Quế Phong: Xây dựng hạt nhân từ cơ sở

01/11/2013 22:18

(Baonghean) - Trong giai đoạn 2010 -2013, huyện Quế Phong đã tích cực đổi mới phương pháp dân vận phù hợp với thực tiễn. Ở mỗi địa bàn, lĩnh vực đều gây dựng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” làm “hạt nhân”, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân…

Ngược vùng cao Quế Phong, chúng tôi đến xã Nậm Nhoóng – nơi cư ngụ của 476 hộ với hơn 2.200 khẩu là đồng bào dân tộc Khơ mú và Thái. Nậm Nhoóng là địa phương đặc biệt khó khăn do cả những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trước thực tế đó, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và huyện, Đảng ủy, chính quyền xã cũng đã có những bước đi mạnh dạn trong nhiều lĩnh vực nhằm đưa địa phương thoát nghèo.

Tại bản Na Hốc I, chúng tôi đã gặp đồng chí Lương Văn Sáng điển hình mô hình

TIN LIÊN QUAN

“dân vận khéo” tiêu biểu của xã. Anh Sáng kể năm 2007, anh về đảm nhận công tác nông nghiệp của xã, xác định xã Nậm Nhoóng chỉ có 73 ha ruộng lúa nước, vì vậy phải giúp bà con tăng năng suất lúa nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho đồng bào. Vì vậy anh đã đóng góp công sức cùng cán bộ địa phương xây dựng mô hình điểm trồng lúa lai để chứng minh hiệu quả thực tế. Sau đó mời các trưởng, phó ban đến xem thực tế mô hình và làm theo, đồng thời vận động nhân dân chuyển dịch dần. Anh còn phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc lúa cho năng suất cao. Tích cực vận động nhân dân đưa giống lúa lai vào sản xuất nhằm tăng năng suất trên mỗi đơn vị diện tích.

Tận dụng diện tích mặt nước hiếm hoi trong vườn nhà, anh đã tổ chức nuôi ba ba từ năm 2008. Chỉ với 8 con giống ban đầu, đàn ba ba của gia đình phát triển nhanh và đã xuất bán được 2 lần vào năm 2011 và 2013, mỗi kg bán với giá 500 ngàn đồng. Bên cạnh đó, anh còn tìm tòi nuôi thêm con cù lù (rùa mỏ vẹt) cùng ao nuôi ba ba và bước đầu bán được với giá 4,5 -4,7 triệu đồng/kg. Từ những mô hình, điển hình như đồng chí Lương Văn Sáng, ở Nậm Nhoóng, phong trào “dân vận khéo” đã được khối dân vận xã triển khai đa dạng trên nhiều lĩnh vực của đời sống và khẳng định được vị trí “hạt nhân” trong quá trình thay đổi nhận thức, vận động nhân dân tích cực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh. “Dù quá trình triển khai còn gặp một số hạn chế, nhất định nhưng đánh giá tổng quan, phong trào thi đua “dân vận khéo” cùng với các phong trào thi đua yêu nước khác đã góp phần làm cho đời sống kinh tế của xã có nhiều khởi sắc. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 11% so với năm 2011”, đồng chí Lô Thị Minh Hương – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối dân vận xã Nậm Nhoóng chia sẻ.

Mô hình nuôi ba ba của anh Lương Văn Sáng ở xã Nậm Nhoóng.
Mô hình nuôi ba ba của anh Lương Văn Sáng ở xã Nậm Nhoóng.

Còn tại bản D1, khu kinh tế mới Minh Châu, xã Tri Lễ, đồng bào dân tộc Mông sau khi được Nhà nước tạo mọi điều kiện về định canh, định cư, đời sống trên các mặt cũng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt trên hành trình xây dựng cuộc sống mới, Trưởng bản Xồng Bá Cha thực sự đã làm dân tin, dân yêu bằng chính những lời nói, việc làm cụ thể. Đồng chí Xồng Bá Cha đã tích cực vận động nhân dân trong bản khai hoang, phục hóa được 8,4 ha ruộng nước; vận động 30 hộ dân tham gia trồng chanh leo với tổng diện tích 4 ha, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con.

Anh còn tích cực vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng cách thành lập đội văn nghệ của bản tập luyện, tham gia biểu diễn nhân các ngày lễ lớn của đất nước và của đồng bào. “Dù còn có khó khăn nhưng so với trước đây khi chưa định canh, định cư, cuộc sống của nhân dân đã đổi thay rất nhiều. Đời sống vật chất và tinh thần có phát triển thì tư tưởng của người dân mới ổn định, gắn bó với quê hương mới. Đó cũng chính là cách nhanh nhất để vận động nhân dân xóa bỏ hẳn các tập quán lạc hậu, không di cư trái pháp luật, không tái trồng cây thuốc phiện…”, anh Xồng Bá Cha chia sẻ.

Khác với các xã vùng trên, các khu TĐC tại 3 xã Thông Thụ, Đồng Văn và Tiền Phong có hơn 1.000 hộ dân thuộc 14 bản của 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ (chiếm 10% dân số huyện) chuyển về. Dù nhà cửa có khang trang hơn song cuộc sống ở nơi ở mới vẫn còn nhiều khó khăn do nhân dân chưa có đất sản xuất. Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc của công tác dân vận các cấp nhằm động viên nhân dân ổn định tư tưởng, tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Xã Thông Thụ có 13 bản với 1.447 hộ dân thì có 9 bản (chiếm 2/3 dân số xã) phải di dời về các điểm TĐC.

Tất cả các hộ dân sống tại các bản Na Lướm, Phú Lâm, Cà Na, Hủa Na 1, Hủa Na 2, bản Ăng, Huồi Đừa, bản Mai, bản Lốc vẫn chưa có đất sản xuất. Đồng chí Lương Thượng Hiền – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối dân vận xã Thông Thụ cho biết: “Trước tình hình đó, khối dân vận xã phối hợp với cán bộ, chiến sỹ tổ công tác Đồn Biên phòng Thông Thụ xây dựng kế hoạch vận động nhân dân tận dụng đất vườn, đất gần nhà tăng gia sản xuất, chủ yếu là các loại rau màu, tăng cường chăn nuôi gia cầm để tự cấp phần nào thực phẩm. Bên cạnh đó, khối dân vận xã tăng cường phối hợp với những người có uy tín trong bản để tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định tư tưởng, từng bước xây dựng cuộc sống tại nơi ở mới”. Cách dân vận trên không chỉ được Ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong triển khai tại xã Thông Thụ mà còn triển khai rộng rãi tại các điểm TĐC ở địa bàn xã Đồng Văn và Tiền Phong.

Có thể thấy rằng, với một huyện vùng cao thuộc diện 62 huyện nghèo nhất cả nước với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phương pháp dân vận đi từ mô hình, điển hình cụ thể nhằm tạo “hạt nhân” tại cơ sở, để từ đó tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng đã chứng minh được tính hiệu quả của nó. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 -2013, toàn huyện Quế Phong đã xây dựng được 448 mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trong đó có 81 mô hình cấp huyện. Đồng chí Nguyễn Minh Hoạt – Trưởng Ban Dân vận huyện Quế Phong cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về: “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” để thực sự tạo ra nhận thức đúng đắn về công tác dân vận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” với trọng tâm là xây dựng các mô hình, điển hình cá nhân, tập thể tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực”.

Bài, ảnh: Thành Duy