Hơn 40 năm, thức dậy trước ánh ngày...

14/06/2013 18:50

Tuổi 62, nhưng vẻ mặt khắc khổ và mái tóc bạc như sương của bà Nguyễn Thị Ninh khiến chúng tôi phải ngỡ ngàng... Bà nói, có lẽ do loại công việc “đặc thù” của mình chỉ làm trong đêm, giữa những bãi tha ma lạnh lẽo đầy sương khiến bà sớm già chăng? Hơn 40 năm qua, bà không nhớ nổi mình đã “sang cát” cho bao nhiêu người quá cố. Ngoài quê hương xứ Thanh, bước chân người đàn bà đi bốc mộ thuê ấy đã in dấu trên nhiều dặm đường của miền quê Nghệ-Tĩnh, nơi bà chọn để sinh sống và gắn bó. Xa hơn nữa, bà còn đến cả Mường Báng, Mường Lay, Tuần Giáo, Tủa Chùa (Điện Biên)...

(Baonghean) - Tuổi 62, nhưng vẻ mặt khắc khổ và mái tóc bạc như sương của bà Nguyễn Thị Ninh khiến chúng tôi phải ngỡ ngàng... Bà nói, có lẽ do loại công việc “đặc thù” của mình chỉ làm trong đêm, giữa những bãi tha ma lạnh lẽo đầy sương khiến bà sớm già chăng? Hơn 40 năm qua, bà không nhớ nổi mình đã “sang cát” cho bao nhiêu người quá cố. Ngoài quê hương xứ Thanh, bước chân người đàn bà đi bốc mộ thuê ấy đã in dấu trên nhiều dặm đường của miền quê Nghệ-Tĩnh, nơi bà chọn để sinh sống và gắn bó. Xa hơn nữa, bà còn đến cả Mường Báng, Mường Lay, Tuần Giáo, Tủa Chùa (Điện Biên)...

Cha truyền, con nối

Nói về nghề của mình, bà Ninh nhắc đến người cha đã mất, mắt ngấn lệ. Mẹ bà mất sớm, cha bà ở vậy nuôi các con khôn lớn bằng nghề bốc mộ thuê. Các anh, chị của bà không ai theo nghề cha. Chỉ riêng bà, cái “nghiệp” nó vận vào mình, bắt đầu từ cái đêm Đông buốt giá ấy…

Mồ côi mẹ khi 5 tuổi, là con út trong nhà, cô bé Ninh được “ưu tiên” ngủ cùng cha mình. Mùa Đông năm ấy sao mà dài lê thê, có nhiều đêm cô bé trở dậy, quờ tay sang bên thấy một khoảng trống. Trong ánh sáng ngọn đèn dầu tù mù, cô bé nhìn khắp gian nhà, nhưng cũng không mảy may thấy cha. Sáng hôm sau cô hỏi, chỉ biết rằng cha đi làm việc, cô bé có thêm nắm xôi, quả chuối cha để phần. Rồi một đêm mưa rét tháng Chạp, cô bé 10 tuổi thức giấc và thấy cha nhẹ nhàng trở dậy. Ông vặn to ngọn đèn, tìm một vật gì đó trong nhà, sau đó quay lại kéo chăn cho con rồi mở cửa đi ra. Tò mò, cô bé Ninh lén bước bám theo cái bóng của cha lầm lũi bước đi giữa màn đêm mưa lạnh. Đi mãi, đi mãi, hết những con đường làng quen thuộc, hết bóng cây. Cảm giác sợ hãi tăng dần khi thấy mình bước chân trên con đường mấp mô ra phía cánh đồng bạt ngàn mồ mả. Sống lưng buốt lạnh, nhưng vẫn thấy bóng cha mình phía trước, cô bé Ninh bấm chân bước tiếp. Và nấp đằng sau một ngôi mộ cao, Ninh đã thấy hết công việc của cha mình. Ông lom khom bên ngôi mộ người quá cố, dầm chân trong hố nước sâu để nhặt nhạnh những mảnh xương người giữa tấm ván thiên đã bật nắp. Ông rửa đi rửa lại những mảnh xương cẩn thận, nhẹ nhàng. Hơn 1 giờ đồng hồ trong giá buốt như vậy, cô bé nghe tiếng cha: "Công việc đã trọn vẹn, gia đình an tâm". Khói hương nghi ngút, người ta cúng vái, bái lạy, sau đó đưa cho cha một gói nhỏ. Ngày ấy, cô bé Ninh không biết đó là tiền công bốc mộ, thêm một chút “lộc” là nắm xôi, quả chuối. Đứng run rẩy sau những nấm mộ, tự bao giờ, dòng nước mắt nỏng hổi đã tràn xuống gương mặt thơ trẻ của cô. Cô bé đã khóc vì sợ hãi và vì cả tình thương trào dâng với người cha của mình…

Quay trở về một mình trước khi cha kịp hay, cô bé nằm trên giường và không tài nào ngủ lại được nữa. Hình ảnh lom khom của cha đang nhặt nhạnh, nâng niu và rửa sạch những mảnh xương hằn in trong trí óc non nớt. Có một điều gì đó đã len vào tâm trí của cô bé, nó bắt nguồn từ tình thương vô bờ để dần hình thành nên một quyết tâm: mình sẽ theo cha đi làm…

Nhớ lại những ngày đầu, bà Ninh kể: Ban đầu, cũng sợ lắm, nhìn thấy xương người mà rùng rợn, về nhà không ăn được cơm, ốm cả tuần vì tử khí ám ảnh. Thế nhưng cứ nhìn ông cụ cẩn trọng làm, lại thấy người cần nhờ việc rất biết ơn cha con, được nghe bao nhiêu câu chuyện kể về những người nằm xuống và hơn hết là qua thời gian, bà đã quen và gắn bó với công việc “đặc biệt” này. Bao bí quyết trong “nghề”, bà Ninh đã được cha truyền dạy, nào cách xin quẻ, nào cách xức dầu, xức rượu, nào cách bóc tách, cách rửa xương…

Theo cha đi suốt tuổi thơ, rồi khi cha mất, cả tuổi thanh xuân lặng lẽ với nghề giữa nghĩa địa mênh mông, bà Ninh không ít phen tủi phận khi gặp phải những ánh nhìn xa lánh từ các chàng trai. Thế nhưng, nghĩ đến lời cha: "Mình làm nghề này vừa giúp gia đình qua cơn đói, vừa làm phúc cho người ta, con ạ", bà lại có lòng quyết tâm gắn bó với nghề. “Nhiều lúc buồn, nghĩ đến tìm một bờ vai để chia sẻ, cứ nhớ đến việc đã hai lần người ta từ chối, người ta cho rằng nghề này nặng âm khí, xui xẻo trong nhà, nên tui cũng không dám”. Vậy là, cô gái được xem là xinh đẹp, hiền lành của vùng đất Đông Hưng, Đông Sơn xứ Thanh gần tuổi 30 vẫn đơn bóng. Lúc này, bà Ninh quyết định rời quê hương vào Nghệ An tiếp tục nghề cha truyền. Bà chọn một góc nhỏ của thành phố, nơi dân ngụ cư hay tìm đến để bắt đầu cuộc sống mới. Bà đã gặp được người chồng hiện tại của mình, cùng quê xứ Thanh phiêu dạt vào đây, dựng một căn nhà nhỏ để xây tổ ấm. Với nghề bốc mộ thuê, bà nuôi được 2 người con khôn lớn, trưởng thành...



Bà Ninh trước một chuyến đi.

Chuyện “nghề”

Như vậy, tính đến nay, bà Ninh đã có trên 40 năm gắn bó với công việc bốc mộ thuê, mà như bà nói là “làm việc phần âm”, hay “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. “Đồ nghề” chỉ là chiếc túi nhỏ đeo bên mình, trong có cái đĩa, đôi đồng âm dương, có thêm chai dầu, hay rượu. Không thể nhớ hết mình đã cải táng cho bao nhiêu ngôi mộ tại nhiều địa phương, không thể nhớ hết bao nhiêu cực nhọc, buồn vui trong nghề. Tháng nào, ít nhất, bà cũng phải bốc đến 10 ngôi mộ. Bà nói, theo phong tục người dân quê mình, người ta thường chọn giờ bốc mộ lúc nửa đêm, còn ở trong này (Nghệ An- Hà Tĩnh), người ta lại bốc lúc gần sáng, trước lúc mặt trời mọc.

Mùa người ta thuê bốc mộ nhiều nhất bắt đầu từ tháng 10 âm lịch cho đến sát Tết. Có những đêm bà phải bốc đến hai, ba mộ. Ngôi nào dễ chỉ khoảng 40 phút, có những mộ khó thì vất vả đến hai giờ đồng hồ mới xong. Không như nghề khác, nghề bốc mộ đã hứa, đã định là phải làm dù đêm đó có mưa to hay bão về. Có lần mưa bão ùa về, căn nhà nhỏ của ông bà chắt chiu xây dựng nằm phía sau Ga Vinh, nơi ao hồ heo hút cỏ dại mọc (thuộc khối 13, phường Đông Vĩnh), nước dâng lút đầu gối. Khi ấy, cá và rắn cũng theo dòng nước lũ vào tận sát giường nằm. Chồng ốm, con khóc thét vì hoảng sợ, bà Ninh cắn răng nén nỗi thương con, khăn gói đi về phía rú Nguộc, xã Nam Trung (Nam Đàn) bốc mộ cho 2 gia đình như lời đã hứa. Khi ấy đã 11 giờ đêm, bà đi trong mưa bão với cái túi nhỏ trên vai, chân bấm chặt trên đường. “Không đi thì lỡ việc, tội người sống và người đã khuất”.

Những chuyện bà Ninh gặp trong nghề, kể lại, người yếu bóng vía chắc hẳn “đứng tim”. Chẳng hạn, không ít lần khi mở nắp áo quan, thi hài vẫn còn nguyên hình dạng, giống như một người đang ngủ. Bà Ninh bảo, gặp những ngôi mộ như vậy là mộ kết, thiêng lắm. Mình phải làm cẩn thận, "tắm" mát cho người quá cố sạch sẽ, gọn gàng, sắp đặt hài cốt đúng vị trí, người nhà sẽ được hưởng lộc này đến mấy đời sau.

Có hôm trời nóng bức, bà Ninh nhận lời bốc mộ cho một gia đình vào lúc 1 giờ sáng. Khi mở nắp quan tài, người quá cố vẫn còn nguyên hình dạng, và dính chặt vào mảnh ván thiên. Vận dụng “bí quyết” nghề nghiệp, nhưng phải đến 3 giờ đồng hồ, bà Ninh mới hoàn thành công việc. Người nhà vừa bồn chồn lo lắng, lại khóc lóc, kêu than, bà vừa làm vừa lựa lời động viên mãi, rằng không phải vì vội mà làm vội được. Bà cẩn thận rửa từng bộ phận, sắp đặt đúng vị trí, kiểm tra đi kiểm tra lại mới đưa người quá cố sang “nhà” mới.

Lần khác, bà đi bốc mộ ở bản Khe Lầm, Mường Lay, của tỉnh Điện Biên. Đêm hè nóng bức, gần 12 giờ đêm ve kêu râm ran trên đầu, xua tan khí nặng của vùng nghĩa địa. Khi nắp quan tài bật mở, từ trên cây có một người mặc đồ trắng toát, tóc tai rũ rượi, lên tiếng "Không được đào ta lên, để ta nằm yên ...". Bà Ninh lấy hết sức bình tĩnh nhìn lên thật kỹ, trong khi người nhà của người quá cố thì khiếp sợ bỏ chạy, la om sòm. Thì ra, người “giả ma” đang treo mình trên cây là một người thân trong nhà, có bệnh tâm thần từ nhỏ.
Bà Ninh nói, chuyện phải chịu đựng ô nhiễm, hay nhiễm hơi lạnh sinh ốm đau vẫn xảy ra, nhưng “có ốm , cũng vẫn phải làm”.

Mưu sinh và làm phúc

Hơn 40 năm làm nghề, bà Ninh luôn tâm niệm lời dặn của cha mình: “Đây là nghề làm phúc. Làm nghề này, tuyệt đối không được mang lòng tham”. Chính vì vậy, không ít lần các gia chủ đến năn nỉ, nhưng không vì thế mà bà thách giá, vòi tiền. Có những năm khốn khó, lo từng bữa ăn, từng viên thuốc cho chồng, nhưng bốc xong mộ, bà lại không nỡ lấy tiền công, chỉ cầm về chút hoa quả, bánh trái để gia chủ vui lòng. Bà nói: “Người ta còn khó hơn cả mình. Đắn đo mãi mới lo được chuyện chuyển “nhà” cho cha, cho mẹ, thôi thì mình lấy công mà giúp, coi như sự chia sẻ của gia đình”.

Có lần, bà khăn gói sang Hà Tĩnh theo lời mời, đến nơi, thấy ngôi nhà gia chủ rách mướp, trong nhà cũng như ngoài sân sũng trong mưa, bà ngậm ngùi trả lại tiền công trong sự ngại ngần của gia chủ. Không ít lần, người thân ở Thanh Hoá vào thăm, thấy gia cảnh bà vẫn không khá hơn, ngôi nhà hiện tại được bà làm chắp vá tới 5 lần, đã thắc mắc: “Người ta làm nghề bốc mộ xây được nhà to, ăn sung mặc sướng, có xe đón rước, đằng này bác chỉ sống đơn giản như vậy thôi sao?". Bà Ninh chỉ cười: “Quý hoá trời cho sức khoẻ còn trụ lại với nghề, nhìn con cái, cháu chắt lớn lên là mừng rồi !". Tâm sự với chúng tôi, bà Ninh không giấu: “Nếu như mình bắt ép người ta giá cả người ta cũng phải nghe thôi, bởi người ta cần mình. Nhưng với tui, thì đây là việc tùy tâm. Còn nếu nói giá, thì cái giá đặt ra là 500 ngàn đồngcho mỗi ngôi mộ (hiện tại). Gia cảnh nào khó khăn, tui giúp không lấy tiền”.

Làm nghề bốc mộ thuê, bà Ninh và cả gia đình cũng chịu không ít ánh nhìn thiếu thiện cảm. Có người còn nói trắng: “Bà bám vào xác chết để sống”. Vượt lên những lúc chạnh lòng, bà vẫn tự hào mình làm việc phúc đức: “Thử nghĩ, nếu không có chúng tôi thì ai sang cát cho người quá cố, người nhà của người đã khuất có yên tâm không nếu không ai nhận lời bốc mộ?”. Chúng tôi hỏi: “Bà có định theo nghề đến hết đời không?”, bà gật đầu quả quyết: “Có chớ, khi nào trời còn cho sức khỏe, tui còn làm”, rồi bà quay sang, nói khẽ, như lời nhắc nhở chính mình: “Chỉ có con cái là chúng không theo nghề này thôi. Chúng không theo nghề tui cũng phải...”.

Chúng tôi chào bà Ninh ra về khi bà chuẩn bị khoác túi lên vai để làm chuyến hành trình ngược Điện Biên. Bà tất tả thu dọn, bỏ vào túi “đồ nghề’ chiếc đĩa, đôi đồng âm dương đã gắn bó với bà qua tháng, năm. Đêm nay, hay đêm mai, cái bóng gầy liêu xiêu ấy lại sẽ cặm cụi nơi nghĩa địa, bàn tay gầy gò lặn tìm sâu dưới đáy huyệt của một người quá cố xa lạ nào đó. Thỉnh thoảng, bà sẽ ngóng chừng về phía Đông, nơi ấy, ánh ngày sẽ lên vào một vài giờ khắc nữa...


Bài, ảnh: Thuỳ Vinh- Thu Hương