Bản Mạy nhớ Bác Hồ

20/05/2013 17:58

(Baonghean) - Từ đất nước Lào xinh đẹp, vượt sông MeKong, chúng tôi đến tỉnh Nakhon Phanom, nơi có Bản Mạy, để được nghe kể về những câu chuyện về Bác Hồ, được thăm nhà Bác và gặp lại hình ảnh Làng Sen, Làng Trù ngay trên đất Thái Lan…

Nakhon Phanom là tỉnh thuộc Đông Bắc Thái Lan, tiếp giáp với Thị xã Thà Khẹc của nước bạn Lào.



Hình ảnh mô phỏng làng Sen quê Bác trong Khu di tích Bác Hồ ở bản Mạy.

Ông Hoàng Văn Phúc, năm nay hơn 80 tuổi, một trong những người Việt có uy tín trong cộng đồng ở tỉnh Nakhon Phanom cho biết: Ngay từ khi đặt chân đến mảnh đất này, những người Việt Nam đầu tiên đã chọn vùng đất có cây cối um tùm để sinh sống, vì họ sợ sự xua đuổi của chính quyền sở tại. Vùng đất này được những người Việt gọi là bản Na Choọc (vùng đất “chó rừng”, vì thuở sơ khai, ở đây có những cánh rừng rậm, đồng hoang và rất nhiều chó sói). Với bàn tay cần cù, chịu khó của những con người Việt Nam, vùng đất này dần dần thay da, đổi thịt và trở thành điểm quần cư quan trọng bậc nhất của cộng đồng người Việt ở Nakhon Phanom, nơi tiếp đón các cán bộ cách mạng từ trong nước qua Xiêm hoạt động.

Tháng 7/1928, với bí danh Thầu Chín, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến Nakhon Phanom. Tại đây, Thầu Chín đã đề nghị dân làng đổi tên từ bản Na Choọc thành bản Mạy, có nghĩa là “làng mới”, đánh dấu sự đổi mới làng quê do cộng đồng người Việt lập nên. Ban đầu, Thầu Chín huy động một số thanh niên trong bản tự đốn gỗ và nung gạch để xây dựng nên một căn nhà sàn vừa làm nơi sinh hoạt, học tập và là nơi tá túc cho những cán bộ cách mạng từ trong nước sang. Người gọi đây là nhà hợp tác. Ngôi nhà quay mặt về phía hồ nước Noọng Nhạt; trước nhà, Thầu Chín trồng cây khế, hai cây dừa cùng hàng rào hoa râm bụt,...

Thời kỳ này, người Việt ở Xiêm chưa hề biết rõ về Thầu Chín, chỉ thấy đó là người đàn ông dễ gần, rất chu đáo với bà con mọi chuyện. Ngày ngày, sau mỗi buổi làm việc, Thầu Chín cùng với các thanh niên khác chơi trò đá bóng, dạy cho dân cách trồng lúa, trồng khoai, cách tiết kiệm tiền để sẵn sàng hướng về quê hương, giúp đỡ cách mạng. Người căn dặn bà con Việt kiều dù đi đâu, làm gì cũng phải luôn hướng về quê hương đất nước.

Sau này, khi cách mạng thành công, người dân bản Mạy mới biết ông Thầu Chín năm xưa chính là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ đó, ai cũng nâng niu, trân trọng những kỷ vật nhỏ nhất liên quan đến Bác Hồ trong thời kỳ hoạt động ở bản Mạy. Trong thời gian ở bản Mạy, Bác Hồ đã hướng dẫn nhân dân học tiếng Thái để hiểu về phong tục tập quán của nước bạn, nhưng Người cũng dặn bà con phải gìn giữ tiếng Việt và phong tục Việt bởi mình là người Việt Nam.

Hiện nay, ngôi nhà Bác Hồ ở bản Mạy được người dân giữ gìn khá nguyên vẹn, với những đồ vật quen thuộc Bác từng sử dụng như cái mũ tàu, đôi dép cao su, chiếc phản gỗ, kho đựng lúa, bếp nấu ăn, chiếc giỏ bắt cá,... Ngôi nhà này được chính quyền nước sở tại và cộng đồng giao cho gia đình ông Nguyễn Trọng Tiêu gìn giữ, bảo vệ và tiếp khách, kể những câu chuyện về Bác Hồ. Từ hai năm nay, khi ông Tiêu qua đời, các con, cháu của ông lại tiếp tục làm thay công việc của bố, thỉnh thoảng, khi có khách từ trong nước sang thăm, bà con người Việt lại cùng nhau kéo đến ngôi nhà Bác Hồ để hỏi thăm sức khỏe và tình hình trong nước. Với nhiều người, đơn giản họ chỉ đến để được nghe tiếng Việt, để đỡ nhớ quê hương, bản quán. Nói đến Bác Hồ, người dân bản Mạy ai cũng rưng rưng xúc động và biết ơn. Nhiều câu chuyện nhỏ của Bác Hồ những ngày hoạt động ở Xiêm cũng được người dân bản Mạy lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ sau này.

Tại bản Mạy hiện nay, ngoài ngôi nhà sàn của Bác Hồ, còn có thêm Khu di tích Làng hữu nghị Việt - Thái và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã cùng nhau xây dựng mô hình quê nội, quê ngoại Bác Hồ ở làng Sen (Kim Liên – Nam Đàn) cùng những đồ vật gắn liền với quá trình hoạt động của Bác ở đất nước Thái Lan. Đây là những điểm đến quen thuộc của người dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm ăn ở Thái. Rất nhiều người Thái cũng đã đến đây, kính cẩn thắp hương lên bàn thờ Bác Hồ.

Ông Đào Trọng Lý, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Nakhon Phanom cho biết: Hiện nay, cộng đồng người Việt ở đây có khoảng 2 vạn người, riêng bản Mạy có khoảng 300 hộ dân. Hằng năm, vào dịp Sinh nhật Bác Hồ, cộng đồng người Việt ở Nakhon Phanom đều tập trung nhau tại trụ sở của Hội để dâng hương, dâng hoa, báo công với Bác, rồi cùng nhau đi đến bản Mạy để thăm ngôi nhà sàn, thăm Làng Hữu nghị, thăm hình ảnh mô phỏng của làng Sen, làng Hoàng Trù trong Khu di tích Bác Hồ. “Dù xa quê hương nhưng hình ảnh Bác Hồ, hình ảnh đất nước Việt Nam luôn ở trong tim mỗi người Việt ở Thái Lan. Bản Mạy chính là nơi lí tưởng để giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mỗi người con đất Việt đang học tập, làm việc và sinh sống ở Thái Lan”, ông Đào Trọng Lý tâm sự.


Bài, ảnh: Nguyên Khoa