Xử lý hành chính trong phòng, chống nạn mại dâm

06/08/2013 16:52

(Baonghean) - * Hỏi: Trường hợp nạn nhân bị bán, không trở về được và coi như đã mất tích. Trường hợp này có coi là hậu quả nghiêm trọng không? (Lê Văn Tấn - Quế Phong, Nghệ An)

Trả lời: Nạn nhân bị bán, bị khống chế hoặc vì một lý do nào đó không có thông tin gì về họ, không biết họ đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Trong thực tiễn xét xử, có toà án coi đây là tình tiết tăng nặng “gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điểm k, Khoản 1, Điều 48 Bộ luật hình sự (BLHS) (đối với tội mua bán người), cũng có toà án không coi đó là tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”. Vấn đề này cũng chưa được Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, việc nạn nhân bị bán và không trở về bị coi như là mất tích, thậm chí coi như là đã chết là nghiêm trọng, do đó việc áp dụng tình tiết hậu quả nghiêm trọng thì phù hợp hơn.

Riêng đối với trường hợp trẻ em bị bán mà không trở về được, không biết đang ở đâu, còn sống hay đã chết, nếu coi đây là hậu quả nghiêm trọng thì đó là tình tiết định khung tại Điểm k, Khoản 2, Điều 120 BLHS. Vấn đề này rất quan trọng vì ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng hình phạt. Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đang phối hợp cùng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu để ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng Điều 119 và Điều 120, BLHS. Dự thảo của Thông tư liên tịch cũng không đề cập đến vấn đề này. Chúng tôi mong rằng đây là một vướng mắc, cần có hướng dẫn để thống nhất nhận thức và áp dụng đúng đắn pháp luật giữa các toà án nói riêng và giữa toà án và Viện Kiểm sát nói chung.

* Xin hỏi các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống mại dâm?
(dangnguyenanhvan@gmail.com)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thì:

1. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Việc xử lý vi phạm tùy thuộc thẩm quyền của các ngành mà pháp luật quy định. Trường hợp các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử lý tại nơi xảy ra hành vi vi phạm.

3. Việc xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm do người có thẩm quyền được quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Nghị định tiến hành.

Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm khi thực hiện các hành vi vi phạm quy định tại Chương III của nghị định này.

4. Một hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

5. Việc xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp.

6. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm phải xử phạt đúng thẩm quyền, đối với những vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý hoặc những vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải tiến hành lập biên bản và chuyển giao biên bản cùng các tài liệu có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền.


Thảo Nhi (Tổng hợp)