“Câu ví dặm bên dòng sông Lam…”

23/09/2013 15:38

Một nhà thẩm định của Unesco đã ví diễn xướng ví dặm trên sông Lam là “bản giao hưởng của dân ca xứ Nghệ”. Nhưng ít ai biết rằng, bản giao hưởng ấy lại được viết lên từ những người lao động bình thường, những nông dân “một nắng hai sương” của Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm xã Bồi Sơn (Đô Lương)…

(Baonghean) - Một nhà thẩm định của Unesco đã ví diễn xướng ví dặm trên sông Lam là “bản giao hưởng của dân ca xứ Nghệ”. Nhưng ít ai biết rằng, bản giao hưởng ấy lại được viết lên từ những người lao động bình thường, những nông dân “một nắng hai sương” của Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm xã Bồi Sơn (Đô Lương)…

Đi đò dọc theo sông Lam là cách mà người dân vùng Bạch Ngọc trong quá khứ vẫn thường dùng mỗi khi muốn từ chợ Trung ngược lên phía thượng nguồn, vùng chợ Gay, chợ Dừa, chợ Chanh. Các phiên chợ thay nhau họp, mỗi chợ thường có chín phiên, ba phiên chợ đại, sáu phiên chợ xép bố trí chênh ngày nhau thế nên muốn đi chợ, ngày nào cũng có. Cũng từ những chuyến đò chợ, để quên đi nỗi nặng nhọc, bà con thường hát đối hát ví. Ban đầu là người chèo đò hát hát ví, hát đối với những đò khác rồi người đi thuyền đi chợ hát đội, hát theo…

Màn diễn xướng trên sông nước do câu lạc bộ dân ca ví, dặm xã Bồi Sơn biểu diễn trước đoàn thẩm định của tổ chức Unesco dịp tháng 6 vừa rồi cũng đã tái diễn lại không gian sinh hoạt thân thuộc đó. Tại “sân khấu” ngoài trời này, những người đến từ tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc đã ngạc nhiên trước một lối diễn xuất rất tự nhiên của các nghệ sỹ “chân đất”. Không kịch bản, không có sự sắp đặt, màn hát đối, hát ví giữa một bên là những chàng trai ở dưới thuyền, một bên là các cô gái trên sông đã đem đến một kịch tính bất ngờ. Tiếng hò trên sông Lam mang một âm vị riêng, như lời tâm sự, lời gửi gắm… từ ruột gan, từ đáy lòng. Người Tây mê hát đối hát ví, coi hát ví như “bản giao hưởng” chắc cũng từ những cảm nhận chân thật trên.


Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Dân ca, ví dặm xã Bồi Sơn.

Nói về tuổi thì đến nay Câu lạc bộ Dân ca ví dặm xã Bồi Sơn xấp xỉ 20 năm hoạt động. Câu lạc bộ thành lập khi đó chưa có chủ trương chung của tỉnh. Câu lạc bộ dân ca ra đời, dễ nhất là tìm kiếm hạt nhân bởi ngày xưa, đây là đất phường trò, nổi tiếng với hát tuồng, hát bội. Trong làng có bác Tuấn trước đây từng là sinh viên của Trường Văn hóa Nghệ thuật “giải nghệ”, bác Lương là tay đàn tay sáo của phường trò xưa, lại có vợ chồng bác Truất – Thái, một người là cây trống “siêu cừ”, người là đào chính trong các vở tuồng; nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường – chủ nhiệm câu lạc bộ thời ấy là bí thư đoàn, kiêm cán bộ văn hóa xã, là người có năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc.

Được cả “thiên thời”, “địa lợi”, “nhân hòa” chỉ một thời gian ngắn sau khi đi vào hoạt động, Câu lạc bộ Dân ca ví dặm xã Bồi Sơn đã nhanh chóng tạo được dấu ấn và trở thành hạt nhân trong phong trào văn hóa của xã, của huyện, của tỉnh. Câu lạc bộ đã từng đạt giải A tại Liên hoan mô hình truyền thông phòng chống bệnh lao toàn quốc, đạt rất nhiều bằng khen và các giải A, B tại Liên hoan dân ca ví dặm xứ Nghệ và mới đây nhất là bằng khen và giải B tại Liên hoan Dân ca ví dặm xứ Nghệ ở Hà Tĩnh. Hiện các thành viên trong CLB đã sưu tầm và lưu giữ được hơn 20 bài dân ca ví dặm lời cổ thuộc các thể loại hát ví, hát đối đáp giáo duyên, hát ghẹo, với các làn điệu như ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, vì trèo non hay làn điệu dặm đức sơn, dặm cửa quyền, dặm ru, dặm kể.

Các thành viên trong câu lạc bộ tự hào bởi chính họ dã tạo nên sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, tạo ra niềm vui vì đã đem tiếng hát lời ca phục vụ bà con, phục vụ cộng đồng và góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ, bảo tồn dân ca xứ Nghệ, bảo tồn một giá trị văn hóa vô giá của dân tộc.


Bài, ảnh: Mỹ Hà