Tháng 8 trên quê hương cách mạng

19/08/2013 15:03

Xã Nam Thanh (trước đây gọi là xã Thanh Thủy), huyện Nam Đàn là địa phương đầu tiên của Nghệ An giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Những ngày này, vùng quê cách mạng Nam Thanh rực cờ đỏ sao vàng, người dân nơi đây đang phát huy truyền thống “đứng đầu, dậy trước” trong cách mạng để vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên vùng đất khó.

(Baonghean.vn) - Xã Nam Thanh (trước đây gọi là xã Thanh Thủy), huyện Nam Đàn là địa phương đầu tiên của Nghệ An giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Những ngày này, vùng quê cách mạng Nam Thanh rực cờ đỏ sao vàng, người dân nơi đây đang phát huy truyền thống “đứng đầu, dậy trước” trong cách mạng để vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên vùng đất khó.

Xã Nam Thanh nằm ở phía Bắc huyện Nam Đàn, tiếp giáp với huyện Đô Lương và Nghi Lộc. Trong lịch sử, dải đất hình thang, gối đầu vào núi Đại Huệ này có những tên gọi khác nhau như Thanh Tuyền (thời vua Lê Thánh Tông), Thanh Thủy (thời triều Nguyễn), Thanh Vân,… Đây là vùng đất có truyền thống cách mạng và giàu truyền thống văn hóa.

Khi thực dân Pháp xâm lược và cai trị nước ta, xã Thanh Thủy là căn cứ địa cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của Trần Tấn và Đặng Như Mai, là địa điểm hoạt động của các chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân trong các phong trào chống Pháp. Đặc biệt, cụ Đặng Thái Thân (hiệu Ngư Hải) đã lấy vợ, lập gia đình với người con gái làng Thanh Thủy, hiện nay, tại cánh đồng lúa của xã vẫn còn ngôi mộ đá của nhà yêu nước Đặng Thái Thân.

Mùa xuân năm 1930, gần 2 tháng sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, ở xã Thanh Thủy cũng thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Tháng 6/1945, tại chùa Viên Quang, Ban mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy được thành lập với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia cách mạng.

Ngày 14/8/1945, Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy nhận được lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ Tĩnh do đồng chí Võ Mai, phái viên của Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh về Nam Đàn truyền đạt: “Bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập UBND cách mạng ở làng… không câu nệ làng trước hay huyện trước”,.

Ngày 15/8/1945, Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy đã họp bàn bí mật và nhận định, lúc này, thời cơ cách mạng đã chín muồi, hệ thống bang tá, hương lý, kỳ hào đang hoang mang cực độ. Người dân Thanh Thủy, lâu nay chịu cảnh một cổ hai tròng, bị bòn rút đến tận xương tủy, lòng căm thù chế độ phong kiến và đế quốc sâu sắc. Các tổ chức đoàn thể như thanh niên, nông dân, phụ nữ, du kích cảm tử, vũ trang tuyên truyền được tổ chức chu đáo, sẵn sàng hành động khi có lệnh.

Thời cơ cướp chính quyền đã đến nhưng việc làm này mới chỉ diễn ra ở một số địa phương khác trong nước, ở Nghệ An, Hà Tĩnh chưa có địa phương nào cướp chính quyền. Việc cướp chính quyền trong hoàn cảnh như vậy sẽ nguy hiểm nhưng khi thành công sẽ tạo nên ngòi nổ, thúc đẩy phong trào cách mạng trong xã, huyện và tỉnh. Quyết định cướp chính quyền được Mặt trận Việt Minh phát lệnh.



Cụ Bùi Danh Ba, người trực tiếp đi cướp chính quyền năm xưa còn nhớ như in không khí sục sôi cách mạng của quê hương.

“Suốt đêm hôm đó, người dân Thanh Thủy không ngủ, một không khí sục sôi, trào dâng đến mọi làng xóm, ngõ ngách. Người dân đổ ra đường biểu tình, hô vang các khẩu hiệu như “Tiêu diệt Phát Xít”, “Đả đảo phong kiến”, “Cách mạng muôn năm”. Chiều 16/8, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, người dân Thanh Thủy nô nức đi cướp chính quyền với vũ khí là 12 cây thùng lùng (loại đao nhọn có cán dài), 2 cây kiếm, 2 dao găm và 1 khẩu súng lục. Rất nhanh chóng, chình quyền về tay nhân dân, bọn phong kiến phản động không có một phản ứng nào”, cụ Bùi Danh Ba (91 tuổi), người trực tiếp tham gia lãnh đạo cướp chính quyền năm đó nhớ lại không khí sôi nổi, sục sôi cách mạng của người dân Thanh Thủy.

Sau khi trở thành địa phương đầu tiên trong tỉnh Nghệ An giành được chính quyền, Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa xã Thanh Thủy, đặt trụ sở tại đình Đức Nam do ông Nguyễn Hữu Thái làm chủ tịch, ông Bùi Danh Cư làm phó chủ tịch cùng các thành viên khác phụ trách tài chính, địa chính, thủ quỹ, ủy viên quân sự,…

Không lâu sau khi Thanh Thủy cướp được chính quyền, không khí Cách mạng tháng Tám dâng cao trong toàn tỉnh. Ngày 17/8, người dân Yên Dũng, Lộc Đa nổi dậy cướp chính quyền, ngày 18/8 huyện Quỳnh Lưu, ngày 21/8 thành phố Vinh và huyện Diễn Châu, ngày 23/8, huyện Nam Đàn cũng nhất tề đứng lên giành lấy chình quyền đế quốc phong kiến về tay cách mạng.

Đến năm 1952, xã Thanh Thủy được đổi tên thành xã Nam Thanh như ngày nay.

Là địa phương “đứng đầu dậy trước” trong phong trào cướp chính quyền. Khi đất nước thống nhất, người dân Nam Thanh cũng phát huy truyền thống cách mạng quê hương. Năm 1998, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Thanh được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Là xã thuần nông, Nam Thanh xác định phải mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây, con hợp lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cố gắng tận dụng những lợi thế về mặt thiên nhiên, tu sửa 3 đập nước thủy lợi và tiến dân vào khai khẩn vùng núi Đại Huệ phì nhiêu. Đến nay, 3 đập nước lớn là Rào Băng, Hủng Cốc, Đá Hàn trở thành nguồn tưới tiêu cho toàn bộ hệ thống đồng ruộng thẳng cánh cò bay trong xã. Chân núi Đại Huệ trở thành vùng đất trù phú với những đồi chè xanh mướt, những rừng cây nguyên liệu đang đến kỳ thu hoạch cùng những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, thu nhập cao,…



Đường về Nam Thanh hôm nay

Bí thư đảng ủy xã Nam Thanh, ông Nguyễn Hữu Hùng cho biết, trong những năm qua, người dân Nam Thanh luôn tự hào là vùng đất cách mạng và phát huy tinh thần đó trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Từ một xã nghèo, đến nay, Nam Thanh đã trở thành một địa phương khá của huyện Nam Đàn với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 18 triệu đồng/năm. Các thiết chế văn hóa, xã hội được xây dựng đồng bộ, cơ bản, tất cả 17 xóm đều có nhà văn hóa khang trang, sân thể thao, xã cũng đang xây dựng trường tiểu học cao tầng và từng bước phấn đấu để đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Những ngày tháng 8 lịch sử này, đất và người Nam Thanh rộn rã, khắp các đường làng, ngõ xóm, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, một không khí vui tươi, phấn khởi bao trùm lên vùng đất giàu truyền thống. Đâu đâu, người dân cũng vui vẻ bàn chuyện xây dựng nông thôn mới, kế hoạch sản xuất sau khi dồn điền, đổi thửa; bàn tán chuyện con em đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong đợt thi vừa qua,…

Trong tiết trời thu tháng 8, những ánh mắt, nụ cười của con người Nam Thanh đều rạng ngời niềm tin, niềm tự hào về vùng đất cách mạng.


Nguyên Khoa