Những thực phẩm cực tốt nhưng không nên ăn nhiều
Ngay cả với những thực phẩm được cho là lành mạnh, có tác dụng rất tốt với sức khỏe, nhưng nếu tiêu thụ quá đà sẽ bị phản tác dụng.
Cà rốt
Lượng beta carotene trong cà rốt được chứng minh có khả năng phòng ngừa các căn bệnh ung thư, đặc biệt khi vào cơ thể nó chuyển hóa thành vitamin A, B, E và các khoáng chất như can xi, ma giê, mangan, sắt, đồng... là những chất mà cơ thể không thể thiếu. Tuy nhiên hãy cẩn thận vì nếu hấp thụ quá nhiều beta carotene, làn da có nguy cơ chuyển sang màu vàng. Hiện tượng này thường xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, và kể cả những người nghiện cà rốt.
Cá ngừ... chỉ nên dùng đủ để tốt cho sức khỏe - Ảnh: Shutterstock
Cá ngừ
Đây là loại thực phẩm được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên có mặt trong các bữa ăn bởi những lợi ích mà nó mang lại: hạ huyết áp, giảm cholesterol xấu, bảo vệ gan, ngừa thiếu máu, thiếu sắt, giảm nguy cơ mắc bệnh tim... Thế nhưng, hãy cẩn trọng khi sử dụng loại cá này, vì theo kênh truyền hình CBS News (Mỹ) dẫn lời từ Viện Nghiên cứu đa dạng sinh học tại tiểu bang Maine cho biết có đến 84% lượng cá trên toàn thế giới chứa thủy ngân gây hại cho sức khỏe; trong đó cá ngừ thường có nồng độ thủy ngân vượt mức an toàn. Ăn quá nhiều cá ngừ dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thủy ngân - nguyên tố có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn não và thận của con người.
Trà kombucha
Kombucha hay còn gọi là trà nấm dưỡng sinh. Đây là loại thực phẩm lên men được dùng trong y học dân gian nhiều thế kỷ trước. Công dụng của loại trà này được khoa học chứng minh có thể phòng ngừa các chứng bệnh như: xơ vữa động mạch, táo bón, mệt mỏi, thanh lọc cơ thể, chống lão hóa... Vài năm trở lại đây, trà kombucha được nhiều người sử dụng, tuy nhiên một số tác dụng phụ không mong muốn như ói mửa, dị ứng thường xảy ra khi dùng quá nhiều. Hơn nữa, việc ủ kombucha có thể dễ dàng bị nhiễm nấm mốc và vi khuẩn.
Cà phê
Bên cạnh những lợi ích mang lại như: giúp giảm cân, ngừa ung thư, lợi tiểu, giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật, ngừa xơ gan, tăng cường hoạt động não bộ..., thì cà phê cũng là tác nhân làm rối loạn nhịp tim, tắc mạch máu, gây buồn nôn, tạo cảm giác lo lắng, bồn chồn, run rẩy, khó ngủ... nếu dùng nhiều.
Nước
Ai cũng biết nước đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với cơ thể. Tuy nhiên, nếu uống nước không đúng cách hoặc lạm dụng, có thể dẫn đến nguy cơ mất cân bằng điện giải. Theo Dailyhealthpost, các chất điện giải như: natri, kali, ma giê, can xi rất quan trọng để giúp cơ thể thực hiện các chức năng một cách tốt nhất. Khi uống quá nhiều nước, cân bằng điện phân bị xáo trộn dẫn đến mất cân bằng nước, kết quả cơ thể liên tục bài tiết nước, từ đó gây mệt mỏi cũng như dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim và thận.
Theo Thanh Niên - NM