Thơ mọng quả đời
(Baonghean) - Có những người suốt cuộc đời theo đuổi thơ phú là liên tục những cuộc thử nghiệm. Nhà thơ Phan Xuân Hạt không phải mất công loay hoay với những trường phái này, xu hướng nọ. Làm thơ, với ông, đơn giản là viết từ những bức xúc, thơ bật ra từ tâm trạng “dây đàn căng thẳng”, nên ở tuổi 82, thơ Phan Xuân Hạt vẫn mọng quả đời...
Không có nhiều những câu thơ tài hoa nhưng Phan Xuân Hạt có những bài thơ động đến cõi sâu thẳm của kiếp người: “Trần thế, người ơi, sống kiếp tôi đòi/ Tám mươi nằm lầm lũi/ Từ cát bụi về cùng cát bụi/ Ai biết cho hết mọi ưu sầu…”. Hoặc: “Từ buổi sơ sinh đến đầu trắng bạc/ Người ơi, người là một kẻ đơn côi…”.
Năm ngoái, ở tuổi 81, Nhà thơ Phan Xuân Hạt ra Hợp tuyển thơ. Trong 151 bài thơ chọn lọc qua hơn 60 năm làm thơ với 10 tập thơ đã in, có nhiều bài thể hiện quan niệm thơ của Phan Xuân Hạt, nhưng tôi ấn tượng nhất 4 câu thơ này: “Nếu không viết điều thật/ Tôi sẽ nghỉ làm thơ/ Bởi viết điều trái ngược/ Bạn đọc sẽ thờ ơ…”. Chính vì thế, từ “Trăng rằm” đến “Khoảng xanh êm còn lại”… và bây giờ là “Hợp tuyển thơ Phan Xuân Hạt”, người đọc vẫn nhận ra một Phan Xuân Hạt chân thật, nhiều khi cô đọng và cổ điển như những bóng câu, bóng chữ.
Tôi đặc biệt ấn tượng bài thơ “Sức cỏ” của Phan Xuân Hạt. Bài thơ với những trăn trở về con người: Cỏ sống ở công viên/ Ngày ngày người chăm chút/ Cỏ sống ở vệ đường/ Mặc cho người giẫm đạp… Song cái kết thì thật khỏe: Trọn đời cỏ không tiếc/ Sức non tơ mỡ mầu/ Sống hết mình xanh biếc/ Dẫu thế nào, nơi đâu.
Nhà thơ Phan Xuân Hạt sinh năm 1931 tại làng Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành, Yên Thành), trong một gia đình Nho học, một dòng họ khoa bảng và giàu truyền thống cách mạng. Phan Xuân Hạt tiếp thu nền tảng giáo dục từ gia đình, lại được học ở Trường Quốc học Huế danh tiếng nên biết chữ Hán, giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh. Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ thời kháng chiến chống Pháp. Những bài thơ mang hơi hướng ca dao cổ vũ kịp thời công cuộc kháng chiến như: “Lúa ta đóng thuế vào kho/ Mai ra mặt trận lúa vô lấy đồn/Kho to, kho nhỏ khắp thôn/ Ai ơi, bảo vệ/ Lúa còn, Tây thua…”, cho đến giờ vẫn còn nhiều người thuộc. Riêng bài “Hạnh phúc chưa tròn” nổi tiếng của ông viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: “Ôm em vào lòng/Anh hôn lên đôi má chín hồng/ Bỗng đài khuya truyền đi tin dữ nhất/ Mỹ lại thử bom hạt nhân dưới đất/ Hai đứa ngập ngừng/ Chiếc hôn, hôn dở nửa chừng…/Hạnh phúc, em ơi/ Khôn trọn đấu đầy thưng…” được nhiều người truyền đọc và trở thành bài thơ vượt thời gian.
Ông được bạn bè và đồng nghiệp xem là cuốn từ điển sống. Ông có thể nhớ chính xác một bài thơ Đường kèm theo điển tích hay một chi tiết nào đó của một nhà văn nước ngoài. Cũng nhờ đọc nhiều, chịu khó quan sát, tìm hiểu, ông phát hiện, giải thích nhiều chi tiết văn học thú vị. Tôi từng được nghe ông giải thích cành sen trong câu ca dao nổi tiếng: “Hôm qua tát nước bên đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen” là của một giống sen mộc, mọc trên cạn, ở một số chùa Bắc Bộ chứ không phải là cây sen nước phổ biến. Cũng nhờ bài thơ “Hoa tre đơn độc” mà độc giả hiểu ra: “Hoa đũa tre trên bát cơm đặt giữa quan tài/ Mỗi tầng hoa nói một thế hệ…”
Nhà thơ Võ Văn Trực kể, hồi còn là học trò của Phan Xuân Hạt ở bậc học phổ thông, khi giảng bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, đến câu “Gió sớm thu về rờn rợn nước sông”, thầy Hạt quả quyết, nhân vật trong bài thơ chết là do đuối nước. Sau này Võ Văn Trực hỏi nhà thơ Hữu Loan, được nhà thơ xác nhận và nói thêm: “Có lẽ do nhạy cảm của một người làm thơ mà Phan Xuân Hạt cảm nhận ra cái sự thực đau lòng đó trong câu thơ”. Nhà thơ Phan Xuân Hạt từng giải nghĩa cho tôi về ý nghĩa chi tiết máu xanh của một nhân vật trong “Trăm năm cô đơn” của Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két, để từ đó tôi vỡ vạc ra nền văn học Mỹ - La tinh còn khá mới mẻ với độc giả Việt cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Có kiến thức văn học rộng, giỏi ngoại ngữ, rất chân tình với cộng tác viên, ông là một trong những trụ cột của Nhà Xuất bản Thanh niên trong hàng chục năm, được giao phụ trách biên tập 2 mảng sách khó là sách lịch sử và sách dịch. Phan Xuân Hạt là “bà đỡ” mát tay của nhiều đầu sách, trong đó có những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như “Mùa hoa dẻ” (Văn Linh), “Dấu chân người lính” (Nguyễn Minh Châu), “Câu thơ yên ngựa” (Hoàng Yến),… những cuốn sách gối đầu giường của thanh niên một thời như “Thép đã tôi thế đấy”, “Đội cận vệ thanh niên”, “Ruồi trâu”…
Những năm làm cán bộ biên tập Nhà Xuất bản Thanh niên, hàng ngày ông đạp xe đến cơ quan, cần mẫn đọc, chiều về, sau khi lau nhà sạch như li như lau, ông lại tiếp tục với văn chương, chữ nghĩa. Ông chăm chút từng câu, từng chữ, góp ý với tác giả từng chi tiết nhỏ. Thấy ông quá chăm chút trong việc lau nhà, có lần tôi hỏi đùa ông: “Việc lau nhà và làm biên tập có gì giống nhau?”. Ông cười hiền bảo: “Có chứ, lau nhà mà còn rác thì chưa được, nếu lại còn để đọng nước khiến ai đó phải trượt ngã thì càng không thể. Biên tập cũng vậy thôi…”.
Phan Xuân Hạt hầu như chỉ biết công việc cơ quan, đọc sách và làm thơ, chuyện làm kinh tế ông rất mù mờ và hầu như không quan tâm. Cái chất Đồ Nghệ đậm đặc trong ông. Lạ là trong thời bao cấp, sống giữa thủ đô đắt đỏ, vậy mà ông vẫn nuôi được 5 người con ăn học, phương trưởng, thành đạt. Tôi đem chuyện này thắc mắc, ông bảo: Tất cả là nhờ bà. Nghe ông nói vậy, tôi lại nhớ đến câu chuyện GS Phan Cự Đệ kể hồi học Tổng hợp Văn Hà Nội: “Vào đầu những năm 50, Phan Cự Đệ và Phan Xuân Hạt cùng dạy văn ở Trường Trung học Diễn Châu (Nghệ An). Hồi đó Phan Xuân Hạt rất mê một hoa khôi ở làng gái đẹp Phượng Lịch, xã Diễn Hoa.
Đi một mình thì ngại, Phan Xuân Hạt rủ Phan Cự Đệ đi cùng. Khốn nỗi “trâu ta ăn cỏ làng ta”, trai làng Phượng Lịch không chấp nhận một anh chàng ở “đất chợ Dinh Yên Thành” xuống tán cô gái đẹp nhất làng, thế là mấy lần cả hai bị ném bùn”. Bà Cao Thị Bạch Hường, phu nhân Phan Xuân Hạt có lần nói với tôi: “Hồi ấy trí thức, con quan, con nhà giàu đủ cả, vậy mà bà chỉ ưng Phan Xuân Hạt chỉ vì mê thơ ông. Yêu ông, lấy ông, bà không đòi hỏi ở ông một điều gì. Cô gái xứ Nghệ theo chồng ra Hà thành, một mình bà bươn chải “lo đủ năm con” với một ông chồng thi sĩ. Mãi sau này tôi mới biết: Bà Cao Thị Bạch Hường là em gái của Thiếu tướng, Tiến sĩ Cao Thượng Lương, nguyên Chính ủy Tiểu đoàn Lá Mít vang danh của Phú Yên thời chống Pháp.
Nhà thơ Phan Xuân Hạt và vợ - bà Cao Thị Bạch Hường. |
Có những người suốt cuộc đời làm thơ là liên tục những cuộc thử nghiệm. Phan Xuân Hạt không phải mất công loay hoay với những trường phái này, xu hướng nọ. Làm thơ, với Phan Xuân Hạt, đơn giản là viết từ những bức xúc, thơ bật ra từ tâm trạng “dây đàn căng thẳng”. Vì thế, nói đến Phan Xuân Hạt, tôi không nói đến tài thơ mà nói đến tâm thơ. Thơ ông hướng đến con người, trân trọng giá trị người: Ở đời này chẳng có ai bé nhỏ/ Trên trái đất chung đứng một mặt bằng/ Thấp và cao có khác nhau chức vụ/ Giá con người có phải ở nấc thang?
Ngoài nỗi cô đơn về kiếp người như một câu hỏi trăn trở suốt một đời thơ, ở tuổi ngoài 80, Phan Xuân Hạt còn chịu nỗi cô đơn khác: Người con gái xứ Nghệ xinh đẹp, giỏi giang, hết mực vì chồng con ấy đã ra đi mãi mãi: Em đã về bên kia thế giới/ Chăn gối bâng khuâng lạnh nửa giường…
Đã da mồi, tóc bạc, ông vẫn làm việc cần mẫn: Biên tâp sách cho nhà xuất bản, đọc sách và làm thơ. Hằng ngày ngồi trước hoa hồng trắng, loại hoa mang tên người con gái một đời ông yêu, nghe dội về những chìm nổi phận người, Phan Xuân Hạt viết: Trong vật vã vẫn tâm hồn tỉnh táo/ Chẳng quên đời, em, với quên thơ/ Một nửa: Lá cành còn dông bão/ Nửa kia như trái chín mong chờ…
Ở tuổi 82, thơ ông vẫn mọng quả đời.
Phan Xuân Luật
(Đài PT- TH Phú Yên)