Tràn lan phường, hụi biến tướng
Chơi phường (hụi, hội, họ...) được hiểu là một hình thức huy động, góp vốn nhằm giúp nhau có những khoản tiền tiết kiệm trong một nhóm người có cùng lợi ích trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên thời gian qua, liên tục có nhiều người dân ở Quỳ Châu, Diễn Châu, Nam Đàn, qua đường dây nóng Báo Nghệ An đã thông tin ở địa phương họ sinh sống có những đối tượng lợi dụng sự cả tin, lòng tham và kém hiểu biết của nhiều người đã biến tướng phường, hụi thành cơ hội trục lợi trái pháp luật...
(Baonghean) - Chơi phường (hụi, hội, họ...) được hiểu là một hình thức huy động, góp vốn nhằm giúp nhau có những khoản tiền tiết kiệm trong một nhóm người có cùng lợi ích trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên thời gian qua, liên tục có nhiều người dân ở Quỳ Châu, Diễn Châu, Nam Đàn, qua đường dây nóng Báo Nghệ An đã thông tin ở địa phương họ sinh sống có những đối tượng lợi dụng sự cả tin, lòng tham và kém hiểu biết của nhiều người đã biến tướng phường, hụi thành cơ hội trục lợi trái pháp luật...
Chúng tôi tìm đến gia đình bà Ngô Thị Thất ở xóm 5 trên trục Quốc lộ 48 theo sự giới thiệu của Công an xã Diễn Lâm (Diễn Châu). Bà Thất và chồng là Ngô Sỹ Thuần là nạn nhân của phường do bà Bùi Thị Hòa ở xóm 5 làm chủ. Theo hồ sơ của Công an xã Diễn Lâm thì bà Hòa đang nợ bà Thất 860 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tiếp xúc thì bà Thất chối không có chuyện này, rằng mọi việc giữa bà Thất và bà Hòa đã xong!? Tiếp tục dọc theo Quốc lộ 48, chúng tôi tìm vào nhà chị Chu Thị Trinh ở xóm 2.
Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này chúng tôi vờ hỏi mua nhà. Và dường như cách này phát huy tác dụng ngay lập tức. “Ai bày cho các chú. Nói thàm thàm, làm chi có chuyện tui bể hụi bán nhà.” – Chị Trinh tỏ vẻ bức xúc. Chị Trinh cũng là một “con phường” của chủ trùm Bùi Thị Hòa. Theo đó, bà Hòa vừa vay tiền mặt, vừa nợ tiền phường của chị Trinh 290 triệu đồng. Nhưng không chỉ có vậy, cá nhân chị Trinh cũng nợ những người khác gần 1 tỷ đồng, nhưng nay đã trả gần hết. “Đi buôn từ khi 12 tuổi, đến khi kiếm được chút vốn thì mất. Gom góp cho cọp nó tha...” - chị Trinh cay đắng thở dài.
Ngôi nhà từng thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Bùi Thị Hòa,
nay đã mang đi gán nợ.
Đã có rất nhiều tiếng thở dài và cả những giọt nước mắt vì xót của đang diễn ra hằng ngày trên vùng quê Diễn Lâm với gần 15.000 con người của 25 xóm. Tất cả chỉ vì phường, hụi. Đã có những lúc người dân Diễn Lâm nhìn bà Bùi Thị Hòa ở xóm 5 với ánh mắt kính nể. Bây giờ, thay vào đó là sự hằn học. Theo hồ sơ của Công an xã Diễn Lâm, bà Bùi Thị Hòa là trùm phường với khoảng 20 người tham gia. Trong danh sách những người đã góp phường cho bà Hòa và bị bà này thiếu nợ, bỏ trốn có một số trường hợp như: bà Nguyễn Thị Hoa trú tại Thị trấn Cầu Giát mất 794 triệu 800 nghìn đồng, ông Nguyễn Sỹ Thuần ở xóm 5 mất 860 triệu đồng, ông Hoàng Văn Dư ở xóm 6 mất 800 triệu đồng, bà Lê Thị Bích ở xóm 1 mất 173 triệu đồng, chị Chu Thị Trinh ở xóm 2 mất 213 triệu đồng…và còn rất nhiều người khác nữa. Tổng số tiền mà bà Bùi Thị Hòa thiếu nợ các “con phường” theo thống kê chưa đầy đủ khoảng trên 3 tỷ đồng. Riêng ngôi nhà 3 tầng khang trang, bề thế nhất vùng của bà này cũng đã gán nợ cho người khác.
Theo ông Thái Doãn Tâm – Trưởng Công an xã Diễn Lâm (Diễn Châu) hiện tại công an xã chỉ mới nắm bắt được số lượng 4 phường, hụi trên địa bàn. Đây là những trường hợp các đối tượng bị hại có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng. Thực tế con số các tổ chức phường, hụi ở xã Diễn Lâm còn cao hơn nhiều. Đến tìm hiểu gia đình chị Nguyễn Thị Chiến, anh Võ Văn Tuấn ở xóm 6, anh Tuấn cho biết, vợ anh là chủ trùm nhưng không có ý chạy nợ ai cả. Vì các “con phường” không trả tiền nên vợ chồng anh Tuấn cũng không có tiền để trả cho những người khác.
Anh Tuấn nói rằng, vợ anh là chủ trùm của 10 phường đồng thời cũng làm “con” của 30 phường khác. Trong số 30 phường mà chị Nguyễn Thị Chiến “theo”, phường thấp nhất là 600 nghìn đồng/1suất, cao nhất là 10 triệu đồng/1suất. Anh Võ Văn Tuấn cũng cho biết, những người nợ mình trong một lúc không thể thống kê hết được. Còn việc nợ những người khác, gia đình anh đã phải bán ô tô, bàn ghế để khắc phục. Chỉ tay vào bộ bàn ghế trong phòng khách, anh này nói: “Người ta lấy bộ bàn ghế trị giá trên 50 triệu đồng của mình để gạt nợ, thì mình cũng lại lấy một bộ khác của người nợ mình!”.
Nếu như trước đây, chơi phường, họ mang tính chất: mọi người cùng góp tiền giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Tùy theo khả năng của từng nhóm phường để đưa ra mức góp thống nhất. Thứ tự theo lá thăm, ai bốc trúng trước thì lấy phường trước. Hoặc những ai cần một món tiền để giải quyết việc gia đình thì những người khác cũng vui vẻ tạo điều kiện cho bốc dù chưa đến lượt. Nhưng đến nay, hình thức chơi phường, họ đã bị một số cá nhân lợi dụng để trục lợi với biểu hiện vi phạm chiếm dụng vốn trái phép. Theo đó, cũng bằng hình thức góp tiền nhưng ai muốn lấy tiền phường thì đều phải mua theo hình thức đấu giá.
Giả sử, một nhóm phường 10 người, với mức góp quy định cho mỗi thành viên là 1 triệu đồng. Những ai muốn lấy phường phải theo thể thức đấu giá, mua bằng phiếu kín. Người nào mua cao thì được “cưới”. Thế mới có tình trạng: tổng tiền phường 10 triệu, người đấu giá đã phải mua mất 5 triệu đồng. Số tiền này được xem là lãi suất chia đều cho 10 người, mỗi người 500 nghìn đồng. Số tiền thực tế mà người mua thành công có được chỉ 4,9 triệu đồng sau khi đã trả tiền hoa hồng 100 nghìn đồng cho trùm phường.
Thực chất, phần lớn lượng tiền góp phường đều đổ vào túi của một số kẻ lợi dụng hình thức này để huy động tiền và chiếm dụng vốn. Thông thường người dân theo phường nhưng ít khi mua mà chỉ góp tiền vào để lấy lãi suất. Ông Phạm Văn Chung – Xóm trưởng xóm 17, xã Diễn Yên (Diễn Châu) cho rằng, đó là lãi suất không tưởng! Một dây phường 10 người tham gia với mức góp 1 triệu đồng/người. Người mua đã phải bỏ ra 5 triệu đồng, thì đương nhiên những người còn lại chỉ góp mỗi người 500 nghìn đồng. Góp 1 triệu đồng để có lãi một nửa ai mà không ưng. Nhưng thực chất là “mỡ nó rán nó”. Trùm phường lấy tiền của các con phường và trả cho chính họ. Trong khi bản thân nhiều người dân theo phường nhưng không đấu giá, không mua mà chỉ góp tiền vào để lấy lãi và dự định chỉ bốc phường ở những lần cuối dây. Vậy nhưng nào họ có đến lượt, bởi khi kẻ cơ hội đã gom xong tiền liền tuyên bố vỡ nợ.
Danh sách những người chơi phường và hệ lụy của lòng tham.
Không khí ảm đạm là cảm giác đầu tiên chúng tôi đặt chân đến xóm Mậu 4, làng Mậu Tài, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Vẫn có những bóng người đàn ông, đàn bà đứng, ngồi bên bậc cửa, dọc bờ ao. Vậy nhưng họ lặng lẽ, đăm chiêu dõi mắt vào những ngôi nhà của các trùm phường. Vào nhà ông Đặng Xuân Tứ - Xóm trưởng xóm Mậu 4, ông Tứ cho biết cả xóm có 19 trùm phường từ nhỏ đến lớn. Chuyện phường hụi thì đã có từ lâu nhưng rộ lên từ gần 2 năm nay với các hình thức mua bán, đấu thầu biến tướng. Đã có hàng trăm hộ, lượt cá nhân chơi phường.
Vợ ông Đặng Xuân Tứ là bà Dương Thị Phượng cũng là một chủ trùm. Lần theo cuốn sổ ghi chép của bà Phượng là dày đặc những trang, những dòng ghi tên, danh sách, số tiền của rất nhiều người tham gia. Trong đó chúng tôi đặc biệt chú ý đến cái tên Nhung Thành – một “con phường” có mặt trong phần lớn các dây phường do bà Dương Thị Phượng làm chủ. Ông Đặng Xuân Tứ cho hay, bà Nhung Thành tức Nguyễn Thị Nhung ở xóm Mậu 6, Kim Liên – Nam Đàn là một trong những người tham gia tích cực hoạt động phường hụi. Hiện tại bà Nhung đang nợ bà Phượng khoảng 250 triệu đồng, nợ phường ông Hà Huy Minh ở xóm Mậu 4 số tiền 1,1 tỷ đồng, nợ ông Đông (Thắng) 570 triệu đồng…
Một dây phường bà Nguyễn Thị Nhung theo từ 3 đến 6 suất và bà này không chỉ theo một mà theo rất nhiều phường khác nhau. Gặp bà Nguyễn Thị Nhung khi bà được cơ quan Công an huyện Nam Đàn gọi lên làm việc, bà nói rằng không thể nhớ được đã theo bao nhiêu phường, mua bao nhiêu lần và nợ bao nhiêu tiền. Cứ mỗi lần đến hạn góp tiền cho phường này, bà Nhung lại mua phường khác để đập vào. Cứ như vậy cái vòng luẩn quẩn “phường chấm phường – phường nuôi phường” đã quay cuồng điên đảo trong cộng đồng 6 xóm dân cư từ xóm 1 cho đến xóm 6 của làng Mậu Tài.
Để có tiền góp phường với hy vọng kiếm được những khoản lãi suất cao không tưởng (từ 30 - 50% thậm chí có trường hợp cao 60 – 70% cho một lần mua) nhiều người đã cầm bìa đất, vay mượn người thân, vay nặng lãi... để mua hàng chục suất phường mà không nghĩ được rằng thứ lãi suất kia chỉ là "ảo" và đống nợ thật mình mang ngày càng cao thêm. Và bởi phường ảo nên sự đổ bể không còn là nguy cơ nữa. Nhiều người dân khẳng định, riêng làng Mậu Tài có tới 34 trùm phường, hụi. Trong số đó nổi lên những trùm phường như Châu Thị Hồng (xóm Mậu 3), Nguyền Thị Ngọc Hà (xóm Mậu 4)... Bà trùm Châu Thị Hồng đã vỡ nợ hơn 11,9 tỷ đồng, bà trùm Nguyễn Thị Ngọc Hà vỡ nợ khoảng 6 tỷ đồng. Đây là những khoản tiền mà các trùm bằng mọi cách huy động của “con phường” để chuyển cho một cá nhân ở Thành phố Vinh để lấy lãi suất cao. Và khi đối tượng này "dứt bóng" thì mọi sự đã đổ vỡ, hàng trăm gia đình lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất và sự mất an ninh trật tự đã hiện hữu.
Theo Thượng tá Lê Khắc Thuyết, từ đầu năm 2013, những dấu hiệu phức tạp từ việc chơi phường, hụi ở xã Kim Liên đã được phát hiện, công an huyện đã tổ chức xuống tận cơ sở tuyên truyền, vận động, giải thích nhưng đều bị người dân bỏ ngoài tai. Thậm chí, có những đối tượng thông tin cho nhau là không nên nghe lực lượng công an, nghe công an là mất hết những khoản tiền đã đi phường, vì vậy cứ bí mật chơi mà kiếm lãi. Và kể cả khi sự việc đã bung bét thì nhiều đối tượng còn cố gắng can thiệp với công an huyện rằng cứ để phường tiếp tục hoạt động để thu hồi lại tiền.
Ngay tại làng Mậu Tài, đã có hiện tượng xiết nợ, manh động, thiếu tự chủ gây mất trật tự an ninh. Theo Thượng tá Lê Khắc Thuyết, biện pháp mà Công an huyện Nam Đàn đang áp dụng là liên tục tuyên truyền tại địa bàn dân cư. Trong những ngày gần đây, công an huyện cũng gọi hàng chục đối tượng liên quan lên cơ quan điều tra để điều tra làm rõ. Bên cạnh đó, yêu cầu trùm phường, các đối tượng thiếu nợ người dân khắc phục hậu quả. Hiện tại Công an huyện Nam Đàn đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh và Công an xã Kim Liên bố trí một tổ công tác đặc biệt thường trực tại làng Mậu Tài với mục đích là đảm bảo an ninh trật tự và ngăn ngừa những biểu hiện vi phạm pháp luật.
Từ ngày 27/11/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144 về phường, hụi, trong đó quy định rõ về quyền, lợi ích, trách nhiệm... của các đối tượng tham gia, và nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức phường, hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo hoặc lợi dụng tín nhiệm để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Cũng qua việc ban hành Nghị định 144, Chính phủ đã công nhận đây là một loại hình mang tính chất tương trợ trong nhân dân và những người tham gia được pháp luật bảo vệ.
Tuy nhiên, với những vụ việc đã xẩy ra ở Diễn Châu, Nam Đàn... giờ đây, mỗi khi nhắc đến phường, hụi thì ai cũng nghĩ đó là một vấn nạn gây nên hệ quả rất xấu, bởi đã có rất nhiều gia đình đứng bên bờ vực đổ vỡ vì khuynh gia bại sản, mối quan hệ anh em, tình cảm xóm làng truyền thống bị rạn nứt. Đứng bên cổng làng Mậu 4 đọc hai hàng câu đối: "Giữ phép nước, nếp nhà như giữ ngọc/Quý tình làng, nghĩa xóm tựa quý vàng" mà thật buồn khi nghe ông Ngô Cảnh Toàn - Công an viên làng Mậu Tài hoài niệm: Bao giờ làng tôi mới được yên bình trở lại như ngày xưa...?
Đào Tuấn - Nhật Lân