Cử nhân lên rừng

16/09/2013 20:53

(Baonghean) - Chàng trai dân tộc Thái - Lương Văn Minh quê ở bản Tăng (xã Nam Sơn - Quỳ Hợp). Sinh ra trong một gia đình có 5 người con, tuổi thơ của Minh gắn với bờ bãi suối khe nơi thượng nguồn Nậm Choọng. Nhà nghèo, không vì thế bố mẹ để các con sao nhãng chuyện học hành.Thấu cái nỗi vất vả của cha, sự nhọc nhằn của mẹ, lại là con đầu trong gia đình nên ngay từ nhỏ, Minh đã biết lo giúp đỡ bố mẹ, kèm cặp các em học hành.

(Baonghean) - Chàng trai dân tộc Thái - Lương Văn Minh quê ở bản Tăng (xã Nam Sơn - Quỳ Hợp). Sinh ra trong một gia đình có 5 người con, tuổi thơ của Minh gắn với bờ bãi suối khe nơi thượng nguồn Nậm Choọng. Nhà nghèo, không vì thế bố mẹ để các con sao nhãng chuyện học hành.Thấu cái nỗi vất vả của cha, sự nhọc nhằn của mẹ, lại là con đầu trong gia đình nên ngay từ nhỏ, Minh đã biết lo giúp đỡ bố mẹ, kèm cặp các em học hành.

Sự nỗ lực trong học tập đã được toại nguyện khi Minh trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Những tưởng từ đây mọi chuyện sẽ thuận lợi. Đang học năm thứ nhất thì tai họa ập xuống, người cha trên đường đi gửi tiền chu cấp cho Minh đã bị tai nạn giao thông và qua đời. Nhiều lúc, Minh đã nghĩ quẩn, hay là bỏ học giữa chừng để đỡ đần mẹ nuôi các em? Nhưng rồi, cậu đã gắng vượt lên, tìm việc làm thêm và chắt chiu, tằn tiện để lấy bằng được tấm bằng cử nhân kinh tế!



Lương Văn Minh ở Khe Hò.

Năm 2012, Lương Văn Minh tốt nghiệp đại học. Cầm tấm bằng cử nhân, cậu đã gõ cửa đi xin việc nhiều nơi. Không ngồi yên chờ việc, cậu bàn với người em vào vùng đất Khe Hò để làm trang trại. Thế là từ ngày ấy, Minh đánh vật với vùng đất heo hút, hết dựng lán để nuôi lợn, gà đến phát cỏ trỉa ngô, ươm giống keo lai... Hôm tôi về thăm, hai anh em Minh đang chăm sóc 3.000m2 ruộng, 11 ha rừng khoanh nuôi, 11 con trâu bò, và đàn lợn 11 con. Minh cho biết, đã quy hoạch bài bản vùng đất này, từ khu vực chăn nuôi, đến triền đất trồng cây ăn quả, chỗ đắp đập đào ao thả cá. Lấy ngắn nuôi dài, trước mắt sẽ phát cỏ trỉa ngô làm thức ăn chăn nuôi, tự ươm giống keo lai để trồng phủ kín những khu rừng lau sậy. Mai này, từ tiền tích lũy được, sẽ kéo điện vào Khe Hò để thuận tiện hơn trong sinh hoạt và phục vụ sản xuất...

Thế nhưng, một trong những mối lo của Minh là thiếu vốn để đầu tư. Giải quyết điều này, cậu đã liên hệ với Đoàn xã Nam Sơn để làm cầu nối vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Bận việc như một lão nông chính hiệu, nhưng tìm hiểu mới hay, những lúc rỗi Minh lại mang sách vở ra nghiền ngẫm, ôn lại kiến thức. Khi trang trại đã được định hình, Minh sẽ giao lại cho người em, và tiếp tục hành trình tìm việc đúng với chuyên môn mình đã học... Lương Văn Minh đã và đang viết thêm một câu chuyện đẹp của các trí thức trẻ nơi vùng sâu còn rất nhiều khó khăn!


Cao Duy Thái