Huyền thoại bên dòng Kiến Giang
(Baonghean) - Làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) soi bóng xuống dòng Kiến Giang xanh biêng biếc. Không rộng dài như nhiều con sông khác, Kiến Giang mảnh dẻ, mềm mại ôm lấy mảnh đất địa linh nhân kiệt như một dải lụa trữ tình.
Nhưng ít ai biết rằng, thẳm sâu trong lòng sông là những luồng chảy ngược dòng, thay vì chảy theo hướng đông- nam như mọi dòng sông đất Việt, Kiến Giang uốn mình theo hướng đông- bắc. “Nghịch hà Kiến Giang” tự thân nó chở mang những giá trị đặc biệt, và như trời định, dòng sông quê Mẹ đã ban cho mảnh đất này một người con kiệt xuất: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chúng tôi tìm về ngôi làng nhỏ An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) vào một buổi chiều nắng. Dấu ấn của cơn bão số 10 tàn khốc vẫn còn hằn in trên mỗi mái nhà, chái bếp, mảnh vườn nơi đây. Trái với không khí khẩn trương khắc phục hậu quả bão lụt ở những nơi khác, người dân làng An Xá tỏ ra điềm tĩnh hơn, lặng lẽ hơn. Không ai nỡ hỏi, cũng không ai nỡ thốt lên thành lời, thẳm trong trái tim mỗi người dân bản địa và cả những vị khách thập phương đều khắc mang nỗi đau thương mất mát quá lớn lao. Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con thân thương của xứ Quảng gió Lào, đã vĩnh viễn ra đi. Tin dữ lan nhanh và khốc liệt hơn bất cứ một cơn bão nào của tự nhiên.
Cách ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, thủ đô Hà Nội gần 500 km, quê nhà An Xá lịm đi trong nỗi bàng hoàng, đau xót. Vẫn biết sinh tử là quy luật của trời, và vị Đại tướng muôn vàn kính yêu của dân tộc cũng đã qua đốt bách niên hiếm có, nhưng sao vẫn không tránh khỏi cảm giác hẫng hụt, tiếc thương. Nằm êm đềm trong làng quê hiền hòa rợp bóng cây, ngôi nhà 3 gian đơn sơ được phục dựng nguyên trạng từ ngôi nhà thuở ấu thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng lớn lên, nay đã trở thành Nhà tưởng niệm Đại tướng, từng ngày từng giờ vẫn mở rộng cửa đón hàng triệu lượt khách viếng thăm. Khi chúng tôi có mặt, một bàn thờ truyền thống với đủ hương đèn, bức trướng, lọ hoa tươi và đĩa trái cây vườn nhà đã được lập nên. Người dân quê là vậy, muôn đời không phai nhòa nét hồn hậu và thơm thảo, dẫu người con của làng vì nghiệp lớn đã xa quê từ thuở thiếu thời, nhưng vĩnh viễn, tên tuổi người con ấy vẫn in đậm trong tâm khảm lớp lớp thế hệ, và đến giờ phút trọng đại này, ngôi làng nhỏ đã trọn vẹn nghĩa tình, nâng niu đón “chiếc lá vàng rụng về cội”.
Người dân xứ Quảng đến dâng hương kính viếng Đại tướng. |
Có trực tiếp đặt chân lên mảnh đất hiền hòa này, tận tai nghe những câu chuyện tâm tình của bậc cao niên mới thấm thía nỗi niềm tiếc thương vô hạn mà nhân dân xứ Quảng dành cho Đại tướng.
Ông Võ Đại Hàm- cháu gọi Đại tướng bằng ông – được gia đình giao trách nhiệm chăm sóc, đón tiếp khách đến thăm Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp mấy chục năm nay, tiếp chúng tôi với đôi mắt ngấn lệ. Kìm nén xúc động, ông Hàm đưa chúng tôi ngược thời gian trở về với những khoảnh khắc bình dị trong ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cụ thân sinh ra Đại tướng là nhà nho đức độ Võ Quang Nghiêm. Những câu chuyện kể hàng đêm về vua Hàm Nghi, về chiếu Cần Vương, hay những bài thơ “Thất thủ kinh đô”… của cha đã thấm đẫm trong tâm trí ấu thơ của ông, là nền tảng cho ý chí sắt son đánh giặc cứu nước, dành lại độc lập tự do cho Tổ quốc sau này. Những năm tháng tuổi thơ êm đềm chóng qua nhanh, nhưng kí ức về một miền quê hồn hậu, nơi có dòng nghịch hà Kiến Giang dường như không bao giờ lãng quên trong tâm khảm Đại tướng.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc độc lập đi lên xây dựng XHCN, miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ và tay sai. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Đại tướng vẫn dành thời gian về thăm quê. Mỗi lần như vậy, Đại tướng đã để lại những kỷ niệm khó quên với những người trong gia đình, dòng họ.
Trong dòng ký ức của ông Võ Đại Hàm, những năm còn khỏe, Đại tướng vẫn nghỉ lại nhà một, hai đêm trên chiếc giường nhỏ đơn sơ. Và dẫu bấy giờ ông đã là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhưng khi về với làng An Xá, Đại tướng vẫn khiêm nhường tạm quên đi vị thế của mình, tự nhận mình chỉ là người con ly hương nay trở về nhà. Ông cùng họ hàng thân hữu, hàng xóm láng giềng dùng một bữa cơm dân dã với rau muống, cà muối, cá tràu (quả) kho khô và canh cá rô nấu khế hái từ cây khế trong vườn đã hơn 100 tuổi. “Lần nào về, Đại tướng đều khuyên con cháu trong gia đình phải biết phát huy truyền thống họ tộc, cố gắng học tập lập thân, lập nghiệp, tuyệt đối không được có tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ”, ông Võ Đại Hàm nhớ lại.
Những ngày này, ở quê nhà An Xá, từng đoàn người vẫn xếp hàng lặng lẽ trước Nhà tưởng niệm Đại tướng. Trong dòng người đến viếng, những thổn thức dù đã cố kìm nén nhưng vẫn bật ra thành tiếng. Bà Võ Thị Lài (75 tuổi) - cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng bác, từ khi nghe tin dữ, ngày nào bà cũng có mặt ở Nhà tưởng niệm từ sáng sớm. Trong tay ôm bức ảnh Đại tướng đã được lồng khung trang trọng, bà nức nở: “Đau đớn tiếc thương lắm, làng nước khôn nguôi nỗi mất mát này. Vẫn biết bao nhiêu năm nay Đại tướng xa quê, nhưng dân quê vẫn giữ hình ảnh ông trong tim. Với tụi tôi, Đại tướng chưa bao giờ ra đi cả, ông vẫn sống mãi với quê hương này!”.
Gia đình ông Lê Thanh Châu (87 tuổi) và bà Võ Thị Nghĩa (83 tuổi) người làng An Xá, mấy ngày qua, khi nghe tin Đại tướng từ trần, ông bà sống trong tâm trạng tiếc thương vô hạn. Gia đình ông bà đã lập di ảnh thờ Đại tướng trong nhà. Chứng kiến cảnh ông Châu – một Đại tá của Sư đoàn 325 về hưu, đi lại hết sức khó khăn do bệnh tật vẫn nhờ con cháu dìu sang Nhà lưu niệm Đại tướng để thắp nén hương kính viếng hương hồn người Anh Cả QĐND Việt Nam, mọi người có mặt ở đó không khỏi xúc động. Bà Nghĩa - đảng viên 65 năm tuổi đảng, hình ảnh giản dị của Đại tướng luôn khắc sâu trong tâm trí bà. Thắp nén hương lên bàn thờ Đại tướng, đôi mắt mờ đục của bà ngấn lệ. “Lần đầu tiên Đại tướng về thăm quê, tôi vinh dự được nấu ăn cho Đại tướng. Khi ăn cá bống, Đại tướng khen: “Chà kho cá bống kiểu chi mà ngon rứa”! Kỷ niệm sâu sắc ấy suốt đời tôi không bao giờ quên”.
Vợ chồng CCB Lê Thanh Châu, làng An Xá, xã Lộc Thủy - Lệ Thủy (Quảng Bình) giữ nhiều bức ảnh kỷ niệm chụp chung khi Đại tướng về thăm quê. |
Về Lệ Thủy (Quảng Bình) những ngày này, đi đâu chúng tôi cũng được nghe người dân kể những kỷ niệm rất giản dị về “ông Giáp” như cách gọi thân mật của người dân. Anh Lê Đăng Đức – TT Kiến Giang chia sẻ: “Khi Đại tướng đi thăm chợ Tréo, chợ có lịch sử lâu đời bậc nhất huyện Lệ Thủy vào lần về thăm quê năm 2002, Đại tướng hỏi bà con tiểu thương: “Chợ Tréo có còn bán ruốc (mắm tôm) không?”. Câu hỏi thân tình của vị Đại tướng lừng lẫy địa cầu khiến người Lệ Thủy chúng tôi vỡ òa trong nước mắt. Bởi chúng tôi cảm nhận được rằng, dù ở đâu, làm chức vị nào, Đại tướng vẫn là một người con Lệ Thủy, Quảng Bình”.
Cũng trong dòng người đến viếng, có rất nhiều bạn thanh niên. Trong không gian nghi ngút khói hương, em Hà Phương Huyền- lớp 8A1, Trường THCS- THPT Chu Văn An (Đồng Hới- Quảng Bình) kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh của Đại tướng. Em xúc động chia sẻ: “Chúng em rất tự hào khi sinh ra và lớn lên trên quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua những bài học lịch sử, qua câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ, em ý thức được sự mất mát lớn của đất nước, quê hương khi không còn Người. Tấm gương của Đại tướng là động lực cho thế hệ trẻ quyết tâm học tập, xây dựng Quảng Bình giàu đẹp”.
Biết kể sao cho xiết những nỗi niềm mà chúng tôi cảm nhận được trong buổi chiều hôm nay, khi mà sự tiếc thương và những kỷ niệm về vị Đại tướng tài ba mà rất đỗi gần gũi vẫn còn ăm ắp trong lòng mỗi người dân xứ Quảng. Trước mắt, dòng Kiến Giang vẫn lặng lẽ trôi, còn dưới lòng sông sâu thẳm là oằn nặng những con sóng ngược dòng, như muốn cưỡng lại quy luật đớn đau của thời gian. Người ra đi nhưng hình ảnh và tình cảm nhân dân dành cho Người là bất tử. Xin được mượn đôi vần thơ thay cho lời kết:
“Con cũng như bao người Việt Nam thôi
Khóc lặng lẽ đưa Người về với Bác
Người ơi, cả khoảng trời xanh xao xác
Bóng đại bàng chợt lịm phía mây xa…”
Thành Duy
(E-Mail từ Lộc Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình)