Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2013

27/04/2013 18:20

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung tăng cường các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; không chủ quan, lơ là trước mục tiêu kiềm chế lạm phát; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; kiên quyết giữ được ổn định tỷ giá... là những nội dung quan trọng được bàn bạc trong phiên họp tháng 4/2013 của Chính phủ.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung tăng cường các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; không chủ quan, lơ là trước mục tiêu kiềm chế lạm phát; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; kiên quyết giữ được ổn định tỷ giá... là những nội dung quan trọng được bàn bạc trong phiên họp tháng 4/2013 của Chính phủ.



Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2013. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ngày 26/4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2013 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013, các thành viên Chính phủ nhận định, kinh tế vĩ mô tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 tăng 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua; giá cả, thị trường khá ổn định; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tỷ giá, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định; thanh khoản các ngân hàng thương mại được cải thiện đáng kể; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao; xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người mất việc làm, gia đình có công với cách mạng được quan tâm…

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, trong đó nổi lên là: Cả khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều có những khó khăn nhất định; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo, gặp khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm; lãi suất cho vay còn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết...

Ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục tập trung mạnh vào tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nhằm duy trì đà tăng trưởng, trong đó trước mắt thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Trong công nghiệp, cần hết sức quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo. Trong phát triển nông nghiệp phải chủ động nắm bắt tình hình, chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh; chú trọng thực hiện các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ xuất khẩu...

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, ngành nông nghiệp tiếp tục có những bước phát triển, song cũng gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, hạn hán ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan hỗ trợ các địa phương chống hạn hán, dịch bệnh; hỗ trợ người dân chuyển đổi giống cây trồng để ứng phó với hạn hán.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các Bộ, ngành địa phương chủ động và quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm ở khu vực biên giới; không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nhất là đối với dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, được coi là thế mạnh của Việt Nam.

Cho biết một số kết quả chính liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh các địa phương cần quan tâm, thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay ở cấp cơ sở nhằm tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người còn dai dẳng, phức tạp, kéo dài.

Liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho hay, việc huy động vốn của nền kinh tế hiện nay tương đối tốt, tỷ giá ổn định, thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện đáng kể, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao, niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam ổn định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% có khả năng đạt được. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể sớm triển khai gói hỗ trợ cho người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp vay mua nhà ở.

Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang có những diễn biết phức tạp, nếu để lây lan trên diện rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân cũng như gây thiệt hại lớn về kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh ở gia súc, gia cầm để có các biện pháp ứng phó hiệu quả.

Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và một số thành viên Chính phủ cũng đề xuất cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các đề án tái cơ cấu kinh tế, các công trình giao thông trọng điểm quốc gia; có chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình dây dưa nợ đọng bảo hiểm xã hội; chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ thỏa đáng cho đồng bào ở các vùng bị thiên tai, dịch bệnh để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, thực hiện tốt các giải pháp giảm ùn tắc, kiềm chế tai nạn giao thông...



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, không lơ là mục tiêu kiềm chế lạm phát

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành địa phương đã quán triệt, bám sát các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho thấy, tình hình trên các mặt tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận có những mặt còn chậm, có những mặt còn chưa vững chắc và có những mặt còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề. Yêu cầu đặt ra là phải kiên định, kiên trì các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2013, chưa đặt vấn đề điều chỉnh .

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải bám sát mục tiêu, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra. Theo đó, trước hết phải tập trung tăng cường các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; không chủ quan, lơ là trước mục tiêu kiềm chế lạm phát; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; kiên quyết giữ được ổn định tỷ giá...

Cùng với đó là thực hành tiết kiệm triệt để chi tiêu công, chống lãng phí; chỉ đạo quyết liệt công tác thu chi NSNN, đảm bảo cân đối thu chi, giữ được mức bội chi NSNN như đã được thông qua. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương nhằm thúc đẩy tăng tổng cầu của nền kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, các dự án công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn.

Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng; có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu này.

Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để có chính sách về lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Rà soát và cập nhật danh mục các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để có biện pháp kiểm soát nhập khẩu; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Quan tâm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Các bộ, ngành chức năng cũng cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể đối với các đối tượng vay vốn mua nhà ở xã hội.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; đảm bảo năm 2013 giảm cả 3 tiêu chí là số vụ, số người bị thương và số người bị chết do tai nạn giao thông, trước mắt là thực hiện tốt công tác này trong kỳ nghỉ lễ dài dịp 30/4 và 1/5 sắp tới.

Tập trung theo dõi, chủ động các phương án phòng chống dịch bệnh tai xanh, H5N1, H7N9.... kịp thời hỗ trợ người dân ổn định sản xuất và đời sống sau thiên tai, dịch bệnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm đến công tác thông tin, truyên truyền, thông tin khách quan, trung thực, đa chiều về mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội nhằm tạo đồng thuận xã hội. Đặc biệt cần hết sức lưu ý tới công tác thông tin về điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là điều hành giá xăng dầu, tránh tình trạng người dân, dư luận thiếu thông tin hoặc có thông tin nhưng không đầy đủ dẫn đến hiểu một cách phiến diện, thậm chí hiểu sai về công tác điều hành giá xăng dầu cũng như nhận định cho rằng việc điều hành như vậy là thiếu công khai, minh bạch.


Theo (Chinhphu.vn) - L.T