Cần nâng cao nhận thức về kinh doanh đa cấp

10/11/2013 15:17

(Baonghean) - Bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh được du nhập vào nước ta khoảng chục năm trở lại đây. Trong quá trình phát triển, loại hình kinh doanh này có nhiều biểu hiện không lành mạnh, có dấu hiệu lừa đảo, trục lợi dựa trên tình trạng thiếu thông tin, thiếu tỉnh táo của người dân, gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Để ngăn chặn những mặt trái của bán hàng đa cấp, cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân.

Thời gian gần đây, tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp có 3 gian hàng của hãng Amway được khai trương. Ông Trịnh Hồng Hoa, thôn trưởng thôn Tân Hợp nói: Cách đây mấy tháng có một số người trên địa bàn đứng ra tổ chức giới thiệu, khai trương một gian hàng Amway, tổ chức một số cuộc hội thảo. Một người muốn mở gian hàng phải bỏ ra khoảng 55 triệu đồng, hãng sẽ tổ chức khai trương: mời khách, tổ chức khám bệnh rồi họ nói gửi kết quả sang Mỹ (?). Sau đó chủ gian hàng phải có trách nhiệm bán hết số hàng trị giá 55 triệu đồng đó, thì được tiền hoa hồng khoảng hơn chục triệu. Nếu giới thiệu được từ 8 gian hàng trở lên thì được nâng cấp, hưởng thù lao 20 triệu đồng/tháng. Thấy béo bở, nhiều người đã bỏ tiền ra mở gian hàng. Hàng của Amway gồm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng, nước rửa chén bát… “Chất lượng thì tôi không dùng không biết nhưng giá cả thì cực kì đắt. Một lọ dầu gội đầu 200ml giá thị trường chỉ vài chục ngàn đồng (của các hãng nổi tiếng), nhưng riêng của Amway thì lên đến 169 nghìn đồng”, một người dân trên địa bàn nói.

Theo ông Trịnh Hồng Hoa, thôn trưởng thôn Tân Hợp thì hàng hoá của Amway rất khó bán, có thể nói là không bán được. Các chủ gian hàng chủ yếu nhờ người quen mua giúp, do nể nang “không mua không được”. Việc người dân đến tự nguyện mua hàng là hầu như không có, hàng Amway giá quá cao so với giá thị trường. “Tôi biết cái kiểu bán hàng đa cấp này không được khuyến khích, trước đây ở thành phố không bán được nên mở rộng về các vùng quê”, ông Hoa nói. Chúng tôi hỏi tại sao biết không được khuyến khích mà không tuyên truyền, phổ biến cho người dân, ông Hoa trả lời: “Việc này vì xã chưa có chủ trương nên tôi không thể tự tiện làm. Trước đây khi họ tổ chức khai trương, tụ tập đông người mà không báo cáo chính quyền địa phương, tôi định cử công an viên sang kiểm tra nhưng sau vì nể là người làng nên thôi”.

Một gian hàng đa cấp Amway tại thôn Tân Hợp, xã Tam Hợp (Quỳ Hợp).
Một gian hàng đa cấp Amway tại thôn Tân Hợp, xã Tam Hợp (Quỳ Hợp).

Khi chúng tôi lên hỏi xã, ông Trương Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, chưa có thông tin gì về việc bán hàng đa cấp trên địa bàn. “Trước đây Trường ĐH Bách khoa tổ chức hội thảo giới thiệu máy lọc ozon, chứ tôi không nghe báo cáo gì về việc tổ chức kinh doanh đa cấp trên địa bàn”. Ông Phan Đình Hoà, cán bộ văn hoá xã thì có nghe nói về việc tổ chức hội thảo bán hàng đa cấp tại nhà ông Cảnh, thôn Tân Hợp, nhưng cũng không quan tâm. Cả ông Hoà và ông Dũng đều không hiểu kinh doanh đa cấp là gì, và cũng chưa bao giờ được huyện, tỉnh tập huấn, phổ biến về loại hình kinh doanh này.

Bà Trần Thị Kim Ưng, phòng Quản lí thương mại, Sở Công thương Nghệ An cho biết: Kinh doanh đa cấp có mặt ở Nghệ An khoảng từ năm 2000, vài năm gần đây phát triển rầm rộ. Hiện có 32 doanh nghiệp đa cấp có thông báo kinh doanh trên địa bàn, phát triển thành viên ở hầu khắp các huyện thị, trong đó có một số hãng có nhiều thành viên như Amway (6.000), Thiên Ngọc Minh Uy (5.000), Lô Hội (5.000), Noni (5.000)… Đây là loại hình kinh doanh không khuyến khích, nhưng cũng không cấm được. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đa cấp chủ yếu chú trọng phát triển thành viên, và số tiền lợi nhuận được phân phối theo hình kim tự tháp: các thành viên mới, phía dưới đáy được hưởng ít, các thành viên ở vị trí càng cao hưởng càng nhiều. Trước đây, Công ty Bảo Lang Thiên Sư phát triển kinh doanh ở vùng miền núi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số có nhận thức hạn chế, làm nhiều người dân dồn toàn bộ vốn liếng mua hàng. Sau đó, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính công ty này và yêu cầu không được tổ chức phát triển mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa.

Về việc nhiều người dân bỏ ra hàng trăm triệu đồng kinh doanh đa cấp bị thua lỗ, mất trắng, hoặc phải mua hàng với giá quá cao so với giá thị trường, bà Ưng cho biết trong trường hợp này cơ quan chức năng không can thiệp được, mà do người dân không hiểu rõ lĩnh vực mình tham gia nên phải chịu hậu quả. Bà Kim Ưng cho biết thêm, trong các văn bản pháp luật về quản lí kinh doanh đa cấp vẫn còn nhiều sơ hở, hiện nay nhà nước đang chuẩn bị ban hành văn bản mới theo hướng siết chặt hơn đối với loại hình kinh doanh này. Hàng năm Sở Công thương đều tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp huyện, xã về kinh doanh đa cấp để họ tuyên truyền, phổ biến cho người dân có nhận thức đúng về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, từ thực tế tại xã Tam Hợp có thể thấy, nhận thức của một số cán bộ chính quyền cấp xã về kinh doanh đa cấp còn rất mơ hồ, hạn chế, do đó không có các biện pháp kịp thời, hữu hiệu để ngăn chặn những biến tướng, hậu quả tiêu cực từ loại hình kinh doanh này. Người dân ở các vùng sâu, vùng xa nhận thức, hiểu biết về kinh doanh đa cấp, thực phẩm chức năng còn hạn chế, trên truyền hình thì suốt ngày quảng cáo cho Amway, đây chính là nguyên nhân làm cho kiểu kinh doanh đa cấp với nhiều nguy cơ rủi ro và yếu tố lừa đảo mặc sức tung hoành.

Bài, ảnh: Trần Quang Đại