Người đưa nấm về làng
Nguyễn Thọ Hạnh được biết đến là một trong những điển hình tiên tiến trẻ về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở huyện Yên Thành, nhưng ít ai biết chàng trai 32 tuổi này đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ một quyết định táo bạo là bán đi con trâu - tài sản lớn nhất của gia đình.
(Baonghean) - Nguyễn Thọ Hạnh được biết đến là một trong những điển hình tiên tiến trẻ về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở huyện Yên Thành, nhưng ít ai biết chàng trai 32 tuổi này đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ một quyết định táo bạo là bán đi con trâu - tài sản lớn nhất của gia đình.
Dáng người cao, gầy, giọng nói chậm rãi nhưng chắc chắn, Nguyễn Thọ Hạnh (SN 1981) ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành gây ấn tượng với mọi người bởi sự thật thà, chất phác nhưng rất quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Hạnh sinh ra trong gia đình nghèo, có 7 anh em ở xóm Vĩnh Thành. Năm 1999, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, vì nhà quá nghèo, bố mất sớm, không có điều kiện học tiếp, Hạnh phải ở nhà làm ruộng giúp mẹ nuôi các em ăn học.
Năm 2001, khi Hạnh quyết định bán con trâu - tài sản giá trị nhất của gia đình, anh đã bị mọi người phản đối kịch liệt vì ai cũng cho rằng “Đã nghèo thì phải lo chăm và giữ lấy con trâu, con bò để cày cấy được nhiều, đằng này lại bán đi con trâu duy nhất”. Sau khi dồn tiền bán trâu và vay tiền của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Nguyễn Thọ Hạnh mua một chiếc máy cày để vừa phục vụ gia đình làm đất, vừa đi làm thuê cho các gia đình khác trong xã. Chỉ một năm sau, gia đình anh chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xóm.
Trong thời gian ở nhà làm ruộng, Nguyễn Thọ Hạnh được các bạn trẻ, người dân tin tưởng bầu làm cán bộ Đoàn xóm rồi xóm trưởng và được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năng lực của chàng trai trẻ được người dân ghi nhận, tín nhiệm bầu vào hội đồng nhân dân xã, được giao làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã và hiện nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thành.
Anh Nguyễn Thọ Hạnh (trước) trong trang trại nấm của gia đình.
Năm 2011, kinh tế gia đình đang khá ổn định nhờ sự hoạt động hiệu quả của xưởng máy xay xát, máy nghiền tại gia nhưng Nguyễn Thọ Hạnh vẫn đau đáu muốn tìm ra một hướng phát triển kinh tế mới để làm mô hình cho bà con trong vùng cùng vươn lên. Năm đó, UBND huyện Yên Thành có chủ trương đưa một số cán bộ trẻ đi học tập các mô hình kinh tế ở vùng đồng bằng Bắc bộ.
Trong đợt tham quan, mô hình trồng nấm của nông dân tỉnh Bắc Giang đã gây ấn tượng mạnh cho Nguyễn Thọ Hạnh, bởi vùng đất Yên Thành quê lúa hoàn toàn có thể trở thành vùng trồng nấm. Ý tưởng về một trang trại nấm lập tức hình thành trong đầu của chàng cán bộ trẻ bởi ở quê anh, lâu nay, người dân chỉ dùng rơm, rạ cho trâu, bò ăn, các loại mùn cưa, bã mía chỉ dùng để đốt lấy tro vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không hiệu quả, trong khi trồng nấm vừa có thể tận dụng được những sản phẩm trên, vừa tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi một cách hiệu quả.
Sau chuyến tham quan trở về, Nguyễn Thọ Hạnh lập kế hoạch xây dựng mô hình và đào tạo nghề nấm trình lên Đảng ủy, UBND xã Nam Thành. Được chính quyền cho mượn khu vực trường tiểu học cũ làm nhà xưởng, Hạnh huy động các thành viên trong gia đình, quyết tâm sản xuất các loại nấm theo hướng dẫn của cán bộ Trạm giống Yên Thành và những người có kinh nghiệm ở tỉnh Bắc Giang. Sau một thời gian vừa làm, vừa học và rút kinh nghiệm, đến cuối năm 2011, những mẻ nấm mỡ đầu tiên được xuất xưởng. Năm 2012, ông chủ trẻ tiếp tục cập nhật kỹ thuật nâng cao năng suất và sản xuất giống nấm mới như nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ. Anh Hạnh cho biết: Năm 2011, doanh thu của trại nấm đạt 190 triệu đồng, năm 2012 doanh thu đạt gần 800 triệu đồng, năm nay, mục tiêu của trang trại là 1 tỷ đồng.
Nguyễn Thọ Hạnh cho rằng, phải nhân rộng nghề trồng nấm cho người dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, hàng trăm lượt người dân huyện Yên Thành đã tìm đến cơ sở của anh Hạnh để học nghề sản xuất nấm. Mọi người đến “học nghề” đều được anh chỉ bảo tận tình và giới thiệu các điểm thu mua sản phẩm nấm để họ yên tâm đầu tư, sản xuất. Nhiều người hiện đã thành công với nghề mới này và vươn lên xây dựng trang trại, làm giàu.
“Là một đảng viên trẻ, tôi luôn tâm niệm học theo tấm gương Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trước đây, khi mới làm nghề, nấm chết liên tục, thua lỗ rất nhiều nhưng tôi luôn nhớ kỹ lời dạy của Bác Hồ “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, thắng không kiêu, bại không nản, tôi động viên vợ và mọi người trong gia đình kiên trì, quyết tâm “thua keo này, ta bày keo khác”. Mỗi chúng ta cần phải xác định mình đang đứng ở đâu để phấn đấu. Những đảng viên trẻ vùng nông thôn như chúng tôi luôn quan niệm, trước hết mình phải biết vươn lên, tìm hướng làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình và tìm ra các mô hình làm ăn hiệu quả để nhân rộng cho bà con”, anh Hạnh tâm sự.
Hiện nay, khi công việc trồng nấm bắt đầu ổn định, nhân viên trong trại đều nắm bắt được kỹ thuật, anh Nguyễn Thọ Hạnh muốn tiếp tục tiến xa hơn nữa. Từ trước đến nay, sản phẩm của trại nấm ở xã Nam Thành chủ yếu được bán cho các tư thương, giá cả do tư thương quyết định và không ổn định dù nấm làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Anh Hạnh cho biết, sắp tới sẽ vận động các gia đình trong xã thành lập Hợp tác xã trồng nấm để có sự hỗ trợ hiệu quả hơn về mặt kỹ thuật và liên kết chặt chẽ trong sản xuất để điều tiết hợp lý đầu ra cho sản phẩm, tránh bị tư thương ép giá. “Mong muốn của tôi là cây nấm Nam Thành sẽ vươn ra được các thị trường lớn, có mặt ở các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Khi thành lập hợp tác xã, chúng tôi sẽ có khả năng cung ứng các đơn hàng lớn với giá cả ổn định cho khách hàng, tránh tình trạng vừa làm vừa lo tìm mối bán như hiện nay”, anh Hạnh đã chia sẻ như vậy.
Bài, ảnh: Nguyên Khoa