Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn ngập sâu trong lũ

18/10/2013 21:49

(Baonghean.vn) – Tại Quỳnh Lưu, do lượng mưa lớn (trên 300mm) cộng với các hồ đập trên địa bàn huyện vượt tràn phải xả lũ nên đã gây ngập khoảng 1.725 hộ dân, hàng trăm hộ dân phải di dời đến nơi an toàn.

Quỳnh Lưu: Hàng trăm hộ dân di dời đến nơi an toàn

Một số xã bị ngập lụt nặng như: Quỳnh Lâm, Quỳnh Thanh, Quỳnh Thạch, Quỳnh Tân, Ngọc Sơn, Thị trấn Cầu Giát. Đặc biệt, có 300 hộ dân tại các xã Quỳnh Tân, Quỳnh Văn, Quỳnh Lâm, Thị trấn Cầu Giát do nhà bị nước ngập sâu nên phải di dời đến nơi an toàn. Trong đó, có khoảng 100 hộ dân tại xã Quỳnh Tân bị ngập sâu do đây là vùng hạ du dưới đập Ba Tùy. Khi mực nước trong đập trên mức ở mức báo động 3 nên bắt buộc đập phải hạ tràn khiến cho nhiều hộ dân ở xã Quỳnh Tân bị ngập nặng.

Đến chiều ngày 18/10, nước vẫn ngập băng trên nhiều tuyến đường ở xã Quỳnh Lâm.
Đến chiều ngày 18/10, nước vẫn ngập băng trên nhiều tuyến đường ở xã Quỳnh Lâm.

Nhà cửa của nhiều hộ gia đình tại xã Quỳnh Lâm bị ngập sâu trong nước.
Nhà cửa của nhiều hộ gia đình tại xã Quỳnh Lâm bị ngập sâu trong nước.

Tại xã Quỳnh Lâm, ông Nguyễn Bá Tình, Chủ tịch UBND xã cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 11 nên từ ngày 16/10, lượng mưa trên địa bàn trên có lúc trên 300mm, mực nước sông Thái dâng lên đột ngột. Cộng với việc mực nước dâng cao tại đập Khe Gang (xã Ngọc Sơn) nên phải tiến hành xả lũ khiến 200 hộ dân tại xã Quỳnh Lâm bị ngập sâu, trong đó có khoảng 100 hộ phải di dời đến nơi an toàn. Đến 15 giờ ngày 18/10, tại các xóm 17, 18, 19. 20, 22 của xã Quỳnh Lâm, nước vẫn ngập băng khắp các đường làng, ngõ xóm. Nhiều hộ gia đình phải di dời đến những nơi cao như trụ sở Ủy ban, trường học hoặc ở nhà nhà anh em do nước dâng cao quá đầu người. Ông Nguyễn Trung, xóm 22 cho biết rằng: Do nước ngập cao quá đầu người nên cả gia đình chúng tôi phải di dời đến nhà anh em ở tạm. Sau hơn 2 ngày ngập, nước bắt đầu rút nhưng nếu trời cứ tiếp tục mưa thì chắc chắn nhà chúng tôi sẽ còn ngập lâu hơn.

Mưa lớn trong 2 ngày qua cũng đã làm 700 ha rau màu và khoảng 500 ha ngô vụ Đông tại các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Tân Sơn... mới được người dân khôi phục lại sau cơn bão số 10 nay tiếp tục bị ngập và mất trắng. Vào lúc 21h ngày 16/10, do mưa lớn, nguồn nước đổ về nhanh đã khiến đập Eo Dâu tại xã Quỳnh Văn (dung tích 200 ngàn m3) và đập Hóc Mét tại xã Tân Sơn (dung tích 600 ngàn m3) đã bị sạt mái thân đập nghiêm trọng, có khả năng vỡ. Ngay sau khi phát hiện sự cố, chính quyền 2 địa phương trên đã tiến hành cho hạ tràn 1 m và phủ kín bạt trên thân đập trong đêm để tránh hiện tượng vỡ đập. Được biết, đập Eo Dâu đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án nâng cấp, sửa chữa nhưng nguồn vốn chưa được chuyển về nên luôn đe dọa vỡ.

Đến chiều 18/10, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu vẫn cò bị ngâp sâu. Trên QL 48B, đoạn qua cầu Bang ở xã Quỳnh Mỹ, từ ngày 16/10, bị ngập sâu trên 1 mét, người dân phải qua lại bằng thuyền. Bên cạnh đó, trên đoạn QL1A đoạn qua địa bàn xã Quỳnh Văn bị ngập khoảng 50m. Nhưng từ sáng ngày 18/10, do mưa ngớt nên đã rút nhanh, QL1A thông tuyến bình thường. Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu đang tích cực triển khai các phương án phòng chống lụt bão nhằm đảm bảo an toàn về tài sản và người tại những địa phương bị ngập và những điểm giao thông xung yếu.

Diễn Châu: Nhiều xã bị cô lập vì lũ

Ông Cao Văn Thái – Phó phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết, trong hai ngày nay, lượng mưa phổ biến ở Diễn Châu từ 300 – 400mm, xảy ra trong thời kỳ triều cường, nước biển dâng cao gây ngập sâu trên diện rộng. Các xã bị ngập nặng là Diễn Minh, Diễn Thọ, một số xóm của xã Diễn Lợi, Diễn Lộc, Diễn Liên, Diễn Tân. Tại các đường giao thông liên xã, liên xóm ở các xã trên đều đang bị ngập, giao thông bị chia cắt. Tuyến đường từ quốc lộ 7 đến xã Diễn Minh đang bị ngập sâu, nơi sâu nhất khoảng hơn 1m khiến Diễn Minh bị chia cắt hoàn toàn.

Nước ngập sâu đã khiến nhiều gia đình phải di dời đến nơi an toàn.
Nước ngập sâu đã khiến nhiều gia đình phải di dời đến nơi an toàn.

Mưa lớn ở Diễn Châu đã khiến nước ở hồ Xuân Dương lên cao, vượt qua mức xả tràn xả lũ 60cm đã gây ngập lụt cho môt số hộ dân của các xóm 3, xóm 11 xã Diễn Minh. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng sơ tán một số hộ dân ở hạ lưu đập thủy lợi. Nếu trong những ngày tới, trời tiếp tục mưa, mực nước trên hồ Xuân Dương dâng cao, vượt qua mức báo động 2 thì hàng chục hộ dân ở các xã Diễn Phú, Diễn Lộc sẽ phải di dời đến nơi an toàn.

Diễn Châu là vùng trọng điểm sản xuất vụ Đông. Mưa lớn trong mấy ngày qua đã khiến cho 2000ha ngô, 400ha lạc, 300ha khoai lang và rau màu vụ Đông đang bị ngập nước. Một số diện tích có khả năng mất trắng. Dù nước lũ đổ về nhanh, bất ngờ nhưng nhờ làm tốt công tác sẵn sàng 4 tại chỗ nên đến nay, ở Diễn Châu chưa có thiệt hại về người trong đợt lũ.

Chiều 18/10, lượng mưa đã giảm nhưng lượng nước từ thượng nguồn huyện Yên Thành đổ về lớn cộng với việc triều cường dâng cao khiến việc tiêu nước ở Diễn Châu khá chậm. Dự kiến, đến ngày 19/10, các xã bị ngập lũ ở huyện Diễn Châu sẽ hết cảnh bị cô lập.

Phạm Bằng

Chiều 18/10, vùng năm Nam của huyện Nam Đàn vẫn chìm trong biển nước. Nam Trung và Nam Cường là hai xã bị ngập sâu nhất.

Tại xã Nam Trung, đường đi lại của 04 xóm phía ngoài đê là xóm 11, 12, 13,14 với 385 hộ dân đã bị chia cắt và cô lập. Nước đã tràn vào nhà, vào vườn và cả giếng nước, có chỗ lên cao hơn 2m. Tuy vậy, chính quyền và người dân xã Nam Trung đã có sự chủ động chuẩn bị.

Trước, trong mưa lụt, Đảng ủy, UBND xã liên tục có những thông báo, chỉ đạo cho các xóm, trường học và người dân nêu cao tinh thần ứng phó với việc yêu cầu mỗi hộ gia đình tự sắm 01 con đò, làm gác cao, đào giếng khoan, chuẩn bị lương thực; các trường cho học sinh nghỉ học trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy vậy, Nam Trung vẫn có những thiệt hại nhất định. Có khá nhiều bức tường đã bị sập, một số vườn cây ăn quả bị đổ và nhiều diện tích hoa màu bị hư hại. Rất may không có thiệt hại về người. Hiện nay, nước bắt đầu rút, xã đang chỉ đạo nhân dân dọn dẹp vệ sinh, ổn định đời sống sau lũ.

Rốn lũ xã Nam Cường, huyện Nam Đàn
Rốn lũ xã Nam Cường, huyện Nam Đàn

Người dân sống trong tình cảnh “Người sống cùng bò”
Người dân sống trong tình cảnh “Người sống cùng bò”

Một số con đường của Xóm 6, xóm 7, xóm 8 Xã Nam Cường hiện giờ đã chìm dưới 2-3m nước. Mưa lũ kéo về, người dân đã lường trước nên sớm đưa trâu bò, xe cộ và các loại tài sản có giá trị lên gửi tại các hộ ở khu vực cao. Một số hộ dân khác có nhà hai tầng kiên cố đã đưa bò, lợn gà lên ở cùng người. Tuy vậy, cuộc sống chung với lũ còn nhiều bất trắc do điều kiện vệ sinh môi trường, thiếu nước sạch sinh hoạt. Không gian sống của nhiều gia đình hiện chỉ quẩn quanh căn gác nhỏ, dưới nóc nhà. Mưa lũ đã làm tê liệt mọi hoạt động của xã Nam Cường./.

Thành Chung