Thi “thử”, đề thi “thật”

10/06/2013 18:51

Trên một triệu sĩ tử khắp cả nước đang chộn rộn chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013, nhưng trước thời điểm diễn ra những ngày thi “thật” thì rất nhiều thí sinh đã trải qua những đợt thi “thử” do các trường THPT tổ chức. Đăng ký thi “thử” là các em học sinh muốn có sự chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi chính thức.

(Baonghean) - Trên một triệu sĩ tử khắp cả nước đang chộn rộn chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013, nhưng trước thời điểm diễn ra những ngày thi “thật” thì rất nhiều thí sinh đã trải qua những đợt thi “thử” do các trường THPT tổ chức. Đăng ký thi “thử” là các em học sinh muốn có sự chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi chính thức.

Trường THPT Chuyên Đại học Vinh được xem là một địa chỉ tin cậy của các học sinh lớp 12 trên địa bàn Nghệ An và các địa phương lân cận khi các em tìm đến để thử sức mình qua các kỳ thi “thử”. Đã 8 năm qua, Trường THPT chuyên Đại học Vinh tổ chức thi “thử” với 3 đợt mỗi năm vào thứ bảy và chủ nhật của tuần giữa tháng 4, 5 và 6. Trung tuần tháng 6 này là đợt thi “thử” cuối cùng của năm nay. Mới đầu, kỳ thi chỉ dành cho học sinh khối 12 của trường, sau đó mở rộng cho tất cả những học sinh khác có nhu cầu tham gia dự thi. Học sinh từ các huyện đồng bằng và trung du Nghệ An, Hà Tĩnh đã vượt đường dài “đi thi đại học sớm”. Trung bình mỗi đợt thi như thế có trên 2000 học sinh tham gia.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết: “Sở dĩ kỳ thi thử của trường thu hút đông đảo học sinh các nơi tham gia vì chúng tôi đã lập hẳn một hội đồng ra đề, lập đáp án, thử giải, phản biện, đảm bảo tính chính xác về chuyên môn, bảo mật về thông tin. Sau đó, Hội đồng coi thi cũng được phân bổ cụ thể, phòng thi đảm bảo chỉ từ 30 đến 35 em. Nói chung, mọi phần việc được chuẩn bị không khác gì một kỳ thi đại học chính thức. Sau mỗi đợt thi, học sinh được nhận lại bài làm để đối chiếu, rút kinh nghiệm. Còn em nào ở xa có thể gọi điện hỏi kết quả và tự đối chiếu với những bài giải khác. Trong các kỳ thi “thử” này, độ căng thẳng không bằng thi “thật”, nhưng cái được nhất là các em tự giác làm bài bằng khả năng của mình…”.

Thi “thử” đại học là chuyện không mới trong những năm gần đây. Hầu như trường THPT nào cũng tổ chức để học sinh rà soát tình hình ôn thi đại học, xem xét khả năng có trúng tuyển hay không; đồng thời, tạo động lực thôi thúc hơn nữa chặng về đích của các học sinh trong trường.

Mục đích của thi “thử” là để phục vụ tốt hơn cho thi “thật”. Vì thế, quan điểm của các trường là tổ chức bài bản, từ khâu ra đề, lập đáp án, chấm thi, đến khâu coi thi và tính kỷ luật phòng thi. Sự nghiêm túc của Hội đồng nhà trường và đa số các em tham gia cũng xác định tâm lý không phải “thi cho vui”, “thi cho xong”, mà là thi nghiêm túc. Thực ra, chính bản thân các sĩ tử lâu nay đã “thử thi” tại nhà. Với các đề thi năm cũ, hoặc các sách dạng thức bộ đề đã được nhiều em thử nghiệm bằng quyết tâm cao độ; các em bấm đồng hồ, làm nghiêm túc, hết mình và sau khi hết thời gian dừng lại, tự chấm theo khung đáp án. Tuy nhiên, thi ở trường vẫn khác. Vì hệ thống trường quy định chặt chẽ, không khí kỳ thi nghiêm túc sẽ giúp các em trải nghiệm những yếu tố tâm lý luôn có ở kỳ thi chính thức.

Chất lượng của các kỳ thi “thử” cũng là điều đáng bàn. Theo những ghi nhận của chúng tôi, ở Thành phố Vinh nói riêng, Nghệ An nói chung, gần như đơn vị tổ chức thi là các trường THPT nên các thầy, cô thực sự có trách nhiệm đối với học sinh. Bởi vậy, hiện tượng các trung tâm luyện thi mở các đợt thi “thử” phổ biến như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để thu doanh lợi là không có. Trung bình các em nạp từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng cho 3 môn thi “thử” đại học và tất cả mọi khâu thi tuyển. Sau khi thi xong, như ở Trường THPT chuyên Đại học Vinh, nhà trường có bán đáp án với giá 2.000 đồng/bộ để các em thấy được chỗ sai, sửa sai. Còn đối với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, kỳ thi “thử” được xem là đợt sát hạch quan trọng mà không phải học sinh nào ngoài trường này cũng dễ tham gia. Bởi theo thầy Hiệu trưởng Đậu Văn Mùi, thì cách ra đề của trường có khó hơn bình thường để đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh trường chuyên.

Hầu hết các học sinh có ý thức trong việc đăng ký dự các kỳ thi “khởi động” này. Sau khi hỏi ý kiến bố mẹ, các em đến trường ghi tên và nạp một khoản tiền (phục vụ cho công tác tuyển sinh). Tuy nhiên, có nhiều em thiếu tự tin nên đi thi “thử” chỉ vì bố mẹ yêu cầu. Trong lần thi “thử” giữa tháng 5 tại Đại học Vinh, em Nguyễn Thị Hằng đến từ Nam Đàn chia sẻ: “Tâm lý chúng em khá thoải mái nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn có một số ít bạn lơ là, đi thi mà như đi chơi. Bạn trai ngồi cạnh em gục đầu xuống bàn cả buổi thi, có lẽ ngủ (?!). Còn đâu 5 phút nữa thu bài, bạn ấy dậy, mượn bút chì của em tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Chẳng suy nghĩ gì, bạn ấy tô tất cả các phương án là D và còn hỉ hả là đường nào cũng được điểm xác suất?!”.

Cô Nguyễn Thị Huê - nguyên cán bộ Trường Đại học Vinh, đã nghỉ hưu nhưng vẫn thường tham gia coi thi “thử” chia sẻ: “Nhiều em hình như biết trước không làm được bài, sợ điểm thấp, xấu hổ với bạn, sợ bố mẹ mắng nên lấy tên giả khi đăng ký thi”. Tuy nhiên, đó là những học sinh ngoài trường tham gia thi thử, còn các học sinh thuộc trường quản lý phải lấy đúng tên thật, để nhà trường căn cứ vào đó theo dõi, đánh giá kết quả và báo cáo về cho phụ huynh.

Sau kỳ thi “thử”, các em học sinh có thể nhận ra những lỗ hổng kiến thức cần phải nhanh chóng được củng cố mà hy vọng, hay từ kết quả thi “thử” để tự tin thi “thật”.


Nguyên Sơn