Gần 21.000 loài động và thực vật sắp bị tuyệt chủng

02/07/2013 20:36

Theo Danh sách Đỏ các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới vừa được cập nhật và công bố ngày 2/7, gần 21.000 loài đang có nguy cơ biến mất khỏi Trái Đất, trong số này có 41% là loài lưỡng cư, 33% các rạn san hô và 25% động vật có vú.



Tatu - một động vật có nguy cơ tuyệt chủng sống tại Đông Bắc Brazil.
(Nguồn: AFP/TTXVN)

Bà Jane Smart, Chủ tịch Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tổ chức lên Danh sách Đỏ nói trên, cho biết tình hình rất đáng báo động, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp và hiệu quả hơn để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng đang gia tăng và đe dọa tất cả các loài động, thực vật trên Trái Đất.

Theo báo cáo vừa cập nhật, trong số 70.294 loài được kiểm kê trên Trái Đất thì có tới 20.934 loài "bị đe dọa tuyệt chủng," so với mức 20.219 loài nằm trong danh sách công bố hồi tháng 10 năm ngoái.

IUCN cho biết việc đưa thêm hơn 700 loài, trong đó có các loài tôm nước ngọt, thằn lằn Cape Verde và cá vây tia Santa Cruz vào "Danh sách Đỏ" cho thấy tình hình rất đáng lo ngại.

Theo các chuyên gia của IUNC, một nguồn thực phẩm quan trong là cá nước ngọt đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ các hoạt động đánh bắt không bền vững và môi trường sống bị ô nhiễm cũng như việc xây các đập nước trên toàn cầu.

Châu Phi có tới 1/4 số người làm nghề đánh cá trên đất liền của thế giới và có tới 27% loài cá nước ngọt ở châu lục này đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Không chỉ cá nước ngọt, cá biển cũng bị đánh bắt quá mức làm giảm trữ lượng cá thương mại đến 90%. Hơn 1/3 loài cá đuối (loài cá có giá trị thương mại), gồm cả loài Leopard Ray, bị đe dọa tuyệt chủng.

Mặc dù hơn 275 triệu người đang phụ thuộc nguồn thực phẩm từ các rạn san hô, nhưng 55% thủy sản ở các rạn san hô đã bị khai thác quá mức, làm cho 18% lượng cá mú bị đe dọa.

Trong khi cây trồng cho ít nhất 1/3 tổng lương thực của thế giới thì có 87 cây trồng cung cấp 113 loại thực phẩm hàng đầu phụ thuộc vào sự thụ phấn do côn trùng, dơi và các loài chim. Song các loài này cũng bị đe dọa, gồm có 16% loài bướm đặc hữu của châu Âu, 18% loài dơi, 13% loài chim bị đe dọa và 4 loài chim ruồi có nguy cơ tuyệt chủng.

Không chỉ giúp thụ phấn, dơi và các loài chim cũng giúp kiểm soát quần thể côn trùng ngăn không cho chúng phá hủy mùa màng và lây lan dịch bệnh./.


Theo (TTXVN) - M.Đ