Những lần về thăm quê Bác
(Baonghean) - Có thể nói, mảnh đất Nghệ An giữ vai trò rất lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi lẽ, hai người phụ nữ phía sau cuộc đời vị tướng huyền thoại đều là những người con của vùng quê này. Đặc biệt, nơi đây là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại đã có công phát hiện và đào tạo một vị tướng tài năng, đức độ được cả thế giới mến mộ...
Những ngày này, đồng bào khắp mọi miền đất nước đang bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu ở Thủ đô Hà Nội (nhà riêng của Đại tướng) đến quê nhà Quảng Bình (xã Lộc Thủy - huyện Lệ Thủy) và xã Mường Phăng (huyện Điện Biên - tỉnh Điện Biên) - căn cứ Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, dòng người đang lặng lẽ xếp hàng vào thắp hương tưởng niệm. Và người dân quê Nghệ, từ những cụ già râu tóc bạc phơ, những người lính từng kinh qua chiến trận đến những em nhỏ đang cắp sách đến trường đều không tránh được nỗi bùi ngùi, thương xót. Với niềm kính trọng và tiếc thương vô hạn, chúng tôi tìm về Khu Di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn) - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng về thăm nhiều lần, mong tìm được những kỷ vật có liên quan đến vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam...
Trong căn phòng làm việc, ông Nguyễn Bá Hòe - Giám đốc Khu Di tích Kim Liên ngồi trầm ngâm, khóe mắt rưng rưng. Những lần Đại tướng về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hòe đều được phân công nhiệm vụ chụp ảnh và ghi chép tư liệu. Vì thế, ông có may mắn được chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc quý giá. Ông chia sẻ: “Lần đầu, hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sắp về thăm Kim Liên, chúng tôi vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Nhưng khi cụ bước vào với vẻ mặt hiền từ, tác phong giản dị, gần gũi và ân cần hỏi han, chúng tôi có cảm giác ấm áp như gặp lại một người thân sau bao năm xa cách”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyện trò với bà con xã Kim Liên (Nam Đàn). |
Những lần về thăm Khu di tích Kim Liên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều lặng đi vì xúc động trước những kỷ vật thiêng liêng của gia đình Bác Hồ. Có lần, ngồi bên chiếc chõng tre, Đại tướng chợt bật khóc. Lần khác, đứng bên cánh võng, Đại tướng rưng rưng không nói được thành lời. Trước khung cửi của thân mẫu Hoàng Thị Loan, Tướng Giáp nghẹn ngào rơi lệ... Vị Tướng thiên tài ấy thường động viên và căn dặn cán bộ, nhân viên khu di tích phải không ngừng học tập, nghiên cứu để góp phần giữ gìn và phát huy di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, di sản và tư tưởng của Người hết sức vĩ đại, tài năng và nhân cách của Người được cả thế giới khâm phục và ngưỡng mộ.
Ông Nguyễn Bá Hòe đưa chúng tôi xem những bức ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do chính tay mình chụp. Đó là những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc của Tướng Giáp kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh; dâng hương, dâng hoa trước ban thờ; chiêm ngưỡng những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ của Người; ngồi viết vào sổ vàng lưu niệm; chụp ảnh cùng các đoàn về quê viếng Bác, chuyện trò với bà con Kim Liên... Bức ảnh nào cũng chân thực và xúc động, làm bật lên vẻ hiền từ, giản dị và gần gũi của một vị tướng thuộc về nhân dân. Rồi ông Hòe dẫn chúng tôi tới khu vực bên trái Nhà lưu niệm, nơi có cây xoài lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cây xoài độ 20 năm tuổi, tỏa bóng sum suê cả một góc vườn. Nắng vàng mùa thu càng tôn lên vẻ xanh tươi, râm mát. Cành lá đung đưa trong làn gió như đưa tay tiễn biệt một người vừa đi xa...
Chúng tôi thực sự xúc động khi đọc những dòng bút tích Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại trong Sổ vàng lưu niệm của Khu di tích Kim Liên. Lật cuốn sổ này, chúng tôi tìm thấy 3 lần Đại tướng ghi lại cảm xúc của mình khi về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần về thăm vào năm 1990, Đại tướng viết: “Đến thăm quê Bác nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, rất xúc động và nhớ Bác vô cùng. Những ngày này, đồng bào và chiến sỹ, đảng viên và đoàn viên hướng về quê Bác, nguyện một lòng đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Bác và Đảng đã lựa chọn. Xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác hằng mong ước. Báo cáo với Bác là nhân dịp này, tấm lòng của cả loài người tiến bộ đều hướng về Bác, coi Bác như người con vĩ đại của thời đại”.
Cây xoài do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng tại Khu di tích Kim Liên. (Ảnh trong bài do ông Nguyễn Bá Hòe cung cấp) |
Lần về thăm Kim Liên vào năm 1997, Tướng Giáp viết: “Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 52 ngày Quốc khánh và ngày giỗ lần thứ 28 của Bác, về thăm Kim Liên, tôi vô cùng xúc động, xin gửi đến nhân dân và Đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh lời chúc mừng nồng nhiệt nhất; đến các gia đình anh hùng liệt sỹ và có công với cách mạng, đến các bà mẹ anh hùng những tình cảm thân thiết nhất. Tôi tha thiết mong rằng nhân dân và Đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh ta dốc lòng phấn đấu, tăng cường đoàn kết, năng động và sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới dưới ngọn cờ độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Bút tích thứ 3, được viết vào năm 1999, lần này Đại tướng viết tương đối dài, thể hiện rõ tình cảm và nỗi niềm của mình: “Bác ra đi thắm thoát đã 30 năm, để lại vô vàn tình thương yêu nhớ tiếc của quân và dân cả nước. Hôm nay, đến thắp nén hương dâng Bác, lòng tôi bồi hồi xúc động, nhớ Bác vô cùng. Cảm thấy Bác như vẫn còn đó. Di chúc của Bác vẫn soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên trên con đường thắng lợi. Thực hiện lời dặn của Bác, đồng bào và chiến sỹ cả nước ta đã đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dân tộc ta đã có vinh dự là một nước nhỏ đánh thắng hai đế quốc to.
Ngày nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, kể cả các đồng bào ta sống ở nước ngoài đang thực hiện trọn vẹn hơn lời “ham muốn tột bậc của Bác”, thực hiện lời Bác dặn trong di chúc thiêng liêng. Ban chấp hành Trung ương Đảng ta đã kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước mà Bác đã phát động năm xưa. Chỉnh đốn Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Nhà nước ta thực sự là vì dân và do dân. Phát triển mạnh mẽ với nghị lực đổi mới sáng tạo mọi mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, mang lại ấm no hạnh phúc cho toàn dân; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, đấu tranh cho một trật tự thế giới mới: hòa bình, công lý, bình đẳng, phát triển, đem lại hạnh phúc cho các dân tộc, cho mỗi một con người trên hành tinh của chúng ta. Kim Liên, ngày 28/8/1999. Nhớ Bác vô cùng!”.
Như vậy, xuyên suốt những dòng lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm lòng kính phục, biết ơn và nhớ thương vô hạn đối với Bác Hồ. Tuy tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút nhưng Đại tướng vẫn luôn quan tâm đến tình hình đất nước, căn dặn thế hệ sau luôn khắc ghi lời dặn dò của Bác trước lúc đi xa. Cùng với đó là tấm lòng hướng về nhân dân và yêu thương dân hết mực. Trong đó, Đại tướng dành một phần ưu ái cho quê hương Bác Hồ, bởi đây là mảnh đất chan chứa ân tình đối với cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng tài ba.
Có lẽ, chừng ấy cũng đủ để giải thích vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đó cũng là lý do giải thích vì sao Đại tướng được các hãng thông tấn lớn và các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu trên khắp thế giới ca ngợi hết lời. Bao nhiêu lời tốt đẹp đã được dành tặng cho phẩm chất, tài năng và công lao của vị Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trdong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý tới lời khẳng định của GS. Cu-rây (Mỹ): “Tướng Giáp sánh cùng với các vĩ nhân quân sự trong suốt 2000 năm qua. Ông sánh ngang tầm với A-lếch-xan- đơ đại đế. Ông vượt tầm Na-pô-lê-ông. Ông vượt qua mọi vị tướng của chúng ta. Ông là nhân vật vĩ đại của mọi thời đại!” (Đài Tiếng nói NPR, Mỹ).
Công Kiên