"Quái kiệt" cầu lông U70

08/06/2013 15:14

(Baonghean.vn) - Ông già Mai Văn Lưu ở phường Hưng Phúc, thành phố Vinh được giới cầu lông xưng tụng là "quái kiệt U70". Đã liên tiếp 3 mùa giải cầu lông Người cao tuổi toàn tỉnh gần đây, ông Lưu đều "ẵm" chức vô địch...

Trong Giải thể thao Công đoàn viên chức năm 2013, có một người già râu tóc bạc phơ gây sự chú ý của tất cả mọi ngườ khi xuống sân thị phạm các động tác chơi cầu lông. Hỏi ra được biết, ông tên là Mai Văn Lưu, năm nay đã 70 tuổi, người được rất nhiều vận động viên tham dự giải xem là "chuyên gia" cầu lông có hạng... Trong giải đấu này, các đội cầu lông của Sở KH&ĐT, HĐND tỉnh, UBKT Tỉnh ủy đã mời ông tư vấn về kỹ chiến thuật thi đấu.



Ông Lưu thị phạm cho các vận động viên cầu lông trên sân Nhà thi đấu tỉnh.

Nhìn ông Lưu thị phạm cho các vận động viên thật hấp dẫn, dù đã già cả nhưng các bước tiến, lui hoặc xoạc chân vớt cầu của ông thật gọn, nhịp nhàng. Và khi ông bỏ nhỏ, hoặc đập thì đối phương thường phải chào thua vì lỡ đà không thể theo được cầu. Chính vì thấy một người già râu tóc bạc phơ có phong cách chơi cầu quá hấp dẫn nên ai cũng hướng mắt về ông.

Ông Lưu ở cùng vợ và các con cháu trong ngôi nhà số 10 đường Hecsman, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh. Trong ngôi nhà của mình ông kể, sự đam mê với bộ môn cầu lông của ông đã kéo dài hơn 20 năm, khi đó, ông đang là cán bộ Phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD&ĐT.



Ông Lưu và cháu.

Ông nói: Một năm có 365 ngày thì mình cũng có chừng ấy ngày chơi cầu lông. Đam mê chơi cầu lông như đã ngấm vào trong máu thịt...". Vì đam mê nên hễ cứ có giải thi đấu cầu lông là ông có mặt, và ông cũng chưa bao giờ rời mắt khỏi truyền hình khi có tiếp phát các giải đấu cầu lông thế giới. Những bài học kinh nghiệm trong cách chơi, trong thi đấu mà ông có được đã hình thành từ đó.

Với ông Lưu, muốn chơi cầu lông giỏi ngoài có tố chất thể thao, niềm đam mê mãnh liệt thì phải biết học hỏi. "Tôi thường tự hỏi, tại sao những người giỏi bộ môn này có thể bao được toàn sân, tại sao lực đập cầu của họ mạnh... Vì vậy, lên sân cầu có người chơi hay là tôi dừng chơi để xem, hoặc có giải đấu thì dù có bận đến mấy cũng không thể bỏ. Xem để từ đó rút kinh nghiệm cho mình...".

Đến bây giờ kinh nghiệm chơi và thi đấu cầu lông của ông Lưu đã là một "chuyên gia" thực thụ. Theo ông, từ tư thế đứng, cách cầm vợt, cách tiến, thủ, chạy chỗ, bỏ nhỏ, vụt đều phải học nếu muốn chơi cầu lông giỏi. Với tư thế đứng, hai chân bao giờ cũng không được rộng quá hai vai, bởi nếu đứng rộng chân di chuyển rất khó, hoặc không có độ rướn hoặc sẽ bị lỡ đà. Khi vớt bóng, không được phép bước nổi chân mà phải xoạc chân, hoặc khi di chuyển thì không chạy những bước quá dài, mà chạy theo nhịp "ngựa ô", đều để nếu cần tiến hoặc lui đều thuận tiện.

Trong thi đấu, cách thủ tốt nhất là phải biết tấn công. Để đập cầu có vận tốc cao, mạnh phải sử dụng đến độ dẻo của cổ tay. Ở bộ môn bóng bàn khi vụt, vẩy bóng thường khép tay sát nách, đối với cầu lông thì ngược lại, tay phải mở rộng hết cỡ và thời điểm vụt cầu cổ tay phải vẩy thật dẻo thì cầu mới nhanh và mạnh. Trong thi đấu, ngoài kỹ thuật chơi cầu thì vận động viên phải có đối pháp hợp lý, thậm chí phải biết cách tác động vào tâm lý của đối thủ.

Ông Lưu nói: Đã vào thi đấu thì không thể chỉ sử dụng tay và chân mà mắt phải rất nhanh. Phải biết chính xác đối thủ đang ở đâu để đưa cầu đến những vị trí đối phương trở tay không kịp. Hoặc qua thi đấu, khi biết đối thủ có điểm yếu gì thì nhận biết nhanh để khoét vào điểm yếu đó. Ví dụ, nếu đọc được tâm lý thi đấu của đối thủ non thì hãy bỏ cầu dọc biên, họ thường cho là cầu ra ngoài biên nên không theo, khi phát hiện ra thì không còn kịp nữa...

Đam mê cầu lông đã đem lại cho ông Lưu rất nhiều những thành tích thành công đáng kể. Ông Lưu đã liên tục 3 lần đoạt chức vô địch Giải cầu lông Người cao tuổi toàn tỉnh vào các năm 2008, 2010, 2012, và rất nhiều giải đấu cấp thành cấp phường khác...

Với ông Lưu, đam mê thể thao rèn luyện cho con người sức khỏe, minh mẫn và sự dẻo dai. "Vì vậy trong gia đình, không chỉ mình tôi đam mê mà các con, cháu và bà ấy - vợ ông Lưu là bà Lê Thị Tùng, cựu giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, năm nay xấp xỉ 70 tuổi - cũng đều đam mê bộ môn này...".


Nhật Lân