34 năm tận tụy với nghề bưu tá
(Baonghean) - Đối với người dân xã Võ Liệt (Thanh Chương), hình ảnh người bưu tá nhỏ nhắn với chiếc xe đạp cà tàng, chiếc túi đựng đầy thư báo, ngày nắng cũng như ngày mưa, cần mẫn, tận tụy, trách nhiệm với công việc đã trở nên rất đỗi thân quen. Đó là CCB Nguyễn Văn Thành - người đã có 34 năm gắn bó với nghề bưu tá…
(Baonghean) - Đối với người dân xã Võ Liệt (Thanh Chương), hình ảnh người bưu tá nhỏ nhắn với chiếc xe đạp cà tàng, chiếc túi đựng đầy thư báo, ngày nắng cũng như ngày mưa, cần mẫn, tận tụy, trách nhiệm với công việc đã trở nên rất đỗi thân quen. Đó là CCB Nguyễn Văn Thành - người đã có 34 năm gắn bó với nghề bưu tá…
Từng là lính của Trung đoàn 98, Sư 473 tham gia chiến đấu ở chiến trường B5, bị thương trong một trận pháo kích, năm1979 ông Nguyễn Văn Thành phục viên trở về địa phương cũng là lúc xã đang “khuyết” chân bưu tá.
Thời điểm ấy, gia đình ông Thành hoàn cảnh tương đối khó khăn, vợ làm ruộng, 3 đứa con đang tuổi ăn học, lương bưu tá chẳng đáng là bao. Được lãnh đạo xã tín nhiệm giao phó, không chút đắn đo, ông vui vẻ nhận lời và xác định “nghề này như làm dâu trăm họ, vất vả nhưng đã làm thì phải làm cho tốt”. Bởi thế 34 năm qua, dù nắng nóng gió Lào ngày hè, hay mưa rét ngày đông không ngăn được những vòng xe tận tụy của ông đem công văn, thư từ, báo, bưu phẩm đến cho mọi người, mọi nhà. Võ Liệt đất rộng, người đông, có 17 khối xóm, nơi xa nhất là xóm Kim Tiến phải đi 7 km mới tới nơi.
Hàng ngày, sau khi nhận và phân loại công văn, thư từ, bưu phẩm, báo chí... ông bắt đầu cuộc hành trình bằng xe đạp theo các tuyến để chuyển báo chí, bưu phẩm tới các địa chỉ yêu cầu. Phục vụ công việc này, ông đã thay “ 5 đời” xe đạp nhưng chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Mỗi ngày ông đạp xe đi khắp các đường làng ngõ xóm. Với bản tính cẩn thân, thư từ, báo chí ông xếp thứ tự theo địa chỉ từng xóm, đưa đến từng gia đình không sót một ai. Có những khi một nơi phải đi tới 3 lần mới giao được tận tay người nhận nhưng ông vẫn vui vẻ. Võ Liệt có tới 37 đầu báo phải giao, trong đó có báo Nhân dân và báo Nghệ An chuyển tới 17 chi bộ thôn xóm, mỗi lần giao báo ông đều yêu cầu người nhận phải kí nhận vào sổ theo dõi, ngay cả bí thư, chủ tịch UBND xã cũng không ngoại trừ.
Ông Nguyễn Văn Thành (áo trắng) phát báo cho người dân.
Ông bảo phải làm thế để đảm bảo không thất thoát, không thiếu báo. Đối với báo đảng, nhất là báo đảng địa phương, mỗi lần nhận ông đều tranh thủ lướt qua, ghi nhớ các tin tức quan trọng. Ông bảo: “Làm nghề gì cũng phải có tri thức, tôi phải chăm đọc báo để khi người dân hỏi vấn đề gì còn biết trao đổi, trả lời, giải thích”, đôi khi còn đàm luận với các bí thư chi bộ xóm. Ông tâm sự: “Gắn bó với báo Nghệ An từ thời còn in đen trắng trên nền giấy nâu đến nay, tôi thật sự rất phấn khởi khi thấy tờ báo đảng địa phương ngày càng đổi mới về nội dung, hình thức với các ấn phẩm phong phú, chuyên trang, chuyên mục đa dạng…”.
Bác Thìn - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Võ Liệt, cho hay “Với người bưu tá cần mẫn, tận tụy, trách nhiệm như ông Thành, chuyện trở về nhà vào lúc quá trưa hay nhá nhem tối là chuyện bình thường. Bởi ngoài báo chí còn có giấy báo nhập học, thư từ, công văn, giấy nhận tiền, giấy mời họp của đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể gửi về cho cán bộ khối xóm nên phải đưa ngay mới yên tâm được…”.
Có thời điểm như quãng thời gian học sinh, sinh viên chuẩn bị nhập trường ĐH, CĐ ông làm việc bất kể giờ giấc, có giấy báo nhập học của trường gửi cho học sinh là ông sẵn sàng nhịn đói đạp xe đi ngay. Vì ông hiểu thấu nỗi mong chờ khắc khoải của những gia đình có con thi đại học. Nhiều hôm vào ngày nghỉ chủ nhật, định tranh thủ làm việc này, việc nọ, nhưng xã có việc đột xuất, gọi ông đi đưa công văn, ấy thế là lại lên đường. Kỷ niệm nhớ nhất với ông là lần phải đội mưa gió đạp xe đến nhà chủ tịch UBND xã để đưa công văn huyện gửi về phòng chống bão lụt, gió như bốc cả người ra khỏi xe nhưng vẫn phải cố gồng mình để đi… Hỏi về chuyện thu nhập, ông cười vui: “Thì vẫn phải trông chờ vào mấy sào ruộng chứ cô tính, trước đây lương bưu tá là bảy tư nghìn rồi lên trăm hai, đến bây giờ là 600 nghìn đồng một tháng, chỉ đủ rau dưa thôi. Đấy là còn đi xe đạp chứ đi xe máy chắc không đủ xăng xe…”.
34 năm qua, ngày nào người cựu chiến binh ấy cũng cần mẫn đạp xe trên quãng đường bình quân 60 km lượt đi, về để đưa công văn, thư, báo, chưa để mọi người phải phàn nàn về thái độ phục vụ. Người dân quý cái đức nhiệt tình, biết ơn sự tận tụy của ông. Cũng nhờ những vòng xe cần mẫn, đều đặn mỗi ngày mà gần 60 tuổi nhưng ông Thành vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn, rắn chắc đầy chất lính của người Bộ đội Cụ Hồ. Với ông, “những tờ báo, lá thư, bưu phẩm, bưu kiện… qua tay người bưu tá đều có ý nghĩa lớn, là niềm vui, hạnh phúc đã nhân lên và nỗi buồn được sẻ chia”. Sự nhiệt huyết, tận tụy, trách nhiệm của bưu tá Nguyễn Văn Thành được ghi nhận với 27 giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành. Đó cũng là niềm vui, động lực để ông tiếp tục đồng hành cùng những trang báo, tờ thư… mang tin tức đến cho mọi người, mọi nhà.
Khánh Ly