Xe quá tải vượt qua các cửa ải kiểm soát?

29/07/2013 21:23

(Baonghean) - Lâu nay, chuyện những chiếc xe quá khổ, quá tải băm nát đường đã khiến dư luận các tỉnh, thành trên cả nước...

(Baonghean) - Lâu nay, chuyện những chiếc xe quá khổ, quá tải băm nát đường đã khiến dư luận các tỉnh, thành trên cả nước vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, lời giải cho bài toán xử lý những trường hợp này không hề đơn giản. Bởi lẽ, vấn đề này không chỉ can hệ tới một người tài xế cụ thể, những người xử lý cụ thể, mà đằng sau đó là cả một hệ thống chằng chéo phức tạp. Các quy định xử phạt, văn bản hướng dẫn đã ban hành, Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt, nhưng ô tô chở quá khổ, quá tải vẫn cứ “bon trên dặm đường”.

Sự kiện tối 24/7 vừa qua tại Hà Tĩnh càng cho thấy rõ hơn những khó khăn trong cơ chế điều hành, xác định và xử phạt xe quá tải. Hàng trăm chiếc xe tải trọng lượng lớn, sau mấy giờ “án binh bất động” để né tránh trạm cân lưu động trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận Hà Tĩnh bất ngờ “xé toang” trạm cân này, hú còi inh ỏi, rầm rập chạy thoát. Các lực lượng chức năng không thể nào tìm ra phương án xử lý, bất lực hoàn toàn, khiến cho giao thông trên tuyến trở nên hỗn loạn.

Ngay sau đó, sáng 25/7, đại diện Tổng cục Đường bộ, Khu Quản lý Đường bộ IV, Công an tỉnh Hà Tĩnh và Sở GTVT tỉnh này đã có cuộc họp làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để nhanh chóng đưa công tác kiểm tra tải trọng hoạt động đúng với chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải. Dẫu vậy, qua sự việc này, dư luận cũng chưa thể có được cái nhìn lạc quan hơn, vì những bất cập này khó có thể giải quyết trong ngày một ngày hai được.

Một trong những nguyên nhân khiến cho việc xử lý xe chở quá khổ, quá tải gặp khó là vì những trạm cân. Những trạm cân, kể cả cố định lẫn di động, cần được đặt ở những vị trí phù hợp, để việc kiểm tra thuận lợi, dễ dàng. Nếu xe quá tải, theo luật, phải được hạ tải mới tiếp tục quá trình lưu thông. Tuy nhiên, chúng ta chưa có những trạm, bến, bãi phục vụ hạ tải. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu có sự bốc dỡ, lại nẩy sinh tiếp vấn đề liên quan đến trật tự an toàn trên các tuyến đường. Đó là chưa nói tới một số xe container chở hàng hóa không có khả năng phân tách bởi đã được kẹp chì, đóng gói theo đúng lô vận chuyển. Bởi thế, nhiều khi lực lượng chức năng xử phạt xong lại cho đi. Cho nên xe chở quá khổ, quá tải vẫn hoạt động, đường vẫn hỏng, nguy cơ mất an toàn vẫn... di chuyển trên mặt đường.

Lâu nay, chúng ta xử lý xe chở quá tải thực chất là đang xử lý các tài xế vi phạm. Ngoài việc bị phạt tiền, các tài xế sẽ bị thu giữ giấy phép lái xe từ 30 đến 60 ngày. Tuy nhiên, đây chưa phải là cách xử lý tận gốc. Bởi đằng sau người tài xế còn là trách nhiệm của các chủ xe, chủ hàng, chủ các cảng, bến, bãi. Tài xế, vì áp lực mưu sinh. Mỗi chuyến xe chở quá tải, tài xế và chủ phương tiện vẫn biết là ảnh hướng lớn đến tuổi thọ của xe và mất an toàn khi tham gia trên các tuyến đường.

Thế nhưng trước nhiều loại thuế, trước giá xăng dầu tăng, trước chi phí trả lương cho tài xế… nên chủ các doanh nghiệp sở hữu ô tô (cả tư nhân và tập thể) vẫn cố tình chở quá tải. Bên cạnh đó, vì nhiều nguyên nhân nên lực lượng chức năng chưa xử phạt lỗi chở quá khổ, quá tải một cách triệt để, nghiêm minh. Điều này dễ nhận thấy qua báo cáo của các lực lượng chức năng rằng đã vào cuộc xử lý nghiêm nhưng “lực lượng mỏng”, “khó khăn hạ tải”, “lái xe đối phó”… và cả những “điều khó nói” khác.

Đã có ý kiến đưa ra về việc đóng phí chở quá tải, nghĩa là, tài xế được phép chở quá tải, với điều kiện phải đóng phí. Phí này sẽ là nguồn tiền để duy tu, bảo dưỡng cầu đường bộ. Tuy nhiên, phương án này đã báo trước những dấu hiệu không khả thi. Khi một xe đóng phí, các xe khác cũng lần lượt đóng phí. Hậu quả là đường bộ của chúng ta sẽ bị cày phá thậm tệ hơn, tai nạn giao thông chắc chắn sẽ tăng nhiều hơn, và những vấn đề về ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị càng trở nên nhức nhối. Gần đây, Chính phủ chỉ đạo lắp thiết bị theo dõi hành trình cho các phương tiện vận tải, xử phạt cả chủ phương tiện, doanh nghiệp liên quan đến chở quá khổ, quá tải, nhưng cái quan trọng là lực lượng chức năng vào cuộc như thế nào và các biện pháp thực thi liệu có hiệu quả?

Trở lại với sự việc cụ thể ở Hà Tĩnh, nếu lực lượng chức năng giữa các tỉnh phối hợp tốt thì liệu các xe chở quá khổ, quá tải có “xé toang” được các “cửa ải” kiểm soát khác ở Nghệ An, Thanh Hóa hay ở Quảng Bình, Quảng Trị và nhiều tỉnh thành khác? Có thể nói, việc giải quyết tình trạng xe chở quá khổ, quá tải nói riêng, các vấn đề về đảm bảo an toàn giao thông nói chung rất cần những giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Chỉ khi có những giải pháp phù hợp, sát thực, các phương hướng xử lý mới trở nên rành mạch, rõ ràng, từ đó hạn chế những vi phạm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.


NGUYÊN NGUYÊN