Chắt lọc sự thật

21/06/2013 15:53

(Baonghean) - Đã bao câu chuyện Đông Tây kim cổ về hành trình tìm biết sự thật và cái giá phải trả cho việc “hiển lộ” sự thật. Sự thật đôi khi chỉ là những chuyện vặt vãnh đời thường nhưng có khi, to lớn hơn, nó là chuyện quốc gia đại sự, lắm lúc nó chỉ liên quan tới một vài người, một nhóm người nhưng lúc khác lại là chuyện của cả cộng đồng, nhân loại.

(Baonghean) - Đã bao câu chuyện Đông Tây kim cổ về hành trình tìm biết sự thật và cái giá phải trả cho việc “hiển lộ” sự thật. Sự thật đôi khi chỉ là những chuyện vặt vãnh đời thường nhưng có khi, to lớn hơn, nó là chuyện quốc gia đại sự, lắm lúc nó chỉ liên quan tới một vài người, một nhóm người nhưng lúc khác lại là chuyện của cả cộng đồng, nhân loại.

Rõ ràng, khát khao sự thật, khát khao chân lý là mẫu số chung của bất kỳ dân tộc, thời đại nào. Người nào nắm được sự thật, đấy là người chiến thắng, chí ít, cũng là sự chiến thắng chính bản thân. Trong hành trình tác nghiệp báo chí, sự thật là kim chỉ nam cho tất cả mọi “công đoạn”. Từ “nghe ngóng” thông tin đến xác nhận thông tin; từ khảo sát thực tiễn đến việc đưa ra kết luận; từ việc chọn “mẫu” phỏng vấn đến sự “chắn chắc” vào những câu trả lời… tất cả đều dựa trên sự thật, những sự thật được truy nguyên đến cùng, để từ đó giải quyết thấu đáo trong các lĩnh vực đời sống. Hơn ai hết, công chúng là người mong mỏi sự thật. Đọc một bài báo, họ mong được cung cấp những thông tin chưa biết, hoặc nếu đã biết, thì mong một sự “chứng thực” rõ ràng. Đáp lại những trông chờ này, nhà báo chân chính phải là người xem sự thật là lý tưởng tốt đẹp của bản thân mình, trong cuộc sống và cả trong công việc.

Tuy nhiên, có một điều tưởng như nghịch lý: Tại sao quan trọng nhường ấy mà sự thật, đôi khi, vẫn cần phải được “chắt lọc”? Nói cách khác, có những sự thật đã được xác định rõ, ấy là sự thật “mười mươi” nhưng vẫn không nên công bố trước mọi người. Điều này, nằm ở cả cái lý lẫn cái tình trong ý thức người làm báo. Khi đã suy xét như thế, nghịch lý sẽ không còn nữa, thay vào đó, là sự hợp lý, hợp ý dư luận.

Nhiều bài báo được đăng tải trên một số tờ báo mạng đã cho thấy một thực tế đáng lo ngại rằng: Bất kỳ chuyện gì xẩy ra cũng nhanh chóng trở thành “chất liệu” để “nhào nặn”, đăng tải. Chuyện ca sĩ nọ mệt mỏi vì chuyến bay dài, người mẫu kia đi mua sắm, đi tập thể dục, thậm chí, cả bố mẹ, con cái của nghệ sĩ cũng “lên báo”… Cứ cho là tất cả những thông tin này là sự thật, nhưng sự thật này, khi được đưa ra, liệu có ích lợi gì cho đông đảo độc giả? Một bộ phận những fan hâm mộ, chủ yếu là giới trẻ, mong được biết mọi “động thái” của thần tượng mình, nhưng đó chỉ là số ít, hơn nữa, qua mỗi bài báo, điều quan trọng là giáo dục ý thức của các em, hâm mộ nhưng không chểnh mảng học hành. Nhìn về phía nghệ sĩ, cũng trừ một số ít thích tạo scandal để “đánh bóng” tên tuổi, còn lại, họ muốn giữ những “sự thật” của riêng mình, không chia sẻ và không bình luận. Vì thế, mặc nhiên chụp ảnh và đưa tin thực chất là “làm phiền nhiễu” người khác. Đó là chưa nói tới nhiều bài báo, với việc phơi bày sự thật, đã làm tổn thương tinh thần, thậm chí ảnh hưởng tới hạnh phúc người khác.

Những tin tức hình sự cũng “thu hút” nhiều trang báo mạng. Đánh vào tâm lý người đọc, mong được biến diễn tiến cụ thể của sự việc, nhiều bài báo giật tít câu khách, và mô tả tỉ mỉ hành vi tội ác như chính anh ta đang chứng kiến tận mắt. Thế là, đọc xong, một cảm giác nặng nề ập đến, một nỗi khủng khiếp về cái gọi là “tính người”, và hình như, ai cũng trở nên bi quan hơn trước đời sống đầy bất trắc.

Gần đây, chuyện lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh “bị tẩy chay” ở các khu công nghiệp phía Nam được nhiều trang đăng tải. Có thể đó là sự thật, nhưng chắc chắn “chỉ là một phần của sự thật”. Để khái quát một số người thành cả một địa phương là điều không nên. Bên cạnh những mặt trái vốn thuộc về đặc trưng tính cách vùng miền, những phẩm chất tốt đẹp vẫn là cơ bản. Chính vì sự “tràn lan” của những tin tức kiểu này mà trên thực tế, nhiều lao động tỉnh ta “Nam tiến” gặp khó khăn.

Trong hành trình khôn lớn, trưởng thành, hẳn ai cũng đã hơn một lần tự răn mình: “Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, để định hướng một sự chắc chắn, thận trọng. Người làm báo, hơn ai hết, càng cần phải ý thức sâu sắc điều này. Viết một bài báo, đấy không đơn thuần là mưu sinh của cá nhân anh. Một khi bài báo “cập bến” tầm đón của độc giả, sẽ có những tác động xã hội tích cực, ngay cả khi câu chuyện
được phản ánh là tiêu cực. Vì thế, “chắt lọc” sự thật là một khâu trọng yếu, để sự thật ấy là sự thật tinh túy, bản chất!


Nguyên Nguyên