Những "thân cò" xa xứ
(Baonghean) - Họ là những người mẹ xứ Nghệ lam lũ “một nắng hai sương” với cây lúa, củ khoai nơi chốn thôn quê, đồng ruộng. Nhưng để có tiền cho con ăn học, nuôi giấc mơ giảng đường, họ đã rời quê hương vào thành phố Hồ Chí Minh buôn bán…
Đêm, Sài Gòn lung linh bởi muôn vàn sắc màu. Mỗi góc phố, con đường đều toát lên vẻ phù hoa, quyến rũ. Ai đã từng một lần ghé thăm thành phố mang tên Bác, hẳn đều bảo: “Sài Gòn sống về đêm”. Hòa trong dòng người, xe cộ nhộn nhịp, tất bật đua chen là những “thân cò” lặng lẽ mưu sinh. Những con người mộc mạc, bình dị, còn phảng phất mùi đồng ruộng, rơm rạ như một nét chấm phá, tô điểm cho thành phố có tiềm năng du lịch lớn nhất phía Nam. Nhưng có lẽ trên hết, họ vào phố với mục đích cao đẹp: kiếm những đồng tiền chân chính, nhọc nhằn cho con cái học hành, nên người.
Đặt đôi quang gánh xuống vỉa hè đường Hàn Thuyên, chị Lê Thị Hoa (45 tuổi, quê Quỳnh Lưu) lôi trong túi ra gói bánh mì còn ăn dở. Đã hơn 9 giờ đêm nhưng bây giờ chị mới có thời gian để ăn bữa tối. Dưới ánh sáng mờ ảo của đèn đường, đâu đó trong đôi mắt của người đàn bà xa quê ánh lên nỗi nhớ nhà, thương con da diết. Đã hai năm trôi qua, lo kiếm tiền nuôi các con ăn học nên chưa một lần chị về thăm quê. “Đêm về, nhiều lúc nhớ mấy đứa nhỏ đến rơi nước mắt nhưng đành phải cố gắng bán buôn, chắt bóp chi tiêu thì tụi nó mới có tiền ăn học. Đời cha mẹ khổ cực rồi, phải cho chúng cái chữ mới mong sướng được”, đưa tay thấm vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị chia sẻ.
Chồng chị Hoa đau yếu quanh năm, một mình chị nuôi ba đứa con ăn học. Để có tiền thuốc thang cho chồng, tiền ăn học cho các con, chị làm lụng suốt ngày ngoài đồng ruộng. Nhưng mất mùa, lũ lụt liên miên, cây lúa, củ khoai không đủ ăn nói chi đến bao nhiêu chi phí trong gia đình. Nghe bạn bè, xóm giềng bảo vào Sài Gòn bán dạo mỗi tháng cũng được vài ba triệu, thế là xong vụ mùa năm đó, chị bắt xe khách vào làm cho tới nay. Những đồng tiền nhọc nhằn chị kiếm được cũng đủ trang trải áo quần, học hành cho con, thuốc thang cho chồng. Nay cô con gái lớn đã vào đại học, hai đứa sau biết phụ giúp mẹ chăm sóc bố, trông coi nhà cửa nên chị Hoa cũng đỡ vất vả phần nào.
Chị Huệ (quê Quỳnh Lưu) trở thành thân quen với các bạn trẻ Sài Gòn và khách du lịch quốc tế ở công viên 30-4.
Trong đôi quang gánh, là những món quà vặt giản dị như cóc, me, xoài, ổi, bánh tráng trộn, trứng vịt, cút lộn... phục vụ các bạn trẻ hay các vị khách du lịch phương Tây. Những chị em buôn thúng, bán bưng trên các công viên 30/4, 29/3, Tao Đàn hay tại các con đường trung tâm quận 1 đều quê miền Trung, nhưng nhiều nhất vẫn là dân Nghệ An, Bình Định. Người đi trước mách bảo người đi sau, ban đầu mới chỉ vài ba người, nhưng sau dăm năm, đã lên hàng chục, hàng trăm.
Cuộc sống ngày càng khó khăn, đồng tiền kiếm được cũng cực nhọc hơn nên một số chị em thuê nhà mãi tận các quận huyện như Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn, nếu ở gần trung tâm thì một phòng trọ chật chội có đến năm, sáu người ở. Nói là phòng trọ “cho oai” chứ thực ra là căn gác xép, những góc cầu thang hay nơi để đồ người ta ngăn lại cho dân lao động nghèo thuê. “Đi làm cả ngày, tối về chợp mắt tí cho đỡ mỏi lưng chứ ăn ở nhiều nhặn gì đâu mà phải thuê phòng to cho phí tiền hở em? Chân lấm tay bùn, cực nhọc cả đời quen rồi, giờ ở nhà rộng rãi, sung sướng quá là không… chịu được!” – nói xong, chị Hồ Thị Dung (quê Nghi Lộc) cười vui khiến mấy chị em bên cạnh cũng bịt miệng cười theo. Trong âm thanh náo nhiệt, rộn ràng của Sài Gòn về đêm, tiếng cười của các chị nghe chân chất, mặn chát mồ hôi.
Sống nơi đất khách quê người, nên các chị rất đoàn kết, yêu thương nhau. Ai có sức thì làm, chẳng bao giờ tranh giành địa bàn, nơi buôn bán. Vừa rồi chị Hồng (quê Đô Lương) bị sốt nằm liệt ở nhà, mấy chị em cùng quê thay phiên nhau đến chăm sóc, túc trực. Người cho hộp sữa, người ký đường, có người gởi vài chục ngàn hỏi thăm, động viên. “Ở xa nhà, nếu không có sự chăm sóc, quan tâm của mấy chị em cùng quê thì chị không biết sống chết thế nào. Ai cũng xuất phát từ cảnh vất vả, nghèo khổ mà ra nên quý trọng tình nghĩa lắm, khó khăn, hoạn nạn đều có nhau” – chị Hồng xúc động tâm sự.
Đa số các chị vào đây đều có con cái đang học hành, từ tiểu học cho đến đại học, có em đã ra trường lập nghiệp. Trong những người buôn bán nơi đây, chị Nguyễn Thị Giang (quê Nam Đàn) là kỳ cựu nhất. Chị vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp khi cu Tuấn con chị mới học cấp 2, thế mà bây giờ nó đã ra trường, có việc làm ổn định. Chồng mất sớm, một tay chị lo cho ba đứa con nhỏ, chẳng có đứa nào phải bỏ học giữa chừng. Năm Tuấn thi vào đại học, chị bảo thi ở Sài Gòn để chị tiện bề chăm sóc, có mẹ có con.
Mặc dù bạn bè cùng trang lứa đều thi ở Huế, nhưng thương mẹ, Tuấn cắp sách vào Thành phố Hồ Chí Minh dự thi. Khi biết tin con đậu đại học, chị Giang mừng rơi nước mắt, mấy chị em xúm lại làm bữa tiệc nhỏ ăn mừng. Bốn năm đại học của Tuấn cũng là bốn năm với bao đồng tiền mồ hôi, nước mắt của chị Tứ. Thương mẹ, cậu sinh viên tỉnh lẻ không đua đòi theo bạn bè, năm nào cũng giành học bổng để chia sẻ phần nào gánh nặng cho gia đình. Ra trường với tấm bằng loại giỏi, Tuấn xin việc không mấy khó khăn.
Có công ăn việc làm, tiền lương cũng kha khá nên Tuấn bảo mẹ đừng đi bán dạo nữa, về quê cho đỡ vất vả, tiền ăn học của các em thì đã có con lo. Thế nhưng chị Giang chưa nỡ rời xa Sài Gòn, đặc biệt là những người bạn bao năm đồng cam cộng khổ với nhau. Công việc tuy có mệt nhọc nhưng khiến chị thấy vui, có ích. “Con cái đã lớn, gánh trách nhiệm không còn nặng nề như trước nữa nhưng nghĩ đến việc về quê an nhàn, cứ thấy thế nào ấy. Còn sức khỏe, còn đi quanh công viên, phố phường mời chào được thì chưa nỡ rời bỏ chị em, Sài Gòn mà về. Thằng Tuấn nó thương mẹ thì bảo vậy thôi chứ thực ra buôn bán ở đây chị thấy khỏe hơn làm ruộng ở quê nhiều”.
Ở tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng bà Nguyễn Thị Nho (72 tuổi, quê Nghi Lộc) vẫn bám trụ từng đêm với Sài Gòn. Cách nay hơn chục năm, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Nho đành phải rời xa con cháu, quê nhà đi kiếm ăn. Sức yếu, bà chẳng làm được gì nặng nên mua mấy bịch hoa quả, nước ngọt đi bán dạo trong các công viên, nhà thờ Đức Bà (quận 1). Ban ngày bán lai rai, chỉ đủ tiền tiêu vặt nên bà phải tranh thủ bán vào buổi đêm. Nhìn cụ già tội nghiệp, lại có cái giọng chân chất miền quê xứ Nghệ nên nhiều bạn trẻ thương mến mua giúp.
Gặp tôi người miền Trung, bà cười vui như có con cháu ở quê vào thăm. Đưa tay trải tờ quảng cáo xuống vỉa hè công viên, bà bảo tôi ngồi xuống rồi kể không biết bao nhiêu chuyện. Nào là mấy đứa con bà bây giờ đã xây được nhà, không phải ở trong căn nhà rách nát, tồi tàn nữa. Nhờ những đồng tiền bà kiếm được, mấy đứa cháu học hành thành đạt, nay đã kiếm được việc làm giúp đỡ cha mẹ, hoàn cảnh gia đình không còn đói khổ, vất vả như ngày trước nữa.
Bà bảo sắp tới, đứa cháu lớn lấy vợ, bà phải làm thêm giờ để kiếm ít tiền mua quà mừng cháu. “Lần nào gọi điện, mấy đứa cứ bảo bà về quê với chúng, già rồi nghỉ ngơi cho khỏe chứ đi làm gì nữa. Nhưng đã gắn bó với Sài Gòn, chị em ở đây chừng ấy năm rồi, nói về là về liền răng được? Với lại đi bán dạo thế này, chân tay xương cốt cũng được vận động, kiếm được ít đồng giúp đỡ con cháu phần nào” – bà Nho vui vẻ tâm sự.
Nhìn người phụ nữ tóc bạc trắng, những nếp nhăn thời gian ôm gói quà bán dạo trong đêm, mới thấy đồng tiền trong sạch làm bằng chính sức lao động của mình, vất vả biết bao nhưng đổi lại thật ý nghĩa. Mặc dù còn đó những lo toan, nhọc nhằn, đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt nhưng những người mẹ vẫn cảm thấy hạnh phúc, tự hào khi nói về con cháu của mình. Đó cũng là động lực, ý nghĩa để họ vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn trên đất khách quê người.
Chia tay những người mẹ nghị lực ấy, trong tôi dâng lên một niềm cảm xúc khó tả. Phải chăng ý nghĩa của cuộc đời là có ai đó để yêu thương, có việc gì đó để làm, niềm hi vọng vào tương lai phía trước, sống là cho đi mà không mong nhận lại.
Triều Dương