Tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em

11/09/2013 20:24

Đuối nước đã và đang là yếu tố nguy cơ chính đối với sự sống còn và phát triển của nhiều trẻ em. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em do tai nạn thương tích ở Việt Nam.

Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em
(Ảnh: Bá Phương)

Ngày 11/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015 và chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại cộng đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Ước tính mỗi ngày có 10 trẻ em tử vong do đuối nước.

Tính theo địa phương, Lai Châu là tỉnh có tỷ suất tử vong trẻ em đuối nước cao nhất cả nước, tiếp đến là Đắc Nông, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên. Tính theo khu vực, Đồng bằng sông Hồng có số lượng trẻ em và trẻ vị thành niên bị tử vong do đuối nước cao nhất.

Hàng loạt những vụ đuối nước xảy ra đã gây biết bao đau thương, mất mát với các bậc phụ huynh và các em. Trong đó, đáng buồn là trẻ chết vì đuối nước ngay gần nơi các em sinh sống, vui chơi vì lý do đơn giản là các em không được sự giám sát, chăm sóc phù hợp và đầy đủ của người lớn cũng như thiếu các biện pháp bảo vệ an toàn khác.

Chính những con số đáng báo động trên là lý do một năm trước Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể xây dựng và ký kết Kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015, nhằm đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra, đặc biệt tại các tỉnh có tỷ lệ tỷ vong đuối nước cao với mục tiêu đến năm 2015 giảm được ¼ số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2010.

Những nội dung quan trọng của Kế hoạch là: truyền thông nâng cao nhận thức; triển khai các hoạt động dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước; xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em…

Báo cáo kết quả ban đầu triển khai Kế hoạch, BS Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết, đến nay, tình hình tử vong do đuối nước trẻ em đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2010, nhưng vẫn còn cao, năm 2012 vẫn còn khoảng hơn 1.708 em tử vong do đuối nước trong tổng số 2.769 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã có hơn 700 em tử vong do đuối nước và tập trung vào mùa hè. Tuy nhiên, con số này còn cao hơn vì hiện nay công tác thu thập thông tin về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em vẫn còn hạn chế do thiếu đội ngũ cộng tác viên cộng đồng. Đặc biệt, vẫn còn xảy ra các vụ đắm tàu thuyền làm nhiều trẻ em bị thiệt mạng.

Nói về những khó khăn khi thực hiện Kế hoạch, BS Nguyễn Trọng An cho rằng, khó khăn đầu tiên là nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn chưa cao. Các kiến thức về phòng chống đuối nước trẻ em, các tài liệu hướng dẫn bơi, hướng dẫn các kỹ năng an toàn ở trong môi trường nước còn hạn chế. Do vậy, nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em chưa được loại bỏ tại gia đình, cộng đồng.

Đáng lưu ý, việc dạy bơi cho trẻ em được coi là giải pháp quan trọng thì lại chưa được triển khai rộng rãi tại các địa phương. Các cán bộ thể dục thể thao, giáo viên thể dục trong trường học được tập huấn các kỹ năng dạy bơi cho trẻ em còn ít chưa thành chương trình đào tạo cụ thể. Các trường học không đủ điều kiện, cơ sở vật chất dạy bơi cho trẻ em tiểu học và trung học cơ sở.

Khó khăn này được ngành giáo dục thừa nhận bởi mặc dù từ tháng 2/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ra văn bản chính thức yêu cầu và khuyến khích đưa dạy bơi vào chương trình tiểu học nhưng công tác phổ cập bơi cho học sinh tiểu học gần như “giậm chân tại chỗ”. Khó khăn ở vì phần lớn nhà trường không có bể bơi và địa điểm tổ chức dạy bơi cho các em. Việc tổ chức dạy bơi theo mô hình dựng lồng bơi tại ao, hồ, sông suối, cũng đã được một số địa phương triển khai tuy nhiên hiệu quả không cao bởi nguồn nước ô nhiễm.

Đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, Chương trình dạy Bơi an toàn đã được Sở tích cực triển khai. Chương trình sử dụng các bể bơi có sẵn trên địa bàn thành phố, 10 bể bơi di động và 2 khu vực bơi tại bãi biển. Tuy nhiên, việc dạy bơi gặp không ít khó khăn bởi thiết bị bể bơi không đảm bảo yêu cầu: hệ thống lọc hoạt động hiệu quả thấp dẫn đến nước nhanh bẩn, phải thay nước bể nhiều lần; tiết diện dẫn nước vào hồ nhỏ nên mất nhiều thời gian trong quá trình thay nước bể, kinh phí thay nước lớn…

Những khó khăn khác trong việc thực hiện Kế hoạch cũng được đại diện các bộ, ngành, địa phương chỉ ra là: việc sử dụng áo phao cho trẻ em tại các phương tiện vận chuyển khách qua sông chiếm tỷ lệ thấp; các văn bản, chính sách liên quan đến các quy định về phòng chống đuối nước trẻ em còn thiếu và việc thực thi còn hạn chế; các địa phương thiếu nguồn lực để triển khai các hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em…

Đuối nước trẻ em đã được các cấp, ngành nhìn nhận ngày càng nghiêm túc và có trách nhiệm hơn. Để thực hiện Kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015 hiệu quả, đại diện các bộ, ngành, địa phương đề nghị thời gian tới cần có sự phân công nhiệm vụ cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành. Giải pháp quan trọng khác là cần đầu tư kinh phí đúng mức để triển khai Đề án phòng, chống đuối nước và dạy bơi cho học sinh các cấp.

Cũng theo các đại biểu, các bậc cha mẹ cũng cần ý thức hơn nữa trong việc phòng chống đuối nước, vì thế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trong cộng đồng xã hội./.


Theo ĐCSVN -LH