Thần tượng của lòng dân xứ Nghệ
(Baonghean) - Tôi lớn lên, được học, được nghe các thế hệ cha anh kể về những con người đã trở thành huyền thoại của Đảng ta, mà nhiều nhất là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếp đó là những năm tháng quân ngũ qua những người chỉ huy chiến trận gần gũi của mình, tôi được nghe nhiều về đức vì dân và tài cầm quân đánh giặc của nhiều tướng lĩnh lừng danh của Quân đội ta, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ước mong được gặp Đại tướng như một giấc mơ, khát vọng thời binh nghiệp và trai trẻ của tôi.
Đất nước thống nhất, rời quân ngũ tôi về quê công tác. Từ cuối thập kỷ 80, được đứng trong hàng ngũ những người lãnh đạo của TP Vinh, rồi tỉnh Nghệ An. Thông qua công việc, tôi được gặp rất nhiều các đồng chí lãnh đạo cao cấp các thế hệ của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo cũng như nhân dân Nghệ An được gặp Đại tướng nhiều hơn bởi trước hết là sự quan tâm đặc biệt của Đại tướng dành cho quê hương Bác Hồ. Nghệ An là quê hương thứ 2 (như lời Đại tướng nói) vì Đại tướng là con rể của xứ Nghệ. Không những thế, Nghệ An còn là nơi sinh ra hàng ngàn chiến sỹ cộng sản kiên trung, hàng trăm lão thành cách mạng và hàng chục lãnh tụ tiền bối, hoạt động cùng thời với Võ Đại tướng. Họ đã anh dũng hy sinh trong các lao tù khắc nghiệt của thực dân Pháp, luôn được Đại tướng ngưỡng mộ và tôn vinh. Nghệ An là vùng đất có hơn một trăm tướng lĩnh đủ các quân binh chủng từ thiếu tướng đến đại tướng, chiến đấu hết mình dưới lá cờ bách chiến bách thắng của Đại tướng và Quân đội nhân dân Việt Nam. Nghệ An còn là nơi cung cấp hơn 25 sư đoàn quân chính quy trung thành, dũng cảm trong 2 cuộc kháng chiến đánh Pháp, chống Mỹ mà Đại tướng là Tổng Tư lệnh tối cao... Chính vì những lẽ đó mà Đại tướng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho quê hương Xô viết Anh hùng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Vân Đình (Quỳnh Lưu) |
Năm 1986, Nghệ Tĩnh tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 12. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được T.Ư phân bổ về ứng cử để bầu làm đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6. Đại hội Đảng bộ Nghệ Tĩnh đã tín nhiệm bầu Đại tướng với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối 100%, đây là sự tín nhiệm hiếm có của các đồng chí lãnh đạo T.Ư thời bấy giờ. Thấy Đại tướng được tín nhiệm cao, rất nhiều đại biểu đến chúc Đại tướng tiếp tục có tín nhiệm ở Đại hội 6, để sau đại hội nhận trọng trách cao hơn. Đại tướng vui vẻ trao đổi với mọi người: “Đó là tấm lòng của Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh dành cho tôi, còn là cán bộ, đảng viên thì phải làm việc theo sự phân công của Đảng”. Đó là một lời nói thành tâm, có tầm nhìn vượt trước và tính Đảng rất cao.
Trong những ngày trù bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, trước một số thông tin còn nhiều băn khoăn liên quan đến Đại tướng, các đại biểu trong đoàn Nghệ Tĩnh đề nghị cần được giải đáp. Đại tướng đã ôn tồn trao đổi: “Hãy để Đại hội lo việc lớn, việc riêng của tôi dù rất cần thiết, nhưng với Đại hội vẫn là việc nhỏ; tôi coi đây là một trục trặc kỹ thuật. Mà thường sau mỗi lần trục trặc kỹ thuật, chúng ta lại được đón nhận một bông hoa hồng”. Đại tướng đã rất khéo léo, mượn hình tượng của Đài Truyền hình VN hồi đó hay bị rớt sóng, và cứ mỗi lần rớt sóng lại đưa lên màn hình một bông hoa hồng để khán giả vui lòng chờ đợi. Ngẫm kỹ những lời nói của Đại tướng, chúng ta càng hiểu hơn tính kỷ luật và văn hóa ứng xử của Đại tướng cao đẹp nhường nào.
Mùa Hè năm 1996, Đại tướng vào làm việc và nghỉ dưỡng ở Thị xã Cửa Lò. Tôi được đồng chí Nguyễn Bá - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lúc bấy giờ, phân công nhiều lần tiếp cơm gia đình Đại tướng. Một buổi chiều sau khi ăn xong, Đại tướng gọi tôi về phòng nghỉ và dặn: “Chú tìm 1 chiếc bản đồ Đông Dương đưa đến đây ta bàn một việc rất hay”. Tôi giao cho anh em văn phòng Tỉnh ủy tìm mãi mới có 1 chiếc bản đồ Đông Dương từ nguồn của Bộ Tư lệnh QK4. Hôm sau tôi mang bản đồ đến, Đại tướng xem bản đồ rất kỹ và vạch 1 đường từ quê Bác (Nam Đàn) lên Cửa khẩu Thanh Thủy, sát biên giới của tỉnh BôLy Khăm Xây (Lào). Đại tướng nói với tôi, đây là con đường ngắn nhất, tốt nhất nối liền 3 nước Đông Dương. Nghệ An cần mở con đường này càng sớm càng tốt.
Lúc bấy giờ mở một con đường lên biên giới dài hơn 70 km, khi ngân sách tỉnh nhà thu chưa được 50% tổng chi sẽ không đơn giản chút nào. Tôi lại đang là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chưa đủ điều kiện để quyết định. Tôi đề nghị Đại tướng nói thêm với các đồng chí chủ trì của tỉnh, nhưng Đại tướng chỉ dặn: “Chú cấp phó nhưng còn trẻ, quỹ thời gian còn dài, đủ điều kiện để làm được việc này”. Trước thái độ nghiêm túc của Đại tướng, tôi chỉ biết chấp hành. Gần 4 năm sau, khi nhận trọng trách Chủ tịch UBND tỉnh, tôi mới đủ điều kiện để thực hiện lời căn dặn của Đại tướng.
Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Sổ vàng truyền thống của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. |
Đầu năm 2000, tôi tổ chức một đoàn đi khảo sát con đường mà Đại tướng đã vạch ra gồm các cơ quan: Tỉnh đội, Bộ đội Biên phòng, Công an, các sở GT-VT, KH-ĐT, Lâm nghiệp, Tài chính, UBND huyện Thanh Chương… Đoàn tiến sâu vào rừng, lội suối, leo núi, vượt đèo xác định từng tọa độ và hướng đi. Sau nhiều ngày khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi lập dự án triển khai. Đề án được BTV Tỉnh ủy thông qua, được Tỉnh bạn BôLy Khăm Xây phối hợp cùng mở cửa khẩu và thông đường sang Quốc lộ 1 của Lào. Dự án được triển khai tích cực nên cuối năm 2003 đã hoàn thành và thông tuyến. Đây là con đường đạt tiêu chuẩn 4 nhất:
- Ngắn nhất để nối liền 3 nước Đông Dương, ngắn nhất trong các con đường nối từ Vinh lên biên giới Việt Lào. Độ dài chỉ có 71 km, trong khi Vinh đi Cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn) dài 326 km. Vinh đi Cửa khẩu Thông Thụ (Quế Phong) dài 250 km.
- Bình độ thấp nhất so với các con đường ra biên giới hiện có.
- Độ cua và cong ít nhất nên xe ca, xe có trọng tải lớn đi lại rất thuận lợi.
- Cảnh quan núi rừng, sông nước hai bên đường đẹp nhất.
Nhìn con đường đã mở và đưa vào sử dụng, triển vọng và hiệu quả đạt được trong tương lai, chúng ta mới thấu hiểu hết tầm nhìn chiến lược của Đại tướng, không chỉ trong khoa học quân sự, mà cả trong giao thông vận tải, kinh tế, an ninh, quốc phòng và đối ngoại cả trước mắt và lâu dài.
Đầu năm 2007, Bộ Văn hóa Thông tin lúc đó tổ chức triển lãm sách ở Halabana (Cuba). Lúc về nước, Chủ tịch Fidel Castro có gửi qua chúng tôi một cuốn sách tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là cuốn sách “Chiến tranh nhân dân Việt Nam” của Đại tướng đã dịch ra tiếng Tây Ban Nha, được nhân dân Cuba đón đọc rất hào hứng. Tôi và Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đến số nhà 30 Hoàng Diệu chuyển quà của Chủ tịch Fidel cho Đại tướng, lúc này Đại tướng đã 97 tuổi, nhưng rất minh mẫn, căn dặn chúng tôi: “Fidel và các đồng chí Cuba rất có công với Việt Nam. Hiện nay, Cuba vẫn còn nhiều khó khăn, bây giờ chúng ta đã và đang đổi mới thành công, các đồng chí cần biết ơn Cuba và giúp bạn nhiều hơn nữa. Nhất là trên lĩnh vực các đồng chí đang phụ trách như báo chí, xuất bản, viễn thông và CNTT để Cuba tiếp tục cải cách, đổi mới thành công”. Chúng tôi hiểu thêm chiều sâu, tình nghĩa thủy chung của Đại tướng luôn dành cho bạn bè quốc tế, trong đó có Fidel và cách mạng Cuba.
Những lần vinh dự được dùng cơm với Đại tướng. Qua những câu chuyện bình dị, rất đời thường liên quan đến chăm sóc sức khỏe để làm việc nhiều hơn cho Đảng, cho Dân, chúng tôi học được rất nhiều điều quý giá, từ những lời khuyên của Đại tướng như: “Không nên ăn hoa quả không rõ nguồn gốc, nhất là hoa quả thẩm thấu qua biên giới bằng con đường tiểu ngạch. Một ngày phải uống trên 2 lít nước, khi làm việc luôn để 1 cốc nước trên bàn, cứ vài ba mươi phút lại uống một ngụm, không nên chờ đến lúc khát mới uống. Buổi sáng hoặc buổi chiều, khi thời tiết đẹp, một ngày nên cho chân tiếp đất ít nhất 1 lần, để âm dương lưu thông qua cơ thể con người, sẽ rất tốt cho sức khỏe. Con người là 1 cỗ máy hoàn hảo nhất, với hàng trăm bộ phận liên kết lại. Vì thế phải tập luyện, chăm sóc, bảo dưỡng, vận hành điều độ, nghiêm túc thì mới bền lâu”. Trên nhiều lĩnh vực, Đại tướng là một kho tri thức giàu tố chất thực tiễn sáng giá, bổ ích và thiết thực. Học và làm theo những lời khuyên của Đại tướng thì việc gì cũng tốt cho mình, cho Đảng, cho Dân.
Năm 2001, nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 90 của Đại tướng, chúng tôi đến chúc thọ, Đại tướng đón tiếp chúng tôi như người thân trong gia đình. Trong hàng trăm bức trướng của đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước tặng, Đại tướng thích nhất là bức trướng do nhà báo, nhà giáo Hồ Cơ cũng là một người con xứ Nghệ vừa tặng Đại tướng với dòng chữ:
“Văn lo vận nước Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”
Có thể nói, đây là 14 chữ “vàng” đúc kết, chưng cất, kết tinh suốt bề dày hoạt động cách mạng của Đại tướng. Đây cũng là 14 chữ toát lên toàn bộ giá trị nhân văn mà cả cuộc đời Đại tướng đã dày công rèn đắp.
Rất nhiều bạn trẻ đến viếng Đại tướng. Ảnh: N.K |
Đại tướng đã ra đi, nhưng những giá trị đạo đức, tài năng và văn hóa của vị anh hùng dân tộc với 65 năm đeo quân hàm Đại tướng mãi tỏa sáng cho muôn thế hệ mai sau. Chúng ta biết ơn Đại tướng, thần tượng của toàn dân. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh tụ cao cấp của Đảng và Nhà nước, Đại tướng đã cho chúng ta một con Người bằng da, bằng thịt để tôn vinh và kính trọng; để nuôi dưỡng niềm tin rất cần cho hôm nay và mai sau.
Đại tướng mãi mãi là thần tượng vô giá trong lòng người dân xứ Nghệ, trong lòng đồng chí, đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè Quốc tế.
Lê Doãn Hợp (Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam)