, bố trí thời gian, điều kiện sinh hoạt cũng khó, được người nọ, mất người kia…”.
Nhìn nhận ở góc độ khác, đồng chí Dương Ngọc Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Bí thư đảng bộ cơ quan đảng - đoàn thể huyện Yên Thành cho hay: Mô hình này không đúng với yêu cầu nguyên lý thành lập tổ chức đảng ở cơ sở (được thành lập nơi cư trú hoặc công tác), và đến thời điểm này cũng chưa có hướng dẫn mẫu quy chế, qui định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng nên khó trong lãnh đạo, chỉ đạo và đánh giá cán bộ, bởi không sát với nhiệm vụ chuyên môn. Mặt khác, hầu hết cấp ủy viên của đảng ủy cơ quan đảng - đoàn thể đều kiêm nhiệm, phải tập trung nhiều cho công tác chuyên môn, chưa có cán bộ chuyên trách nên gặp khó khăn cho công tác tham mưu, báo cáo, bảo quản, lưu trữ hồ sơ, tài liệu. Ông Hoàng cũng cho rằng nên tách ra để thuận lợi cho công tác tổ chức cán bộ, từ công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng… đến công tác tiếp thu, thực hiện các chủ trương, nghị quyết vì cơ quan đảng, MTTQ, các đoàn thể là các tổ chức chính trị có nhiệm vụ chinh trị, phương thức hoạt động khác nhau và nguồn kinh phí riêng.
Đảng bộ cơ quan Huyện ủy - MTTQ và các đoàn thể huyện Nghị Lộc ra quân xây dựng NTM mới ở xã Nghi Thái. |
Sáp nhập hay chia tách?
Rõ ràng thực tiễn đang đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Đồng chí Đậu Văn Thanh - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: “Qua thực tiễn chỉ đạo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng đã thấy được những hạn chế, bất cập của mô hình đảng bộ cơ quan đảng – đoàn thể ở các huyện, thành, thị xã. Nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức bộ máy của cơ quan đảng - đoàn thể từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, thống nhất. Ngoại trừ các ban xây dựng Đảng, số còn lại là những cơ quan độc lập, có chức năng, nhiệm vụ chính trị riêng nên khi “gộp” lại thành một đảng bộ thì việc lãnh đạo, chỉ đạo gặp khó khăn, hiệu quả không cao”.
Để đánh giá khách quan và khoa học, trong tháng 9 vừa qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo đánh giá về thực hiện 3 mô hình thí điểm, trong đó có mô hình thành lập đảng bộ cơ quan đảng – đoàn thể cấp huyện. Tại hội thảo này, nhiều ý kiến của những người “trong cuộc” đang đảm nhận vị trí bí thư, phó bí thư tổ chức đảng này đã thẳng thắn nêu thực tiễn: được và chưa được. Tại hội thảo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng đã tiến hành lấy phiếu thăm dò đề xuất phương án, thứ nhất là giữ nguyên mô hình như hiện tại; thứ 2 là tách thành 2 đảng bộ, gồm đảng bộ cơ quan huyện ủy và trung tâm bồi dưỡng chính trị (gồm văn phòng huyện ủy, 4 ban xây dựng đảng và trung tâm bồi dưỡng chính trị) và đảng bộ khối dân (MTTQ và các đoàn thể).
Đã có 83% ý kiến tại hội thảo thống nhất lựa chọn phương án thành lập 2 đảng bộ nhằm tạo thuận lợi hơn trong hoạt động vì đảng bộ khối dân ở cùng khuôn viên, cùng lãnh đạo các phong trào bề nổi dễ tìm tiếng nói chung trong việc ban hành và thực hiện nghị quyết. Và tương tự đảng bộ cơ quan huyện ủy và trung tâm bồi dưỡng chính trị cũng tương đồng về nhiệm vụ chính trị. Thực tế qua việc áp dụng mô hình ở huyện Nam Đàn - đơn vị duy nhất thực hiện mô hình thành lập hai đảng bộ: Đảng bộ cơ quan huyện ủy - trung tâm bồi dưỡng chính trị và đảng bộ cơ quan MTTQ, các đoàn thể đã minh chứng cho sự phù hợp, vừa đáp ứng việc giảm đầu mối về tổ chức đảng, vừa đảm bảo sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ (đều phục vụ công tác xây dựng Đảng đối với đảng bộ cơ quan huyện ủy – trung tâm bồi dưỡng chính trị và thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức đoàn thể đối với đảng bộ cơ quan MTTQ, các đoàn thể) và nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng ở đây.
Đồng chí Nguyễn Lâm Sơn – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, kiêm Bí thư Đảng ủy cơ quan Huyện ủy – Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Nam Đàn, khẳng định: “Ưu điểm của việc tách làm hai là đảm bảo sự thống nhất, hài hòa giữa vai trò lãnh đạo của ban chấp hành đảng bộ với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các ban, MTTQ và các đoàn thể. Cụ thể nhiệm vụ của đảng bộ cơ quan huyện ủy - trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện là lãnh đạo trên các mặt tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra - giám sát, dân vận, đào tạo bồi dưỡng và văn phòng cấp ủy. Các nhiệm vụ này đều được giao cho các chi bộ gắn với các ban chuyên môn thực hiện theo từng lĩnh vực.
Nhiệm vụ chính trị của đảng bộ cơ quan Ủy ban MTTQ và các đoàn thể là lãnh đạo trên các lĩnh vực công tác mặt trận, đoàn thanh niên, phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, công đoàn. Nhiệm vụ này đều được giao cho các chi bộ gắn với các đoàn thể thực hiện theo lĩnh vực của đoàn thể. Nhờ vậy, việc ban hành nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết sát với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ và đạt hiệu quả cao hơn. Công tác nhận xét tổ chức đảng giữa năm và đánh giá tổ chức đảng cuối năm được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ hơn. Công tác quy hoạch, đánh giá đào tạo, phân công, điều động cán bộ hiệu quả hơn.
Khác với mô hình ở Nam Đàn, huyện Hưng Nguyên lại thực hiện thành lập theo mô hình “kiềng 3 chân”, đó là đảng bộ cơ quan huyện ủy; đảng bộ MTTQ, các đoàn thể và chi bộ trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Đây cũng là mô hình hoạt động khá thuận lợi và có thể lựa chọn. Tuy nhiên, theo qua điểm của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và đại đa số các huyện, thành, thị đề xuất là cần thực hiện theo mô hình thành lập 2 đảng bộ: Đảng bộ cơ quan huyện ủy – trung tâm bồi dưỡng chính trị; Đảng bộ cơ quan MTTQ, các đoàn thể.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc thực hiện mô hình tổ chức đảng bộ cơ quan đảng- đoàn thể theo Hướng dẫn số 38-HD/BTCTƯ của Ban Tổ chức Trung ương thực tế chứng minh bên cạnh đảm bảo yêu cầu gọn đầu mối, sự thống nhất từ Trung ương, tỉnh đến huyện thì vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, mô hình nào cũng sẽ có ưu điểm, hạn chế riêng, vấn đề là lựa chọn mô hình nào thì cũng đi liền với đó là phải có phương pháp hoạt động, cách làm sáng tạo trong cơ chế vận hành, vừa phù hợp với thực tiễn và điều quan trọng là bám sát tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 về đổi mới hệ thống chính trị cơ sở, trong đó có việc giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo sự thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
Bài, ảnh: Khánh Ly - Mai Hoa